Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lúa gieo vụ Mùa ở Phù Mỹ nguy cơ mất trắng vì hạn

Lúa gieo vụ Mùa ở Phù Mỹ nguy cơ mất trắng vì hạn
Publish date: Tuesday. November 3rd, 2015

Trước tình hình thiếu nước tưới nghiêm trọng, ông Đặng Văn Quang, Giám đốc HTXNN Mỹ Lộc, than thở: “Từ ao, suối nhỏ đến hồ An Tường, hồ Cây Sung, hồ Vạn Định đến nay đều khô...

trắng đáy, hàng trăm ha lúa gieo khô trên địa bàn HTX lớp tròn mình, lớp bung gié nhưng không trỗ nổi bởi mất liền mấy lứa nước; nguy cơ mất trắng 100% là rất rõ”.

Ở xã Mỹ Phong, 592 ha lúa vụ Mùa đều là diện tích gieo khô chờ mưa.

“Nhưng mưa không đủ...

“cóc uống”; ngó trước, quay sau, thấy đồng lúa nào cũng còi cọc, ốm yếu, hầu hết lúa hả miệng, khô đòng, do thiếu nước trầm trọng, vụ này chắc mất mùa lớn” - bà Nguyễn Thị Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Phong, bức xúc.

Cùng kỳ năm ngoái, lượng nước tại các ao, hồ Giàn Tranh, Tây Dâu, Ông Rồng, Phước Thọ, nhất là hồ Hội Khánh (ở xã Mỹ Hòa) vẫn còn cả triệu khối nước, tuy không dư dả nhưng vẫn cầm cự cho lúa vụ Mùa đến cuối vụ.

Còn năm nay, hồ nào cũng khô khốc.

Theo ông Đỗ Cam, cán bộ khuyến nông xã Mỹ Hòa, khoảng 100 ha lúa sạ nhờ nước các ao, hồ và khoảng chừng 100 ha/639 ha lúa gieo khô trà sớm, nông dân khai thác các nguồn mạch nước ngầm, chạy lo từng đợt, nên hy vọng năng suất đạt 50 - 55 tạ/ha.

Nếu tiếp tục không có mưa thì 539 ha lúa gieo khô ở Mỹ Hòa sẽ mất ít nhất 70% năng suất.

Ông Cam nói thêm: “Không chờ mưa được, đến giờ này đã có hàng chục ha bị bà con cắt cho bò ăn”.

Dọc theo tuyến đường qua các xã Mỹ Hiệp, Mỹ Hòa, Mỹ Trinh, nhiều đám ruộng trắng đất, thấp cây, vàng vọt, lúa bị cắt dần từng vạt nham nhở để cho bò ăn.

Ông Nguyễn Hữu Khẩn, ở thôn Hội Phú, xã Mỹ Hòa, bộc bạch: “Vụ này nhà tui làm 7 sào, dùng giếng khoan theo nước được 3 sào, mất tiêu mấy trăm ngàn tiền điện, thu hoạch được 200 kg/sào là cùng, năm ngoái hơn 250 kg/sào, còn 4 sào theo không nổi, đành cắt dần cho bò ăn”.

Ở các cánh đồng phía Bắc huyện cũng không khá gì, nhiều nông dân cũng cắt lúa non cho bò.

“Theo nước không nổi, ai cũng đóng giếng khoan, ai cũng máy, nước ngầm ngày càng cạn kiệt, cắt cho bò ăn coi bộ có lý hơn” - ông Huỳnh Văn Nhi, ở thôn Dương Liễu Bắc, thị trấn Bình Dương, đang kéo một cộ lúa héo khô chất bên cạnh chuồng bò, nói giọng đầy chua chát.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ, phân tích: Suốt 3 tháng qua lượng mưa quá ít, chỉ có 262mm, lũy kế từ đầu năm đến nay chỉ đạt 564mm, thấp hơn trung bình nhiều năm; 45 ao, hồ chứa trên địa bàn huyện đã cạn, hiện nay chỉ còn dưới 3 triệu m3, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước 6,2 triệu m3, và thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 15 triệu m3 trở lên.

Chỉ trừ các xã Mỹ Cát, Mỹ Chánh, Mỹ Tài, Mỹ Hiệp 1… ăn nước hồ Hội Sơn (Phù Cát) vẫn còn cầm cự trên cả lúa gieo, nhiều địa phương còn lại đang từng bước buông tay, nếu trời tiếp tục nắng.

“Lúa mùa năm nay mất nặng là không tránh khỏi” - ông Hồng chốt lại.

Còn ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho biết:

“Thời tiết năm nay diễn biến phức tạp quá, nông dân theo nước đã mỏi, chi phí cao, năng suất lúa vụ Mùa, nhất là trên lúa gieo khô sẽ thấp hơn nhiều năm, chúng tôi đang nhìn vào vụ Đông Xuân sắp tới, được huyện tập trung chỉ đạo ngay từ bây giờ, để phấn đấu đạt năng suất cao, bù lại vụ này mất mát nặng”.


Related news

Bến Tre Niềm Vui Quê Biển Bến Tre Niềm Vui Quê Biển

Năm 2013, quê biển Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại (Bến Tre) trúng mùa tôm, nghêu... từ đó, thu nhập của người dân ngày càng nâng lên. Đón ngày Tết cổ truyền của dân tộc, người dân ba huyện ven biển đã vui lại càng vui hơn.

Monday. January 20th, 2014
"Đồng Cá" Cẩm Khê

Đất ven sông, diện tích đồng chiêm trũng, nhiều đời nay cư dân nông nghiệp Cẩm Khê (Phú Thọ) đã sớm quen với nghề cá. Từ ngư dân chuyên nghề chài lưới đánh bắt trên sông Hồng, sông Bứa, ngòi Lao đến nông dân quanh năm chân lấm tay bùn vừa buông cày bừa, liềm hái đã tất bật nơm, vó, dậm kiếm tôm cá nơi đồng ngập úng chế biến thức mặn ăn dần.

Monday. January 20th, 2014
Thái Bình Định Hướng Phát Triển Nuôi Cá Lồng Trên Sông Thái Bình Định Hướng Phát Triển Nuôi Cá Lồng Trên Sông

Thái Bình là tỉnh ven biển với hơn 52 km bờ biển, được bao bọc bởi hệ thống sông lớn là: Sông Hồng, sông Trà Lý, sông Luộc, sông Thái Bình, sông Diêm với ba loại hình thủy vực nước ngọt, nước lợ và nước mặn, do đó diện tích mặt nước để đưa vào nuôi trồng thuỷ sản rất lớn.

Monday. January 20th, 2014
Tuyên Quang Khai Thác Tiềm Năng Nuôi Trồng Thủy Sản Tuyên Quang Khai Thác Tiềm Năng Nuôi Trồng Thủy Sản

Anh Hà Văn Dương, người quản lý bè cá giới thiệu, các loài cá nuôi trong các ô chuồng chủ yếu là Rô phi đơn tính, cá Lăng, Chép 3 máu, Trắm đen, Diêu hồng và cá Ngạnh sông.

Monday. January 20th, 2014
Làm Giàu Nhờ Nuôi Con Đặc Sản Làm Giàu Nhờ Nuôi Con Đặc Sản

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, rót chén trà xanh mời khách ông Quý nhớ lại, trước kia ông cũng như bao gia đình khác trong xã thu nhập chính chủ yếu trông vào hai vụ lúa nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Trước khi đến với mô hình nuôi ba ba, ông từng áp dụng nhiều mô hình chăn nuôi khác nhưng hiệu quả kinh tế không cao, cái nghèo vẫn luôn đeo bám ông và gia đình.

Monday. January 20th, 2014