Mô Hình Bò Nuôi Rẽ Giúp Nhau Phát Triển Kinh Tế
“Bò nuôi rẽ” là tên gọi do các gia đình tham gia mô hình đặt. Với mô hình này, người có bò sẽ cho người nghèo, người không có vốn sản xuất nhận nuôi. Sau khi bò mẹ đẻ bò con, người nhận nuôi được các chủ bò chia một nửa tổng giá trị.
Mô hình không những được áp dụng trên địa bàn huyện Ia Pa (Gia Lai) mà còn được áp dụng ở một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh như tại xã Ayun Hạ và xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện. Tại Ia Pa, mô hình “Bò nuôi rẽ” đã xuất hiện từ lâu và theo ông Siu Bol-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Ma Rơn thì từ sau giải phóng năm 1975, ông đã thấy mô hình này được áp dụng tại xã mình và được nhân rộng đến ngày hôm nay.
Ông Siu Brul ở thôn Ia Ma Rin 1 áp dụng mô hình từ năm 1998. Hiện gia đình ông đang có 10 con bò cho thuê nuôi. Để mô hình được áp dụng có hiệu quả và tránh được các rủi ro, Siu Brul chọn rất kỹ người nhận nuôi và giao trách nhiệm bằng bản cam kết có sự chứng kiến của trưởng thôn và một nhân chứng khác.
Theo ông, người nhận nuôi trước hết phải là hộ nghèo và những hộ này phải có nhu cầu thoát nghèo thật sự. Người nhận nuôi cũng phải có trách nhiệm báo cho chủ khi phát hiện bò bị ốm và chịu trách nhiệm đền bù nếu để bò chết hoặc bị mất trộm. Nhờ vậy mà sau 15 năm áp dụng mô hình, các đối tượng nhận nuôi bò của ông chưa để xảy ra rủi ro nào. Đàn bò của ông vẫn phát triển khỏe mạnh và sinh sản tốt.
Tại thôn Ma San, ông Ksor Hiết cũng bắt đầu áp dụng mô hình này từ năm 2011. Ông cho biết, người nhận nuôi bò của ông phải tự làm bản cam kết và mang đến nộp cho ông trước khi nhận bò về nuôi. Ngoài các cam kết về nuôi bò khỏe mạnh thì người nhận nuôi phải làm chuồng giữ bò để không bị trộm cắp. Riêng ông, mỗi tháng ông sẽ đi kiểm tra sức khỏe của đàn bò 1 lần. Hiện tổng cộng gia đình ông đang có 12 con bò được giao cho 12 hộ gia đình nghèo nhận nuôi.
Qua một thời gian áp dụng mô hình “Bò nuôi rẽ”, cả hai bên tham gia đều hài lòng với những lợi ích mà mô hình này mang lại. Đối với các chủ cho thuê bò thì việc áp dụng mô hình “Bò nuôi rẽ” đã giải quyết được những khó khăn cơ bản trước mắt cho họ trong việc tìm kiếm lao động, tìm kiếm thức ăn và đồng cỏ chăn thả.
Bên cạnh đó, họ cũng có một nguồn thu lớn từ việc cho thuê bò nuôi này. Riêng đối với những hộ được nhận bò nuôi thì đây là cơ hội để họ có vốn phát triển kinh tế gia đình bằng hình thức lấy công làm lãi. Sau 6 năm nhận nuôi, gia đình chị Siu H’Đanh (ở thôn Ia Ma Rin 3) được chủ chia 4 bò con để nuôi làm vốn.
Hiện chị cũng đang nhận nuôi thêm 4 con bò mẹ của 4 hộ gia đình khác nhau. Chị tâm sự “Năm trước nhờ bán được 2 con bò 21 triệu đồng mà mình có tiền làm mộ cho bố mẹ và mua một số vật dụng dùng trong nhà. Nếu hộ nào còn cho thuê nuôi thì mình sẽ nhận nuôi kết hợp để có lãi nhiều hơn”.
Bên cạnh nhà H’Đanh là gia đình mí H’Prai có thâm niên nuôi bò thuê hơn 10 năm nay. Nhờ có mô hình này mà từ hai bàn tay trắng đến nay, mí H’Prai đã có đến 6 con bò làm vốn. Trước đó, mí H’Prai cũng đã làm được một căn nhà sàn nhỏ và mua thêm một số diện tích đất sản xuất từ nguồn thu này.
Từ những lợi ích thiết thực đó mà hiện nay rất nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Ia Ma Rơn áp dụng mô hình này. Theo ông Siu Bol- Chủ tịch Hội Nông dân xã, xã Ia Ma Rơn có 12 thôn, làng, đã có 9 thôn làng có các hộ áp dụng. Riêng hội viên Hội Nông dân của xã đã có gần 50 hộ áp dụng mô hình này và Hội Nông dân xã cũng đang khuyến khích các hội viên giúp nhau phát triển kinh tế gia đình bằng hình thức này.
Siu Bol cũng cho biết thêm: “Lợi ích mà mô hình mang lại được chia đều cho cả hai bên nên được rất nhiều người dân ủng hộ, nhất là đối với những hộ nghèo trên địa bàn xã. Nếu mô hình này ngày càng được nhân rộng thì đây là một trong những yếu tố góp phần giúp nhiều hộ thoát nghèo một cách bền vững.
Related news
Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cho biết, theo chỉ đạo mới nhất của UBND tỉnh Lâm Đồng, các địa phương và cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới cần tăng cường hơn nữa các biện pháp kiểm soát buôn bán quốc tế mẫu vật thuộc các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) với những việc làm cụ thể như rà soát, thống kê, theo dõi, giám sát tất cả các trại nuôi động vật hoang dã trên địa bàn; đình chỉ những trại nuôi không đáp ứng các điều kiện theo quy định hiện hành.
Cây bưởi da xanh không được trồng nhiều ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang), nhưng đối với những hộ dân trồng loại cây này thì bước đầu đã có hiệu quả.
Chè Ngam La (Hà Giang) từ lâu được biết đến bởi hương vị thơm ngon tự nhiên. Có một thời, người dân đã chặt bỏ nhiều cây chè cổ thụ vì giá chè quá rẻ. Đúng lúc đó, một phụ nữ Tày đã khôi phục và phát triển thương hiệu chè Ngam La...
29 tuổi, chị Nguyễn Thị Lan (thôn 8, xã Thiệu Khánh, TP.Thanh Hoá) đang sở hữu một trang trại rộng gần 3 mẫu, doanh thu 700-800 triệu đồng/năm.
Vừa qua, tại Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam bộ (An Thái Trung, Cái Bè) đã diễn ra Hội nghị triển khai Quy chế quản lý đàn cá tra bố mẹ chọn giống. Đồng chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản và ông Nguyễn Văn Trọng Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, cùng hơn 30 đại biểu là lãnh đạo Sở NN&PTNT, chi cục thủy sản, trung tâm giống và các cơ sở sản xuất giống có nhận đàn cá tra chọn lọc của 10 tỉnh vùng ĐBSCL.