Loay Hoay Tìm Đầu Ra Cho Nhím

Phong trào nuôi nhím cách đây vài năm, nhiều gia đình tại Bắc Ninh đã bỏ ra khoản đầu tư lớn để nuôi loài động vật hoang dã này. Để rồi có những hộ chưa kịp “giàu” vì nhím đã lao đao khi giá bán nhím rớt thê thảm, hàng loạt hộ đành ngậm ngùi bán tháo để chuyển sang ngành nghề khác.
Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm Bắc Ninh, tính đến nay, toàn tỉnh có 121 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã được cấp phép, trong đó, có tới 113 cơ sở nuôi giữ nhím. Các đăng ký gây nuôi tập trung chủ yếu vào thời điểm năm 2009 và 2010, khi việc nuôi nhím lấy thịt dần phổ biến. Tuy nhiên, cùng với sự ảm đạm của thị trường, trong suốt năm 2012, chỉ có thêm 3 cơ sở xin cấp phép nuôi con nhím.
Đến thăm hộ gia đình ông Nguyễn Ngọc Tuấn ở làng Lễ Xuyên, phường Đồng Nguyên (thị xã Từ sơn) một trong số những người nuôi nhím đầu tiên của địa phương, thấy trong các chuồng vẫn còn nhiều cặp nhím. Ông cho biết: “Gia đình tôi đang nuôi 60 con nhím, trong số đó có cả những con được các hộ gây nuôi khác gửi gắm nhờ bán hộ. Tuy nhiên, với tình hình thị trường hiện nay mà bán tháo hết thì nông dân chịu thiệt rất lớn”.
Theo ông Tuấn, nhím là con đặc sản, chăn nuôi không vất vả, ít mắc dịch bệnh. Chi phí thức ăn cũng khá thấp, chủ yếu là thức ăn tận dụng từ rau củ. Bởi vậy, những người đầu tiên nuôi nhím ở Bắc Ninh đã thu được lợi nhuận lớn từ việc bán nhím giống và nhím thịt. Ở thời điểm cách đây 3 đến 4 năm, nếu khách hàng muốn ăn thịt nhím đặc sản phải chấp nhận mua với giá tương đương, khoảng 500 - 800 nghìn đồng/kg. Tính trung bình, khi nhím đạt trọng lượng 10 kg/con có thể bán được giá 35 triệu/cặp. Bởi thế, đỉnh điểm có năm gia đình ông Tuấn đã thu được 300 triệu từ việc bán nhím giống và nhím thịt.
Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, giá nhím xuống dốc thê thảm, chỉ còn 150.000 - 170.000 đồng/kg. Tính ra một cặp nhím giống nặng 2 kg/con ở thời điểm hiện tại chỉ bán được từ 1,5 - 1,6 triệu/cặp. Ông Phí Đức Vui, phòng Pháp chế, Chi cục Kiểm lâm Bắc Ninh cho biết, nguyên nhân chính của thực trạng trên là do nông dân đầu tư ồ ạt, không có định hướng đầu ra. Sau khi thấy một số hộ nuôi nhím có hiệu quả, lợi nhuận cao và công nuôi nhàn hạ, hàng loạt các hộ khác đã đầu tư vào mô hình này. Với mỗi cặp nhím lấy giống mua từ Ba Vì, trọng lượng 2 kg/con, giá bán khoảng gần 16 triệu đồng, nhiều hộ gia đình đã phải vay mượn ngân hàng, người quen để có hàng trăm triệu mua về đàn nhím giống hàng chục con.
Cùng với nền kinh tế suy thoái, nhu cầu thường thức con đặc sản giảm xuống, dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu. Riêng với hộ gia đình ông Tuấn, nhờ có mối quen biết từ trước với các nhà hàng ở Bắc Ninh, Từ Sơn, Lim, Hà Nội… và một phần xuất bán đi Trung Quốc, mỗi tháng ông mới tiêu thụ được khoảng 20 - 40 con. Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ theo trào lưu khác vì không có đầu ra và điều kiện kinh tế để duy trì đã phải bán hết đàn nhím, chuyển sang sản xuất ngành nghề khác.
Học tập và đầu tư chăn nuôi theo các mô hình là một biện pháp quan trọng để giúp nông dân phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc định hướng về thị trường phù hợp cũng như tập huấn về ngành nghề, kỹ thuật cho các hộ nông dân trong toàn tỉnh cũng là một công tác cần được thực hiện thường xuyên, sát sao để nông dân có thể vươn lên làm giàu bền vững, ổn định cuộc sống.
Related news

Thời gian qua, giá heo hơi tại nhiều địa phương ở TP Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tuột xuống dưới mức giá thành sản xuất, khiến nhiều hộ chăn nuôi heo bị lỗ vốn nặng. Người nuôi điêu đứng, trong khi giá thức ăn chăn nuôi và nhiều loại chi phí đầu vào phục vụ cho chăn nuôi heo tăng lũy tiến hoặc đứng ở mức cao. Bất cập kéo dài làm không ít hộ nuôi nhỏ phải bỏ chuồng, thu hẹp qui mô vì khó kiếm lời trong tình cảnh giá bán giảm, giá thành sản xuất tăng.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy An (Phú Yên), đến thời điểm này, người dân trong huyện đã kết thúc 2 vụ nuôi tôm của năm 2013; sản lượng đạt 1.609 tấn, giảm hơn 200 tấn so với năm ngoái.

Cùng với con trâu, con bò và gắn với đồng ruộng, những năm gần đây xã Hòa Mục (Chợ Mới - Bắc Kạn) đã có sự đổi thay rõ rệt trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát huy thế mạnh đồi rừng, cuộc sống của bà con đã có sự chuyển biến rõ rệt.

Hàng chục hộ dân của hai thôn Bàu Giêng và Thắng Hải, xã Thắng Hải (Hàm Tân - Bình Thuận) đang gửi đơn kêu cứu, vì không thể chịu đựng được tình trạng ô nhiễm môi trường do nuôi tôm công nghiệp. Với mức độ xả nước thải dày đặc từ những hồ nuôi tôm thẻ chân trắng có diện tích rộng từ 2.000 - 3.000 m2 nơi đây, nếu không có giải pháp xử lý, khả năng sẽ ngày càng ô nhiễm nặng đến nguồn nước sinh hoạt.

Những ngày qua, ngư dân tại các vùng biển đồng loạt bước vào vụ sản xuất chính trong năm. Ngành chức năng Quảng Nam cũng đã đề ra nhiều giải pháp để đồng hành với các chuyến xa khơi của ngư dân.