Lợi Nhuận Kép

Nông dân xã Long Hòa, huyện Châu Thành (Trà Vinh) khấm khá hơn nhờ mô hình trồng 1 vụ lúa + nuôi 1 vụ thủy sản (tôm sú, cua biển, tép bạc đất), lợi nhuận khoảng 70 - 100 triệu đồng/ha/năm.
Ông Phạm Văn Trường, ấp 2, xã Long Hòa cho biết: Lúa trồng ở đây đảm bảo sạch 100%, không dư lượng thuốc BVTV. Lúa bị sâu, rầy bà con xả nước vào ngập đọt ngâm khoảng 12 giờ rồi xả nước ra không con nào sống nổi. Các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao được trồng trên đất nuôi thủy sản.
Phong trào trồng lúa trên đất nuôi thủy sản nước lợ ở Long Hòa phát triển từ năm 2000 đến nay. Cứ đến mùa nước ngọt về bà con lại tranh thủ làm 1 vụ lúa, sau đó nuôi 1 vụ thủy sản. Trồng lúa vừa có thu nhập khoảng 30 triệu đồng/ha vừa để xử lý môi trường trên đất nuôi tôm. Bà con ở đây cho biết, trồng lúa trên nền đất nuôi tôm chi phí thấp, chỉ khoảng một nửa so với làm lúa chuyên canh.
Theo kinh nghiệm của nông dân ở đây, lúc nào trong ô bao nước cũng phải giữ ngập chân lúa từ 2 - 3 tấc để cho nguồn lợi thủy sản tự nhiên như tép bạc đất, cua biển, cá... sinh sôi phát triển. Năng suất lúa trồng trên đất nuôi thủy sản đạt khoảng 6 tấn/ha. Thu hoạch lúa xong, bà con tiến hành vệ sinh ô bao chờ nước mặn về để thả tôm sú, cua biển. Mô hình 1 vụ lúa + 1 vụ thủy sản nước lợ mang lại nguồn thu nhập rất ổn định cho bà con nơi đây.
Gia đình ông Trường có 2 ha ruộng nuôi thủy sản nước lợ, cứ đến mùa nước ngọt về lại tranh thủ xuống giống 1 ha lúa giống ST5 và nuôi cá, tép, cua tự nhiên. “Trồng lúa ST5 lãi cao lắm. Thu hoạch 6 tấn, trữ lại 1 tấn, bán 5 tấn thu lãi hơn 30 triệu đồng. Thu hoạch lúa xong, làm vệ sinh ô ao chờ nước mặn về thả tôm sú, cua biển nuôi quảng canh cải tiến”, ông Trường cho biết.
Ông Trần Văn Khiêm, ấp Bùng Binh, xã Long Hòa cho biết: “Trồng lúa không sử dụng thuốc BVTV, khi thu hoạch trữ gạo để ăn đến mùa giáp hạt năm sau. Nông dân Long Hòa hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV”.
Ông Nguyễn Văn Tình, cùng ấp Bùng Binh canh tác 8 ha đất trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản nước lợ, chia sẻ: “Mô hình trồng lúa, nuôi thủy phát triển rất bền vững hơn 10 năm qua. Tôi làm 4 ha lúa, đến cuối tháng 11/2014 là thu hoạch. Tổng lợi nhuận thu về từ cây lúa và nuôi thủy sản được hơn 300 triệu đồng/năm".
Còn ông Lê Văn Trí, Chủ tịch UBND xã Long Hòa cho biết: "Toàn xã Long Hòa có 1.700 ha đất SX nông nghiệp và nuôi thủy sản. Long Hòa nằm ngay cửa sông Cổ Chiên. Hằng năm, vùng đất này phải chịu ảnh hưởng khoảng 8 tháng mặn bao vây. Tuy nhiên, từ khi phát triển được mô hình trồng lúa, nuôi thủy sản nước lợ thì đời sống nông dân đỡ hơn".
Thông thường, cuối tháng 11/2014 là bà con nơi đây bước vào thu hoạch lúa, năng suất năm nay ước đạt 5,2 - 5,3 tấn/ha, cá biệt có hộ đạt trên 6 tấn/ha. Tính ra trồng lúa trên đất nuôi tôm quảng canh cải tiến thu lãi bình quân từ 30 triệu đồng/ha, cao hơn lúa chuyên canh khoảng 10 triệu đồng/ha.
Đặc biệt, cây lúa trồng trên đất nuôi giúp cải tạo môi trường để nuôi thủy sản rất tốt, hạn chế tối đa dịch bệnh. Lợi nhuận từ trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản đạt từ 60 - 70 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có hộ đạt trên 100 triệu đồng/ha. Đây là mô hình mang lại lợi nhuận kép cho nông dân.
Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/loi-nhuan-kep-post135187.html
Related news
Tại tỉnh Khánh Hòa, tình trạng nắng nóng liên tục kéo dài đã gây ảnh hưởng lớn cho ngành nông nghiệp. Bên cạnh những thiệt hại về cây trồng do thiếu nước tưới, nắng nóng còn khiến cho một số diện tích tôm nuôi vụ 2 trên địa bàn tỉnh bị thất thu. Chỉ tính riêng trong tháng 6, toàn tỉnh có gần 80 ha tôm nuôi bị thiệt hại hoàn toàn.

Theo Chi cục Thủy sản Hà Nội, thực hiện chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS), hằng năm thành phố bố trí 15 - 20 tỷ đồng cho phát triển vùng thủy sản tập trung, bảo đảm môi trường không dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Đến nay, toàn thành phố có 70 - 80 vùng nuôi có quy mô từ 30 đến 200ha, hơn 1.000 trang trại nuôi thủy sản kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, 19 cơ sở sản xuất giống, đáp ứng khoảng 80% nhu cầu về giống cho người nuôi.

Hiện nay, giá cá điêu hồng nuôi bè ven sông Tiền thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang được các thương lái thu mua với giá từ 35.500 - 36.500 đồng/kg, tăng 1.500 đồng/kg so với hơn nửa tháng trước. Với giá này, nông dân nuôi cá điêu hồng trên bè lãi từ 17 - 23 triệu đồng/bè sau 6 tháng nuôi. Đây là mức lãi khá cao giúp người nuôi cá điêu hồng làng bè yên tâm đầu tư tái sản xuất cho vụ cá điêu hồng nuôi bè sắp tới.
UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phân bổ vốn đầu tư, xây dựng dự án Nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi cá tra tập trung huyện Cao Lãnh, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp.

Chiều 7-7, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Huy Điền khẳng định, không có chuyện Việt Nam ồ ạt nhập tôm nguyên liệu, “sản xuất thì ít mà xuất khẩu nhiều” như tin đồn vừa qua.