Nấm Linh Chi Made In Huế
Nấm linh chi lâu nay được người dân ví như một trong những loại thảo dược quý nên đang là sản phẩm “hot” trên thị trường. Nắm bắt được nhu cầu đó, Công ty CP Chế biến lâm sản Hương Giang đã tận dụng mùn cưa để sản xuất sản phẩm mang thương hiệu nấm linh chi “Made in Huế”.
Là DN chuyên sản xuất và chế biến các sản phẩm từ gỗ phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, lâu nay DN luôn trăn trở và tìm hướng giải quyết lượng mùn cưa phế thải nhằm đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Bởi, trung bình mỗi năm DN thải ra hàng trăm tấn mùn cưa ra môi trường, nếu không sử dụng các biện pháp tiêu hủy thì lượng mùn cưa đó rất nguy hại đến môi trường.
Năm 2011, Công ty CP Chế biến lâm sản Hương Giang đầu tư trên 2 tỷ đồng xây dựng xưởng sản xuất nấm linh chi và nấm sò tại phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và hướng đến xuất khẩu. Đặc biệt, mùn cưa lại là nguyên liệu chính để sản xuất nấm linh chi nên đây chính là giải pháp vừa giúp DN giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo ra sản phẩm mới tăng thu nhập.
Quy trình sản xuất nấm linh chi được thực hiện từ tháng 7 đến tháng 4 năm sau. Tính đến nay, DN sản xuất khoảng 100 ngàn bịch nấm linh chi, mỗi mùa thu hoạch từ 5-6 tấn nấm, doanh thu đạt khoảng 2 tỷ đồng. Mặt khác, sau khi nấm linh chi thu hoạch, đơn vị tận dụng lượng mùn cưa cũ này để sản xuất nấm sò phục vụ các siêu thị và hệ thống chợ trên địa bàn TP Huế. Theo đó, mỗi năm DN sản xuất 60.000 bịch nấm sò, doanh thu đạt khoảng 700 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 40 lao động. Quy trình sản xuất các loại nấm này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho DN mà còn giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường từ các nhà máy chế biến gỗ.
Ông Trương Thanh Dũng, Trưởng phòng Tổ chức Công ty CP Chế biến lâm sản Hương Giang cho biết: “Mặc dù sản phẩm sản xuất chưa lâu song nhu cầu tiêu thụ khá lớn, sản phẩm làm ra không đủ để cung ứng cho các tỉnh, TP trong cả nước. Năm 2014, công ty sẽ mở rộng xưởng sản xuất, đầu tư hệ thống máy móc thiết bị tiên tiến để sản xuất thêm số lượng, nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, đặc biệt là cung ứng cho người dân Huế”.
Nấm linh chi đang là loại thực phẩm được nhiều người ưa chuộng nên nhiều DN, cơ sở đang chuyển hướng sản xuất. Hiện, trên địa bàn có một vài cơ sở chuyên sản xuất nấm linh chi ở huyện Phú Vang, Nam Đông và TP Huế. Qua tìm hiểu, nấm được sản xuất theo quy trình công nghệ sạch nên trong quá trình sản xuất, môi trường xung quanh phải được vệ sinh sạch sẽ đảm bảo cho quá trình phát triển của nấm. Ngoài ra, việc sản xuất nấm linh chi và nấm sò đã tiêu thụ một lượng lớn mùn cưa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, một vấn đề đang đặt ra hiện nay và vẫn chưa có lời giải một cách dứt điểm.
Sản xuất sạch đang ngày càng được chú trọng thực hiện và nhân rộng để góp phần mang lại môi trường sống cho con người ngày càng thân thiện hơn. Việc sử dụng các phế phẩm phế thải để sản xuất những sản phẩm sạch cần được khuyến khích phát triển. Mô hình trồng nấm linh chi, nấm sò qua thực tiễn cho thấy không chỉ tăng hiệu quả kinh tế mà còn rất hữu dụng cho một môi trường sống tốt và an toàn.
Related news
“Phong trào xây dựng NTM như luồng gió mới, góp phần đổi thay diện mạo các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh, cải thiện cuộc sống và thúc đẩy KT - XH địa phương phát triển” - Đó là khẳng định của ông Lò Quang Chiêu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng điều phối Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) sau 3 năm triển khai thực hiện. Tuy nhiên, với đặc thù của Điện Biên, chương trình cần “điểm nhấn” và giải pháp đột phá để thành công.
Với kiểu khai thác tận diệt, nhiều loại thủy, hải sản ven bờ các tỉnh miền Trung đang đứng trước nguy cơ bị tiệt chủng. Sự nghèo nàn của nguồn lợi thủy sản ở khu vực này cũng đẩy hàng ngàn hộ dân rơi vào tình cảnh khốn khó. Hệ sinh thái ven bờ đang có nguy cơ bị đảo lộn hoàn toàn nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Ngoài nguyên nhân người đánh bắt dùng xuyệt, lưới rùng, đánh thuốc để bắt theo kiểu tận diệt thì tình trạng sử dụng thuốc hóa học bừa bãi trên đồng ruộng đã khiến cho môi trường sống của các loài thủy sinh bị ô nhiễm nặng nề. Nếu tình trạng này kéo dài, sẽ hủy hoại môi trường sống của các loài thủy sinh này.
Tuy là chủ doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực thương mại nhưng công việc thường xuyên của ông Mai Thăng Long là gặp gỡ nông dân, làm việc ngay tại các ruộng lúa. Hiện Công ty TNHH xây dựng thương mại Thái Ninh Địa Long (TP.Biên Hòa) của ông Long đang đầu tư cho nông dân xây dựng những cánh đồng lúa chất lượng cao và bao tiêu sản phẩm lúa sạch cho bà con với giá cao hơn thị trường.
Cùng với việc coi trọng công tác tuyên truyền bảo vệ, bổ sung nguồn lợi thủy sản, các địa phương và cơ sở sản xuất đã tăng cường các biện pháp cải tạo ao nuôi, sửa chữa lồng, bè, thuyền và thực hiện các biện pháp phòng - chống dịch bệnh nên tình hình dịch bệnh thủy sản ổn định. Hiện tại, toàn tỉnh có 1.450 thuyền các loại hoạt động trong lĩnh vực thủy sản và có 4.700 lao động làm nghề thủy sản.