Làng Nuôi Lợn
Trong khi nhiều thôn, xã vẫn đang loay hoay việc lựa chọn trồng cây gì, nuôi con gì để đem lại giá trị kinh tế cao nhất thì ở thôn Tân Bình 2, xã Bình Xa (Hàm Yên - Tuyên Quang), lâu nay con lợn đã được định hình là con làm giàu của người dân trong thôn. Chuyện nuôi lợn tưởng như ở đâu cũng thế, nhưng có nghe người chăn nuôi kể chuyện mới thấy cũng lắm công phu.
Những người... nghiện nuôi lợn
Nhìn căn nhà khang trang, trị giá cả trăm triệu đồng của gia đình ông Trần Bá Ngọc, thôn Tân Bình 2, xã Bình Xa đang được xây dựng, nhiều người không giấu nổi sự khâm phục. Không chỉ sở hữu duy nhất một ngôi nhà ấy, nhà ông Ngọc giờ được coi là một đại gia bất động sản nhờ sở hữu tới 3 ngôi nhà, tất cả khối tài sản đó có được là nhờ chăn nuôi lợn - con vật nuôi “đặc sản” của thôn Tân Bình 2.
Qua lời giới thiệu của anh Lê Ngọc Duyên, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Xa, thì thôn Tân Bình 2 là một trong những thôn mà “người người chăn nuôi, nhà nhà chăn nuôi” theo tinh thần không thua bạn kém bè, được đưa vào hương ước của thôn để các hộ cùng đua nhau, học nhau cách thức làm giàu.
Qua đó, hộ đi trước giúp hộ đi sau, người chăn nuôi lớn hướng dẫn người chăn nuôi nhỏ cả về cách thức chăn nuôi lẫn con giống, thức ăn.
Anh Trần Xuân Hạnh, Trưởng thôn Tân Bình 2, là một trong những người chăn nuôi lợn có tiếng của thôn cho biết, từ chăn nuôi lợn, anh xây được ngôi nhà lớn, đầu tư mở thêm tiệm cơm để vợ có việc chạy ra chạy vào. Anh Hạnh đã từng trải qua nhiều nghề, nhưng là gốc nông dân nên anh không thể rời được đàn lợn.
Nuôi lợn cũng có lúc khiến anh lỗ hàng chục triệu đồng nhưng với sự kiên nhẫn và cần cù, anh đã vượt qua nhiều gian nan trở thành một trong những hộ dân chăn nuôi lợn giỏi nhất vùng. Anh Hạnh bảo, anh có kinh nghiệm chăn nuôi lợn gần 20 năm nay, mọi thói quen của đàn lợn, từ thức ăn, bệnh theo mùa đều được anh ghi nhớ, lâu dần trở thành “tuyệt kỹ”.
Chuồng trại nhà anh Hạnh được đầu tư vài chục triệu đồng xây thành hai dãy chuồng lớn, sạch sẽ, những ngày nhiệt độ xuống thấp, anh quây bạt che chắn gió, lại đốt lửa ngay gần chuồng ủ ấm để đàn lợn tránh các bệnh theo mùa như đi ngoài, cước móng chân.
Ngay gần nhà anh Hạnh là hộ anh Nguyễn Tư Trung, có quy mô nuôi lợn trên 100 con. Anh Trung bảo, thôn gần với xã Yên Nguyên của Chiêm Hóa, một xã cũng có truyền thống về chăn nuôi lợn. Hai xã liền kề, nên việc “đua” xem bên nào chăn nuôi giỏi hơn giống như một quy ước ngầm giữa hai bên.
Với những người chăn nuôi quy mô lớn như hộ anh Trung, anh Hạnh, ông Ngọc... trong chuồng mà có dưới 60 con lợn cảm thấy rất khó chịu, ấm ức và... như lên cơn nghiện. Trong chuồng các hộ này luôn duy trì đàn trên 80 con lợn thịt.
Hạch toán rõ ràng
Người chăn nuôi lợn ở Tân Bình 2 thuộc lòng bài toán: Thức ăn đậm đặc + ngô + con giống + thuốc vệ sinh thú y = 2,8 triệu đồng/con. Nếu chăn nuôi vượt qua con số này, tức là có lãi. Có hạch toán, có kế hoạch nên nhà nào cũng cố gắng tính toán sao cho số tiền thu được trên một con lợn vượt được qua con số này.
Anh Trần Xuân Hạnh, Trưởng thôn Tân Bình 2 bảo, đầu tiên là tính toán tiền thức ăn đậm đặc sao cho thấp nhất, tận dụng hết nguồn thức ăn mà gia đình có thể tự túc được để giảm chi phí. Sau đó là chuyện phòng trừ dịch bệnh cho đàn lợn.
Thuốc khử trùng, các loại vắc xin phòng các bệnh lép tô, lở mồm long móng... luôn được các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm túc, cẩn thận. Trong gia trại anh Hạnh, hơn 80 con lợn đang tuổi ăn tuổi lớn, nằm dài trong chuồng. Từ trước Tết Nguyên đán, anh đã xuất khoảng 14 tấn lợn hơi, thu lãi trên 200 triệu đồng. Lợn trong thôn được các lái buôn mua trước khi xuất đi các nơi (chủ yếu là Hà Nội).
Chị Lê Thị Bảy, một trong những hộ chăn nuôi lớn của thôn so sánh: “Nếu đàn trâu, bò là tài sản của người nông dân thì đàn lợn là tài sản của người chăn nuôi nên chẳng ai dại gì phó mặc sức khỏe của đàn cho thời tiết đâu. Cứ chủ động phòng bệnh trước để không ân hận”. Nhờ bài toán này mà cả chục năm nay, đàn lợn của thôn Tân Bình 2 không mắc dịch bệnh, người chăn nuôi cũng nhờ thế mà yên tâm với khối tài sản không cố định vài trăm triệu đồng trong nhà.
Anh Lê Ngọc Duyên - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Xa cho biết, Tân Bình 2 là nơi tập trung nhiều hộ chăn nuôi lớn nhất xã, trong đó có nhiều nhà phất lên từ nuôi lợn như anh Hạnh, anh Trung, anh Vinh, anh Nghĩa, ông Ngọc. Cả thôn có khoảng 80 hộ nuôi lợn, trong đó có 18 hộ chăn nuôi với quy mô lớn, từ 40 con lợn trở lên. Tính trong năm 2013, riêng số lợn của 18 hộ này xuất ra thị trường với hơn 250 tấn lợn hơi, cả thôn cũng đạt trên 300 tấn.
Ngoài chăn nuôi lợn và trồng mía bán cho Nhà máy đường Bình Xa, người dân Tân Bình 2 không có nghề khác, nhưng số hộ nghèo toàn thôn chỉ còn 10 hộ - là những hộ có hoàn cảnh đặc biệt (neo đơn, bệnh tật, già cả...) còn lại đều có thu nhập ổn định, tỷ lệ hộ khá giàu chiếm trên 45% tổng số hộ của cả thôn.
Từ khi có thu nhập ổn định từ chăn nuôi, vấn đề bảo vệ môi trường được người dân Tân Bình 2 quan tâm hơn. Không chờ sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước, cả 18 hộ chăn nuôi quy mô lớn của Tân Bình 2 đều tự đầu tư hầm biogas để chứa chất thải từ chăn nuôi.
Để người chăn nuôi lợn ở Tân Bình 2 yên tâm hơn với hướng làm giàu của mình, đầu năm 2013, xã Bình Xa triển khai dự án nuôi lợn thịt hướng nạc, trong đó 25 hộ có quy mô chăn nuôi lớn của thôn được xã hỗ trợ 385 con lợn. Ngoài được hỗ trợ trực tiếp tiền mua con giống, còn được hỗ trợ 24 tháng tiền thức ăn không lãi suất.
Anh Trần Xuân Hạnh cho biết, việc hỗ trợ trực tiếp vào các mô hình chăn nuôi cho người dân là cách làm hiệu quả, thiết thực nhất, trong đó người dân được tự bàn, tự tìm giống tìm giá, tự mua và tự bán... Nó không chỉ kích thích người dân tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi, tìm ra cách chăn nuôi hiệu quả nhất mà đó là cách thể hiện sự quan tâm của nhà nước, của chính quyền đến nguồn thu nhập chính của người nông dân.
Không “đao to búa lớn”, nhưng Tân Bình 2 đang từng bước chuyển mình, đưa chăn nuôi lợn từng bước tiếp cận với sản xuất hàng hóa. Nói như cách nói của người dân nơi đây, thì xây dựng nông thôn mới, đơn giản nhất là làm sao để người nông dân không rời làng, tự tin làm giàu trên chính mảnh đất quê mình.
Related news
Đến nay, các đơn vị đã xây dựng được 22 nguồn giống cây lâm nghiệp, trong đó: 7 lâm phần tuyển chọn sến mật, vẹt, trang, đước, thông Cariber... với diện tích 463,7 ha; 9 rừng giống chuyển hóa thông nhựa, lát hoa, lim xanh, mỡ, trám trắng, keo tai tượng, diện tích 87,27 ha; 1 rừng giống keo tai tượng, diện tích 10 ha; 2 vườn cung cấp hom phi lao dòng TT2.6, TT2.7, diện tích 0,9 ha... Hàng năm, thu hái hơn 4.000 kg hạt giống đưa vào sản xuất gieo ươm.
Theo anh Trần Văn Phi, có được thành công này là nhờ cách nghĩ, cách làm và kinh nghiệm đúc rút được sau nhiều năm anh làm thuê cho các công ty nước ngoài ở Lâm Đồng. Anh Phi kể năm 1993, anh xin làm công nhân cho một công ty Đài Loan chuyên trồng, sản xuất chè chất lượng cao.
Từ đầu năm đến nay nhiều tổ chức cá nhân tại Hà Tĩnh đã mạnh dạn, đầu tư chuyển đổi từ nuôi tôm quảng canh, cải tiến sang nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao trên cát và trong ao đất lót bạt, vỗ bờ nhằm phát huy hiệu quả sử dụng diện tích mặt nước và tăng năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay, nhà vườn trồng bưởi để bán trái vào dịp Tết Nguyên đán ở huyện Châu Thành (Hậu Giang) đang thất vọng vì mất mùa. Sau một năm đầu tư chăm sóc, người trồng bưởi kỳ vọng cho thu nhập cao, có điều kiện chăm chút cho ngày Tết đủ đầy hơn nhưng giờ chỉ mong không bị thua lỗ...
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre đã đề nghị Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nghiên cứu, đánh giá mức độ thành công mô hình nuôi tôm xen với tôm càng xanh của ông Võ Thành Công, nông dân xã Phú Long, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre để nhân rộng.