Xín Mần Chú Trọng Phát Triển Nông, Lâm Nghiệp

Là huyện nghèo, nền kinh tế chậm phát triển; trong những năm qua, huyện Xín Mần đã xác định: Lấy sản xuất nông nghiệp làm hướng đi chính trong phát triển kinh tế, XĐGN. Theo đó, để sản xuất nông nghiệp trở thành hướng đi chủ đạo của nền kinh tế, huyện đã quy hoạch, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy thế mạnh của từng vùng, áp dụng KHKT, đưa nhanh giống mới vào sản xuất, đầu tư thâm canh...
Nhờ đó, đã tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, như vùng: sản xuất ngô hàng hóa tại 15 xã phía Bắc của huyện; vùng trồng lúa chất lượng cao tại các xã Thèn Phàng, Thu Tà, Nấm Dẩn... Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất tập trung nhằm nâng cao giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích là một trong những chính sách thiết thực giúp người dân Xín Mần thoát nghèo bền vững bằng chính nguồn lực, thế mạnh địa phương.
Năm 2014, được đánh giá là năm không thuận lợi cho sản xuất nông, lâm nghiệp; thời tiết diễn biến phức tạp, rét đậm, rét hại tại các xã Thu Tà, Xín Mần; lượng mưa trung bình hàng năm thấp, đặc biệt là khô hạn kéo dài đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng cây trồng như: Lúa, ngô, đậu tương, dẫn tới nhiều diện tích không cho thu hoạch, phải trồng lại, làm cho sản lượng thiếu hụt đối với cây lúa là hơn 991 tấn; cây ngô gần 3.200 tấn; cây đậu tương là 281 tấn...
Tuy nhiên, được sự quan tâm của tỉnh, các sở, ngành chuyên môn; huyện Xín Mần đã tập trung lãnh, chỉ đạo cho bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát huy thế mạnh của từng vùng, áp dụng KH-KT, đưa giống mới vào sản xuất, đầu tư thâm canh đã tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Vùng sản xuất ngô hàng hóa tại các xã phía Bắc của huyện, vùng trồng lúa chất lượng cao, vùng trồng thảo quả và vùng trồng, sản xuất chế biến chè. Bên cạnh đó, công tác Khuyến nông luôn được đẩy mạnh, tăng cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở để hướng dẫn bà con, gieo trồng chăm sóc đúng thời vụ, thành lập các Tổ chỉ đạo sản xuất, xây dựng các Nhóm sở thích để đẩy mạnh phát triển sản xuất tại thôn, bản, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước một cách kịp thời; công tác cung ứng vật tư nông nghiệp được chỉ đạo chặt chẽ, thuận lợi cho nhân dân đầu tư sản xuất.
Đối với cây lúa, tổng diện tích toàn huyện là 4.369ha, sản lượng ước đạt trên 22 nghìn tấn; cây ngô diện tích hơn 6.032ha, sản lượng đạt trên 15.600 tấn; cây đậu tương diện tích trên 3.242ha, sản lượng đạt trên 3.400 tấn. Về chăn nuôi thú y, tổng đàn trâu toàn huyện có 16.288 con, tăng 562 con so với cùng ky năm trước; đàn bò 8.046 con, giảm 335 con; đàn ngựa 1.189 con, tăng 77 con, đàn dê trên 16.500 con...
Bên cạnh kết quả đạt được, huyện Xín Mần vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục về sản xuất nông, lâm nghiệp trong thời gian tới như: Một số cây, con có lợi thế từng vùng, miền chưa được phát huy, mở rộng; sản phẩm hàng hóa nông sản còn ít và đơn điệu chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng vùng; công tác chỉ đạo của một số xã chưa thực sự đươc quan tâm...
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới và những năm tiếp theo, đồng chí Bùi Minh Hiệu, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Huyện sẽ tiếp tục chủ động triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất vụ Đông - xuân năm 2014-2015 cho các thôn, bản và các hộ phù hợp với điều kiện tại cơ sở; chỉ tiêu cần được tập trung cho những cây trồng thế mạnh trong vùng, không giao bình quân và phân công cán bộ phụ trách thôn, bản để chỉ đạo sản xuất có trọng điểm tạo ra vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa đảm bảo gieo trồng đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Cùng với đó, huyện cũng tích cực áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất nhằm nâng cao hơn nữa năng suất cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực, tăng nhanh giá trị kinh tế trên đơn vị canh tác với quyết tâm từng bước giúp bà con thoát nghèo bền vững bằng chính nguồn lực nông nghiệp của địa phương...”.
Nguồn bài viết: http://baohagiang.vn/?lang=V&func=newsdetail&newsid=32468&CatID=150&MN=26
Related news

Từ đầu năm đến tháng 10-2014, toàn xã đã đóng mới được 37 phương tiện, trong đó 8 phương tiện có công suất từ 48 đến 63 CV, 29 phương tiện có công suất từ 90 đến 550 CV và thành lập được 1 tổ dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển với 4 tàu từ 250 CV trở lên, chủ yếu khai thác các loại hải sản xuất khẩu có giá trị kinh tế cao ở tầm trung và khơi xa.

Theo chân cán bộ xã Thạch Quảng, chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi dưới tán rừng của gia đình anh Bùi Văn Cự tại làng Thố. Không giấu nổi niềm vui khi đã chọn được con đường làm giàu đúng đắn, anh Cự nhiệt tình dẫn chúng tôi đi thăm những chuồng trại dưới đồi mía và keo.

Vài năm gần đây, nông dân Đắk Lắk và một số tỉnh bắt đầu “bén duyên” với ca cao, loại cây trồng được xem như “cú hích” thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình. Nguồn thu nhập từ ca cao không những giúp nhiều hộ đồng bào cải thiện cuộc sống mà còn giúp họ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Thị trường Hoa Kỳ tăng 22,84% về khối lượng và tăng 36,58% về giá trị; Singapore tăng 55,5% về khối lượng và 95,14% về giá trị; Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất tăng 49,85% về khối lượng và tăng 79,4% về giá trị. Thị trường Ấn Độ tăng 97,0% về khối lượng và 2,3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.

Cụ thể gồm dự án NM bảo quản, chế biến trái cây có múi đặc sản Hậu Giang (vùng nguyên liệu 9.700 ha); NM bảo quản, chế biến khóm Cầu Đúc (2.000 ha); Đầu tư SX, tiêu thụ, chế biến cá đồng (1.500 ha); Chăn nuôi tập trung (trang trại từ 1.000 - 2.000 con heo, gia cầm 2.000 con trở lên);