Bến Tre Niềm Vui Quê Biển
Năm 2013, quê biển Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại (Bến Tre) trúng mùa tôm, nghêu... từ đó, thu nhập của người dân ngày càng nâng lên. Đón ngày Tết cổ truyền của dân tộc, người dân ba huyện ven biển đã vui lại càng vui hơn.
Nhiều người dân ở ba huyện cho biết, không chỉ vui vì trúng mùa tôm, nghêu, sắn… mà còn vui vì 10 cây cầu trên đường tỉnh 883 vừa khánh thành.
* Thạnh Phú, Ba Tri trúng đậm…
Được tin Thạnh Phú trúng đậm mùa tôm biển (tôm sú, tôm thẻ chân trắng), chúng tôi về An Nhơn, An Điền, Giao Thạnh… rồi xã ven biển Thạnh Hải. Những nơi này có nhiều hộ vừa trở thành triệu phú, tỷ phú.
Ông Võ Văn Vũ ở ấp An Định, xã An Nhơn vừa phân loại tôm, vừa nói: 3 ao tôm thẻ chân trắng (TCT) tôi nuôi thâm canh với diện tích 1,5ha mặt nước. Năng suất đạt khoảng 13 tấn/ha, sau 2 vụ nuôi, nhờ giá cao nên lời khoảng 400 triệu đồng.
Ông Bùi Quang Chinh - Phó Chủ tịch UBND xã An Điền dẫn chúng tôi đến hộ ông Lê Văn Yêm ở ấp Giang Hà. Ông Yêm phấn khởi: “Tôi vừa thu hoạch vụ 2 (nuôi thâm canh) tôm TCT với diện tích gần 3.000m2 lời gần 200 triệu đồng, cộng với vụ 1 tôi kiếm lời gần 300 triệu đồng”.
Vượt sông Eo Lói, chúng tôi đến hộ ông Lê Thanh Hồ ở ấp Giao Thạnh, xã Giao Thạnh. Ông Hồ nuôi 2ha tôm TCT. “Vụ 1 vào khoảng tháng 3 (âl) tôi lời khoảng 120 triệu đồng. Đến vụ 2, khoảng tháng 7 (âl) tổng tiền lời gần 300 triệu đồng. Vậy là năm nay, gia đình tôi ăn Tết lớn” - ông Hồ cười tươi.
Cây dừa bắt đầu đổ bóng dài về hướng Đông, chúng tôi chia tay Giao Thạnh, tiến về Thạnh Hải. Ông Hà Văn Doi - Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hải không ngại khó khăn dẫn đường chúng tôi về nhà ông Võ Văn Côn ở ấp Thạnh Thới A. Ông Côn vừa kiểm lại tiền bán tôm vừa nói, cả 2 vụ tôm TCT trừ chi phí còn hơn nửa tỷ đồng, nhờ vụ 2 cao giá hơn vụ 1 từ 50 đến 70 ngàn đồng/kg. “Tôi thường xuyên áp dụng quy trình nuôi đúng theo sự hướng dẫn của kỹ sư. Gia đình tôi chỉ nuôi 2ha thâm canh tôm TCT, năng suất đạt khoảng 15 tấn/ha” - ông Côn cho biết.
Không chỉ trúng tôm biển mà Thạnh Phú còn trúng mùa sắn và đậu phộng. Chỉ tính riêng xã Thạnh Hải có 295ha sắn (năng suất bình quân 5 tấn/công) và 45ha đậu phộng. Hộ ông Lê Văn Chịu ở ấp Thạnh An, trồng 15.000m2 sắn. “Năm qua, nhờ thời tiết thuận lợi, tôi trồng được 3 vụ sắn, trừ chi chí cả năm còn lời khoảng 200 triệu đồng” - ông Chịu phấn khởi kể lại.
Rời Thạnh Phú chúng tôi đến Ba Tri. Trong nuôi trồng thủy sản, nhiều nhất ở Ba Tri vẫn là tôm TCT, với diện tích nuôi 834ha, tập trung ở các xã: An Đức, Vĩnh An, Bảo Thạnh… Ông Nguyễn Văn Bum - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh An, cho biết xã có 130 hộ nuôi tôm biển với 135ha (tôm TCT chiếm 70%). Qua 2 vụ, có hộ nuôi lời hơn 1 tỷ đồng.
Cũng ở Ba Tri, Bảo Thạnh vẫn trúng đậm mùa tôm biển, nhất là những hộ nuôi thâm canh tôm TCT. Ông Trịnh Hoàng Be - Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết toàn xã có 228ha nuôi tôm biển thâm canh. Ông Trịnh Minh Trung ở ấp Thạnh Quí, nuôi 2ha tôm TCT lời gần 600 triệu đồng. Ông Đoàn Minh Hải ở ấp Thạnh Bình nuôi chỉ có 8 công tôm TCT lời gần 400 triệu đồng.
Năm 2013, diêm dân Bảo Thạnh còn trúng đậm vụ muối. Ông Đoàn Văn Trung ở ấp Thạnh Phước phấn khởi: “Gia đình tôi có 3ha muối, giá muối lên 60-70 ngàn đồng/giạ. Nhờ đó tôi kiếm được gần 120 triệu đồng trong năm 2013”.
* Bình Đại thắng to…
Cũng như Thạnh Phú, Ba Tri, huyện Bình Đại thắng to nghề nuôi tôm biển. Ông Nguyễn Văn Măn - Chủ tịch UBND huyện Bình Đại, cho biết Xuân Giáp Ngọ 2014, người dân Bình Đại rất phấn khởi vì trúng đậm mùa tôm biển, hoa màu… “Chỉ nói riêng về tôm biển, năm 2013 toàn huyện nuôi gần 5.000ha. Riêng tôm TCT lên đến gần 4.000ha (tôm sú chỉ gần 900ha). Đặc biệt, tình hình nuôi nghêu có chiều hướng thuận lợi, diện tích lên đến gần 2.100ha. Sân nghêu ở Thới Thuận có thế mạnh là nghêu giống tự sinh sản” - ông Măn nói.
Tháng 9-2013, sân nghêu 900ha của Hợp tác xã thủy sản Rạng Đông (xã Thới Thuận) thu về cao nhất trong năm (gần 8 tỷ đồng). “Từ đầu năm đến hết tháng 10-2013, thu hoạch gần 2.000 tấn nghêu, tổng doanh thu hơn 43 tỷ đồng” - ông Nguyễn An Ri - Chủ nhiệm Hợp tác xã không giấu được niềm vui.
Phong trào nuôi tôm biển không chỉ thành công ở xã Định Trung mà còn có các xã: Thạnh Phước, Thạnh Trị, Đại Hòa Lộc…
Nhìn chung, Bình Đại khá thắng lợi trong việc đánh bắt thủy sản, góp phần tăng hộ giàu. Toàn huyện hiện có 1.270 tàu (trong đó có 592 chiếc đánh bắt xa bờ), sản lượng khai thác khoảng 50.000 tấn/năm. Để an toàn trong đánh bắt hải sản, Bình Đại được tỉnh hỗ trợ ban đầu: lắp đặt 25 máy kết nối vệ tinh. Đây là 25 máy thuộc Dự án MOVIMAR cho những tàu thuộc các tổ, đội tàu đánh bắt xa bờ ở xã Bình Thắng.
Ông Lê Văn La - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Đại, cho biết vụ muối năm 2012-2013 Bình Đại đạt sản lượng muối gần 26.000 tấn/năm, giá dao động từ 58.000 đến gần 70.000 đồng/giạ (1 giạ = 40kg). Sản lượng cây ăn trái cũng đạt khá. Hiện nay, nhãn ở xã Long Hòa được nhà vườn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích gần 60ha. Bên cạnh đó, cây ăn trái ở Bình Đại còn có bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc...
Công trình cầu Cầu Ván qua sông Eo Lói (Thạnh Phú) được khởi công xây dựng vào 27-8-2012, dự kiến thông xe trước Tết Giáp Ngọ 2014, với tổng kinh phí xây dựng 212 tỷ đồng dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.
Related news
Bệnh trắng lá mía hiện chưa thành dịch, nhưng đây là một căn bệnh nguy hiểm, có thể bùng phát thành dịch khi gặp điều kiện thuận lợi. Ở một số nước trồng mía lớn nhưThái Lan, Sri Lanka, bệnh trắng lá mía đã từng bùng phát thành dịch và gây ra thiệt hại lớn cho ngành mía đường
Sau quyết định của Trung Quốc dừng nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm từ Việt Nam, ghi nhận của phóng viên cho thấy, giá lợn tại một số nơi đã giảm.
Cuộc sống của chúng ta là một vườn hoa ngát hương. Mỗi đóa hoa, mỗi làn hương quyện trong gió đều mang một ý nghĩa riêng biệt
Nhiều thông tin lạc quan về tình hình XK cá tra năm 2012 đã thôi thúc bà con mạnh dạn cải tạo ao thả giống trở lại. Song lũ lụt kéo dài năm ngoái và những đợt không khí lạnh vừa qua đã làm giảm sản lượng cá giống cung ứng cho thị trường.
Dân địa phương cho biết vùng này được gọi là “kho lim” của rừng Bãi Hà (Vĩnh Hà ngày nay). 20 năm trước rừng bị khai thác hết gỗ, những cây lim vừa bị đốn là lứa cây con vừa lớn lên. Ngay cạnh rừng lim mới bị đốn hạ, nhìn qua phía đông là một rừng keo với hàng chục hecta đã xanh tốt hơn 2 năm tuổi