Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làm Giàu Nhờ Nuôi Con Đặc Sản

Làm Giàu Nhờ Nuôi Con Đặc Sản
Publish date: Monday. January 20th, 2014

Trong những năm qua, trên địa bàn xã An Bình (Kiến Xương - Thái Bình) đang phát triển mạnh mô hình nuôi ba ba thương phẩm cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, nuôi ba ba đang là mô hình giúp cho nhiều nông dân thoát nghèo vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Gia đình ông Ðỗ Xuân Quý ở thôn Bằng Trạch là một trong những gia đình điển hình về làm giàu từ nuôi ba ba.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, rót chén trà xanh mời khách ông Quý nhớ lại, trước kia ông cũng như bao gia đình khác trong xã thu nhập chính chủ yếu trông vào hai vụ lúa nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Trước khi đến với mô hình nuôi ba ba, ông từng áp dụng nhiều mô hình chăn nuôi khác nhưng hiệu quả kinh tế không cao, cái nghèo vẫn luôn đeo bám ông và gia đình.

Với ý chí và quyết tâm vươn lên thoát nghèo, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương đã thúc giục ông tìm tòi, học hỏi những mô hình kinh tế mới cho hiệu quả kinh tế cao để áp dụng vào sản xuất. Như một cơ duyên, năm 2003, ông cùng với một số người dân trong xã lên Nghĩa Lộ (Yên Bái) tìm hiểu về cách nuôi ba ba thương phẩm. Ông nhận thấy đây là loài dễ nuôi, giá thành cao và đầu ra ổn định nên mạnh dạn bàn với gia đình quyết định vay vốn, cải tạo một phần diện tích ao nuôi cá sang nuôi ba ba thương phẩm.

Nhờ tìm hiểu kỹ về đặc tính của ba ba và nắm vững kinh nghiệm cũng như kỹ thuật nuôi nên ngay từ những lứa đầu tiên đã cho gia đình ông thu lãi cả chục triệu đồng. Từ thành công bước đầu, gia đình ông tiếp tục đầu tư xây dựng thêm nhiều bể trên cạn để mở rộng diện tích, nâng cao thu nhập. Trong chăn nuôi, gia đình ông Quý luôn luôn thực hiện đúng quy trình, từ khâu chọn giống đến khâu chăm sóc và phòng ngừa dịch bệnh cho ba ba, trong đó chọn giống luôn được ông đặt lên hàng đầu.

Sau hơn 10 năm bén duyên với ba ba, trải qua nhiều khó khăn vất vả, đến nay gia đình ông đã có một cơ ngơi khá khang trang với đầy đủ đồ dùng có giá trị phục vụ cuộc sống. Hiện nay, gia đình ông thường xuyên nuôi khoảng 500 con ba ba các loại, trong đó chủ yếu là ba ba gai, còn lại là ba ba trơn. Thời gian nuôi ba ba thương phẩm từ 30 - 36 tháng, sẽ cho trọng lượng khoảng 4-5 kg/con.

Với giá bán hiện nay từ 450.000 - 500.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí giống và thức ăn cho gia đình ông thu lãi từ 70 - 80 triệu đồng/năm. Ở An Bình hiện nay đã có khoảng 80 hộ gia đình tham gia nuôi ba ba với số lượng từ vài chục đến hàng trăm con. Mỗi năm, các hộ chăn nuôi ở An Bình cung cấp hàng nghìn con ba ba thương phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Cũng nhờ vào ba ba mà cuộc sống của nhiều gia đình trong xã đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi ba ba, ông Quý cho biết: “Ðể ba ba sinh trưởng và phát triển tốt đòi hỏi người nuôi phải tuân thủ quy trình kỹ thuật rất nghiêm ngặt. Trong đó, ao nuôi cần phải bảo đảm nguồn nước sạch, dễ dàng thay nước và đáy ao rải bùn hoặc đất phù sa dày từ 30 - 40 cm để ba ba có chỗ trú ẩn khi trời lạnh. Khi xây tường bao xung quanh ao hoặc bể nuôi cần chú ý xây sâu xuống đất để tránh ba ba đục khoét bờ.

Ðối với con giống, cần nhất là phải chọn những con khỏe mạnh, không mang mầm bệnh. Thức ăn cho ba ba cần phải chế biến tỷ mỷ, bảo đảm sạch sẽ, không ôi thiu. Thức ăn chủ yếu cho ba ba là các loại cá tạp, nội tạng lợn làm sạch, đối với gà, vịt thải từ các trang trại cũng cần phải làm sạch lông trước khi cho ba ba ăn…

Ðánh giá về mô hình nuôi ba ba thương phẩm tại địa phương, ông Bùi Duy Ðông, Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết: Hiện nay, mô hình nuôi ba ba thương phẩm ở xã An Bình là mô hình hay, không những bảo đảm vệ sinh môi trường mà còn cho hiệu quả kinh tế cao nên đã có nhiều gia đình học hỏi và đầu tư chăn nuôi.

Ngoài nuôi ba ba thương phẩm, hiện nay một số gia đình đã chuyển sang nghiên cứu cho ba ba sinh sản nhằm cung cấp giống cho các gia đình chăn nuôi trong xã. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đối với nhiều gia đình vẫn là thiếu vốn, ngoài chi phí về xây dựng bể nuôi, người dân còn phải đầu tư khá nhiều vốn để mua con giống, thức ăn chăn nuôi... UBND xã đề nghị các cấp, các ngành có thêm nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi để người nông dân có thể vay vốn đầu tư vào chăn nuôi giúp phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.


Related news

Xuất Khẩu Gạo Năm 2015 Sẽ Rất Khó Khăn Xuất Khẩu Gạo Năm 2015 Sẽ Rất Khó Khăn

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra dự báo trên tại hội nghị sơ kết tình hình sản xuất niên vụ lúa năm 2014 và triển khai vụ Đông Xuân 2014-2015 tại khu vực Nam Bộ, ngày 10/10 của Bộ NNPTNT.

Monday. October 13th, 2014
Liên Kết Tiêu Thụ Lúa Đông Xuân 2014 - 2015 Liên Kết Tiêu Thụ Lúa Đông Xuân 2014 - 2015

Vừa qua, tại Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tiến Cường, xã Phú Cường, ông Lê Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cùng các ngành liên quan của huyện và ông Huỳnh Thế Năng, Tổng Giám đốc - Tổng Công ty Lương thực Miền Nam và Giám đốc Công ty Lương thực Đồng Tháp đã họp bàn thực hiện liên kết tiêu thụ lúa vụ đông xuân 2014 - 2015.

Monday. October 13th, 2014
Thành Lập Hợp Tác Xã Thương Mại, Dịch Vụ Nông Nghiệp Cái Tàu Hạ Thành Lập Hợp Tác Xã Thương Mại, Dịch Vụ Nông Nghiệp Cái Tàu Hạ

Hợp tác xã thương mại, dịch vụ nông nghiệp Cái Tàu Hạ có 16 thành viên, vốn điều lệ ban đầu là 400 triệu đồng; hoạt động kinh doanh trên các lĩnh vực: cung cấp vật tư nông nghiệp, thu mua tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài huyện.

Monday. October 13th, 2014
Dân “Méo Mặt” Vì Giá Lúa Dân “Méo Mặt” Vì Giá Lúa

Mấy năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên vụ hè thu nào gia đình ông Nguyễn Hữu Đức (thôn Tiến Bộ, Thạch Tân - Thạch Hà) cũng làm hết đất canh tác. Năm nay, 1 mẫu ruộng, gia đình ông thu hơn 2 tấn lúa, được xem là vụ hè thu bội thu nhất từ trước tới nay.

Monday. October 13th, 2014
Trồng Hoa Hồng Trong Nhà Kính Trồng Hoa Hồng Trong Nhà Kính

Cũng do gia cảnh khó khăn, học đến cấp 3, Đồng nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nông. Năm 2.000, Đồng lập gia đình, khi “ra riêng” được bố mẹ cho 1 sào đất (1.000 m2) để làm nông. Ban đầu, anh tiếp tục gắn bó với cây rau, nhưng giá rau bấp bênh nên cuộc sống không ổn định. Không chấp nhận tình cảnh này, Đồng đi khắp các nhà vườn ở địa phương để tham quan, tìm hiểu mô hình sản xuất phù hợp.

Monday. October 13th, 2014