Nhiều đề xuất về chính sách cung- cầu nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững ngành sản xuất lúa gạo ở Việt Nam đã được đưa ra tại Hội thảo “An ninh lương thực tại Việt Nam: Thực trạng, chính sách và triển vọng”.
Hội thảo “An ninh lương thực tại Việt Nam: Thực trạng, chính sách và triển vọng” do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức tại Hà Nội ngày 28.6.
Nông dân nặng gánh vì… thành công
TS Steven Jaffee - Điều phối viên Chương trình hợp phần Phát triển nông thôn, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng: “Việt Nam đã thành công trong phát triển ngành lúa gạo. Tuy nhiên, từ những thành quả đạt được đến phát triển bền vững cần phải linh hoạt trong các chính sách vĩ mô và vi mô”.
Lý do, theo TS Steven Jaffee là, mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam đã hoàn thành thậm chí vượt kế hoạch, vì thế VN đang là quốc gia có thặng dư sản xuất lúa gạo. Nguồn cung lương thực được đảm bảo và mang tính lâu dài đã mở đường cho công tác quy hoạch, sử dụng đất linh hoạt hơn và mô hình sử dụng đất cũng đa dạng hơn.
“Tuy nhiên, trên thực tế người sản xuất lúa gạo- đối tượng tạo ra lợi ích nhiều năm nhưng thực sự đang chịu gánh nặng (tài chính) của thành công liên tục”- TS Steven Jaffee nói. Trong thông điệp chính để có thể tạo ra sự phát triển hài hòa TS Steven Jaffee cho rằng, ở nhiều địa phương và đối với nhiều nông hộ bị tổn thương, nhiều gạo hơn không phải là giải pháp tối ưu.
Theo những phân tích và đánh giá của WB, sự khác biệt về điều kiện sinh thái nông nghiệp, cơ cấu đất trồng và xu hướng sản xuất đòi hỏi những chiến lược khác nhau giữa vùng trồng lúa “nòng cốt” và thứ cấp; giữa người trồng lúa chuyên canh và bổ sung.
“Thực tế, những kết quả nghiên cứu của WB chỉ ra rằng, chuỗi giá trị lúa gạo đã hoàn thành nhiệm vụ đáp ứng “nhu cầu cơ bản” của người sản xuất và tiêu dùng. Song việc hiện đại hóa chuỗi- cả về vật chất và tinh thần- là hết sức cần thiết để đáp ứng khát vọng tương lai của người nông dân và sự ưa thích của người tiêu dùng”- TS Steven Jaffee nhấn mạnh.
3 triệu ha đất lúa vẫn có thể đảm bảo an ninh lương thực
TS Đặng Kim Sơn- Viện trưởng IPSARD cho hay: “Để có thể đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành lúa gạo, chúng ta cần có sự điều chỉnh một cách hợp lý, khoa học và linh hoạt các chính sách cung- cầu. Bởi việc quy hoạch và bảo vệ nghiêm ngặt quỹ đất lúa, mục tiêu đến năm 2020 là 3,8 triệu ha (trong đó lúa nước 2 vụ trở lên là 3,2 triệu ha) là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo an ninh lương thực”.
Theo TS Sơn, các tính toán cho thấy, ngay cả khi diện tích lúa là 3 triệu ha vẫn có thể đảm bảo an ninh trong nước. Tuy nhiên, cần xây dựng chiến lược xuất khẩu để đảm bảo hiệu quả tổng hợp cho sản xuất lúa gạo. Hơn nữa, để cải thiện thu nhập cho nông dân, diện tích quy hoạch là đất lúa vẫn có thể chuyển đổi sang cây trồng hàng năm khác.
Bên cạnh đó TS Sơn cho rằng, đối với vùng chuyên canh lúa, Nhà nước tập trung xây dựng cánh đồng mẫu lớn; có hỗ trợ đồng bộ các chính sách tín dụng, khuyến nông, xúc tiến thương mại. Đồng thời nghiên cứu chính sách phát huy hiệu quả tổng hợp của lúa gạo, tăng hợp tác đầu tư dài hạn sản xuất lúa gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc tế trên địa bàn Việt Nam hoặc tại nước ngoài.
“Cần cấp sổ, thẻ đối với người nghèo trồng lúa, nhất là các đối tượng dễ bị tổn thương (già, yếu). Xây dựng kênh phân phối riêng cho đối tượng này. Chuyển từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ sinh kế; mở rộng diện áp dụng cho các chương trình lương thực tạo việc làm sàn cả xây dựng cơ bản và các dịch vụ công khác”.
TS Đặng Kim Sơn
Đặc biệt, theo TS Sơn trong các chính sách kích cầu cần đẩy mạnh cổ phần hóa và sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh lương thực, cải tiến hoạt động của Hiệp hội với sự tham gia của nông dân, doanh nghiệp nhỏ ở tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến, kinh doanh chứ không nhất thiết chỉ có xuất khẩu.
Đối với vấn đề giá lúa gạo giảm hiện nay, theo TS Phạm Quang Diệu- Kinh tế trưởng, Công ty Phân tích thị trường Agroinfo, có thể là do nguyên nhân phải cạnh tranh với Ấn Độ, trong khi khách hàng chưa ký hợp đồng nhiều vào thời điểm hiện tại nên lượng xuất khẩu gạo cũng giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
“Thị trường có thể thay đổi theo các chính sách điều hành trong thời gian tới. Ví dụ, với việc đề xuất tiếp tục tạm trữ 1 triệu tấn gạo, có thể sẽ làm cho giá lúa tăng nhưng cũng có thể chưa đủ can thiệp sẽ… làm khổ doanh nghiệp và người dân. Vấn đề là dựa vào tính toán nào đưa ra con số 1 triệu tấn mà không phải 800 hay 1,5 triệu tấn” - TS Diệu nói.
Theo dự báo, thời gian tới thị trường lúa gạo còn tiếp tục ảm đạm do Thái Lai sẽ tung ra thị trường một lượng lớn bởi hầu hết các kho chứa của nước này đã đầy. Vì thế, TS Diệu đề xuất 2 phương án: Một là, cạnh tranh sòng phẳng với Ấn Độ, có thể chấp nhận giá thấp nhưng bán được lượng lớn nhưng như thế người nông dân sẽ bị thiệt. Phương án khác có thể lựa chọn là sự can thiệp đủ mạnh và quyết liệt của Nhà nước để đẩy giá gạo lên.