Vụ Đông Xuân Lúa Trúng Đậm Nhưng Xuất Khẩu Chậm

Năng suất lúa vụ đông xuân 2013-2014 ở ĐBSCL cao hơn từ khoảng 1 tấn/héc ta so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức kỷ lục trong vòng 10 năm qua; trong khi đó, tình hình xuất khẩu gạo đang gặp nhiều khó khăn do bị cạnh tranh quyết liệt từ Ấn Độ và Thái Lan.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến nay toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thu hoạch được hơn 400.000 héc ta lúa đông-xuân trong tổng số gần 1,6 triệu héc ta được gieo sạ, năng suất bình quân đạt khoảng 6,3- 6,4 tấn/héc ta (lúa khô).
Còn theo thông tin được bà con nông dân ở một số địa phương vùng ĐBSCL trực tiếp trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, năng suất vụ đông xuân năm nay cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái và đây cũng là vụ lúa có năng suất cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Ông Trần Văn Hạnh, nông dân xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, Long An - người vừa thu hoạch 1,5 héc ta lúa đông xuân (giống IR 50404) hôm 25-2-2014, cho biết năng suất vụ đông xuân năm nay cao hơn đến khoảng 1 tấn/héc ta so với cùng kỳ. “Vụ lúa năm nay ai làm tệ lắm cũng đạt năng suất 9 tấn/héc ta (lúa tươi). Trường hợp của tôi, năng suất đã vượt 10 tấn/héc ta, tính ra 1,5 héc ta tôi thu được gần 800 giạ lúa (lúa tươi, 1 giạ = 20 kg)”, ông Hạnh cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đượm, xã Phú Cường, huyện Cai Lậy, Tiền Giang vụ đông xuân này, gia đình ông thu hoạch được khoảng 1.000 giạ lúa (lúa tươi) từ 2 héc ta sạ giống IR 50404. Với giá bán 4.600 đồng/kg (tại ruộng), ông thu được hơn 95 triệu đồng (chưa trừ chi phí đầu tư).
Trong khi đó, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), bước sang tháng 2-2014, xuất khẩu gạo của nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn, lượng gạo bán ra giảm mạnh so với tháng trước đó.
Cụ thể, nếu như trong tháng 1-2014, doanh nghiệp hội viên của VFA xuất bán được hơn 307.000 tấn gạo, thì trong hơn 20 ngày đầu tháng 2 chỉ xuất được 105.000 tấn, chỉ bằng khoảng 1/3 của tháng trước và cần phải xuất thêm 200.000 – 250.000 tấn nữa mới đạt được mục tiêu bán ra 300.000-350.000 tấn gạo của tháng 2-2014.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An (Cần Thơ), cho biết xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp khó do bị Thái Lan, Ấn Độ cạnh tranh giành thị trường.
Trong khi đó, ngoài số lượng hợp đồng đã ký với Philippines từ cuối năm ngoái (giao hàng từ đầu năm 2014), hầu như doanh nghiệp xuất khẩu trong nước không ký được thêm hợp đồng nào đáng kể, đặc biệt thiếu vắng các hợp đồng tập trung ở những thị trường truyền thống khác như Indonesia, Malaysia...
Thực tế, một nguồn tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam - VFA, cho biết Việt Nam vừa để mất một hợp đồng cung cấp 300.000 tấn gạo trắng cho Malaysia vào tay Thái Lan khi quốc gia này đưa ra mức giá chào bán thấp hơn của Việt Nam đến khoảng 10-15 đô la Mỹ/tấn.
Theo trang thông tin chuyên nghiên cứu, phân tích thị trường lúa gạo thế giới (www.oryza.com), hiện Thái Lan đã “tạm” giành lại vị trí dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo, sau một thời gian dài để lọt vào tay Ấn Độ. Theo đó, tính đến giữa tháng 2-2014, xuất khẩu gạo của Thái Lan “đạt 923.000 tấn, tăng trên 15% so với cùng kỳ, Ấn Độ đứng thứ 2 với 646.000 tấn, giảm trên 39% và Việt Nam đứng thứ 3, chỉ đạt 463.000 tấn, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Related news

Nắm bắt được thị trường rắn ri tượng có giá và nhu cầu nuôi rắn của người dân ngày càng cao, ông Trần Minh Đẳng ở ấp 15, xã Khánh Thuận (Cà Mau), quyết định đầu tư nuôi rắn sinh sản. Vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, đến nay mô hình nuôi rắn ri tượng của ông Đẳng mang lại hiệu quả cao, trở thành địa chỉ tham quan, cung ứng con giống tin cậy cho người nuôi.

Gần đây, một số nông dân trồng lúa ở xã Lương Quới (Giồng Trôm - Bến Tre) đã chuyển qua trồng cây màu ở vùng ruộng lõm để có lợi nhuận cao hơn. Anh Trần Ngọc Thành (ấp 3, xã Lương Quới), đã chuyển bốn công đất lúa sang trồng cây ớt chỉ thiên, ước năng suất thu hoạch trong ba vụ khoảng trên 10 tấn trái.

Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa công nhận giống Lúa Cẩm Cai Lậy do Phòng Nông nghiệp huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) lai tạo và 13 giống lúa do Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long lai tạo là "Giống cây trồng nông nghiệp mới" đồng thời chỉ đạo các sở nông nghiệp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức sản xuất thử nghiệm.

Bất kỳ chứng nhận nào, nếu không có khách hàng thì không có nhu cầu thị trường, đồng nghĩa với việc, nếu một sản phẩm được chứng nhận bằng một tiêu chuẩn mà không được chấp nhận ở thị trường đó thì không có giá trị và chẳng ai quan tâm. Vậy liệu VietGAP có tạo được chỗ đứng đối với người tiêu dùng và cộng đồng quốc tế?

Hiện nay, sản phẩm hồ tiêu bán được giá trên thị trường đang thu hút nông dân quay trở lại trồng mới và chăm sóc phục hồi vườn tiêu. Tuy nhiên, trong những năm qua tình hình dịch bệnh trên cây hồ tiêu diễn biến phức tạp gây thiệt hại nhiều cho người trồng tiêu. Việc xây dựng biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững cây hồ tiêu phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai của địa phương đang là vấn đề quan tâm của các cấp chính quyền trong vùng có khả năng trồng tiêu và ngành chuyên môn. Là loại cây trồng khó tính, đòi hỏi cao về kỹ thuật trồng, chăm sóc và chất đất nên phát triển các mô hình trồng tiêu sạch có ý nghĩa rất quan trọng trong điều kiện tình hình bệnh trên cây tiêu tràn lan.