Lễ Hội Ngày Mùa Trên Cánh Đồng Mẫu Lớn

Lần đầu tiên Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang phối hợp với UBND huyện Vị Thủy tổ chức “Lễ hội ngày mùa” trên cánh đồng mẫu lớn (CĐML), nhằm khuyến khích và tôn vinh nghề trồng lúa, đồng thời tạo sân chơi để bà con giao lưu, học hỏi.
Từ tờ mờ sáng ngày 6.3, gần 1.000 nông dân đã tập trung tại ấp 5, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy – nơi nằm trong khu vực CĐML điểm của tỉnh để tham dự khai mạc “Lễ hội ngày mùa”. Lão nông Trần Văn Thẳng phấn khởi cho biết: “Đây không chỉ là dịp để nhà nông “xả stress” sau một vụ mùa làm lụng vất vả mà còn là sân chơi bổ ích, giúp chúng tôi có dịp chia sẻ kinh nghiệm đồng áng, thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm”.
Điểm nhấn của lễ hội này chính là cuộc thi gặt lúa bằng lưỡi hái theo kiểu truyền thống. Mỗi đội tham gia gồm 5 người, gặt trên diện tích 9m2. Trong khoảng thời gian 25 phút, các đội phải hoàn thành các công đoạn từ gặt, tuốt lúa, thu hoạch và đều phải làm thủ công. Mặc kệ cái nắng như lửa đốt, giữa cánh đồng lúa chín rực, hàng trăm nông dân vẫn hăng hái hò hét, cổ vũ các đội, khiến không khí lễ hội vô cùng vui tươi, náo nhiệt.
Lão nông Ngô Văn Khá ở xã Vị Thanh chia sẻ: “Gần 40 năm trong nghề trồng lúa, lần đầu tiên tôi được tham dự một lễ hội ngày mùa vui như vậy. Tôi đã từng cầm phản, cù nèo, vòng gặt, cũng đã nếm đủ ngọt – đắng của nghề trồng lúa, nhất là thấu hiểu cái cảnh “được mùa, mất giá”. Giờ thấy bờ bao thủy lợi, trạm bơm điện, máy gặt đập liên hợp xuất hiện ngày càng nhiều trên đồng ruộng, tôi cũng thấy thật phấn chấn”.
Ông Khá cho hay: Từ khi tham gia sản xuất vào CĐML, nông dân chúng tôi được hưởng lợi rất nhiều, năng suất lúa không ngừng tăng, lợi nhuận cao hơn từ 300 – 400 đồng/kg so với sản xuất đại trà. Khoái nhất là được “3 cùng” với các cán bộ kỹ thuật nông nghiệp: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm.
Ông Nguyễn Văn Đồng – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cho biết thêm: “Lễ hội ngày mùa không chỉ tạo không khí vui tươi, phấn khởi khi bà con bước vào thu hoạch, mà còn kịp thời biểu dương một số nông dân có thành tích trong xây dựng CĐML. Đây cũng là dịp lắng nghe nguyện vọng, tâm tư của bà con, từ đó góp phần đẩy mạnh lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ngày càng hoàn thiện, hiệu quả”.
Related news

Thời gian gần đây, ở các xã Đắk Sin, Hưng Bình, Đạo Nghĩa và thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp - Đăk Nông), việc thu mua chanh dây như đang lên cơn “sốt”. Chị Đỗ Thị Thu ở xã Đắk Sin cho biết: “Gia đình tôi hiện còn 2 sào chanh dây, thu hoạch tới đâu, tư thương vào mua hết tới đó, kể cả những quả chất lượng xấu. Gia đình tôi đang tính đầu tư trồng chanh dây tiếp trên 3 sào đất trống còn lại”.

Thời gian gần đây ở Bình Dương giá cao su xuống thấp, có thời điểm xuống dưới 450 đồng/độ đã làm cho nhiều chủ vườn bắt đầu thấy bất an. Nhiều chủ vườn đang tìm các phương án tốt nhất để bảo đảm duy trì nguồn thu nhập, trong đó có việc giao khoán vườn cây.

Vụ tôm nuôi đợt 1 năm 2013, nông dân tại vùng chuyển dịch sản xuất huyện U Minh (Cà Mau) đã thả giống trên diện tích gần 12.000 ha.

Theo ông Hồ Ngọc Mẫn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, vụ hè thu 2013 này, toàn huyện có khoảng 218ha lúa bị chuột gây hại với tỷ lệ gây hại từ 30-40%, cá biệt một số cánh đồng tại Đại Hưng, Đại Thạnh, Đại Hòa, Đại Nghĩa, Đại Hiệp bị chuột gây hại nghiêm trọng với tổng diện tích khoảng 56ha.

Đầu năm 2010, qua tìm hiểu anh Lê Đức Anh – thị trấn Tân Minh (Hàm Tân - Bình Thuận) biết giống ếch Thái Lan dễ nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao.