Lan Toả Từ Phong Trào Nông Dân Sản Xuất Giỏi
Trong những năm qua, Hội Nông dân huyện Thới Bình phối hợp với ban, ngành, các cấp thực hiện phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với đăng ký thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong đó, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi luôn được đông đảo cán bộ, hội viên nông dân tích cực hưởng ứng.
Sau gần 5 năm triển khai, huyện Thới Bình có trên 15.000 hội viên nông dân đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tiêu biểu là các phong trào vận động giúp nhau trong sản xuất, xoá đói giảm nghèo, đã xây dựng quỹ hùn vốn được gần 4,3 tỷ đồng và hơn 2.000 giạ lúa giúp hội viên phát triển sản xuất.
Nông dân hưởng ứng tích cực cuộc vận động tham gia phát triển kinh tế, góp phần vào xây dựng nông thôn mới, từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm tốt như: mô hình đa cây, đa con trên cùng 1 diện tích; nuôi tôm quảng canh cải tiến; tôm - lúa kết hợp hay nuôi tôm - cá kết hợp trồng bồn bồn, lợi nhuận từ 200-800 triệu đồng/năm.
Tiêu biểu trong phong trào này phải kể đến mô hình nuôi cá sấu của anh Nguyễn Văn Út, ấp 5, xã Tân Phú. Với mô hình nuôi cá sấu, mỗi năm anh thu nhập trên 600 triệu đồng. Mô hình đa cây, đa con của ông Trương Văn Nhàn ở ấp Tràm Thẻ Đông, xã Tân Phú hằng năm đem về thu nhập cho gia đình gần 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông Nhàn còn là người luôn đi đầu trong các phong trào đóng góp để làm lộ giao thông nông thôn, hiến đất xây dựng trường học.
Ông Trương Văn Nhàn chia sẻ, trước đây, khi gia đình về vùng này đời sống rất khó khăn. Đất phèn không làm ruộng được, gia đình ông chỉ lên liếp trồng khóm, trồng mía, sau này chuyển đổi sang nuôi tôm. Được tuyên truyền Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ông thấy cần phải học hỏi đức tính hăng say lao động sản xuất, cần cù, tiết kiệm của Bác để phát triển kinh tế gia đình.
Ở ấp 1, xã Tân Lộc có mô hình nuôi ba ba giống, nuôi cá bống tượng của ông Huỳnh Văn Khách hay ở ấp Xóm Lá, xã Hồ Thị Kỷ có mô hình sản xuất đa cây, đa con của ông Phan Văn Minh đều cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm cũng nhờ vào việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Ông Phan Văn Minh chia sẻ: “Mình luôn học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh áp dụng vào sản xuất. Cụ thể như kết hợp sản xuất đa cây, đa con trên cùng diện tích, bên cạnh đó, tiết kiệm mọi chi tiêu trong gia đình mới có được như ngày hôm nay”.
Ông Phan Chí Công, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thới Bình, cho biết: “Trong những năm qua, đã có rất nhiều nông dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thực hành tiết kiệm mang lại thu nhập cao cho gia đình và trở thành những tấm gương điển hình tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh”.
Song song đó, các hội viên nông dân còn hưởng ứng tích cực chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với việc hiến hàng chục ngàn mét vuông đất để xây dựng trường, trụ sở sinh hoạt văn hoá và các công trình phúc lợi khác.
Tại hội nghị tuyên dương nông dân tiêu biểu xuất sắc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phát huy nội lực, xây dựng nông thôn mới”, từ năm 2010-2014, ông Lê Minh Khởi, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ Thới Bình biểu dương những kết quả đã đạt được của Hội Nông dân trong những năm qua và chỉ đạo: “Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Thới Bình phải tiếp tục phát động rộng rãi hơn nữa cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi để từng bước thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thới Bình, cùng nhau góp phần xây dựng nông thôn mới”.
Related news
Trong năm qua, sản lượng chôm chôm của xã Phú Phụng (Bến Tre) xuất khẩu sang thị trường nước ngoài đạt hơn 15.000 tấn và giá cả cũng ổn định hơn…
Hiện tượng sâu đục trái bưởi đã làm đau đầu nhiều hộ nông dân trồng bưởi da xanh. Sâu tấn công gây hại làm cho trái rụng hàng loạt ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng bưởi.
“Trong quá trình phát triển phải luôn luôn đặt yếu tố công nghệ lên hàng đầu, đặc biệt, đối với lĩnh vực sản xuất các sản phẩm phục vụ nông nghiệp cần chú trọng công nghệ sinh học mới có tính thân thiện và bảo vệ môi trường”.
UBND tỉnh Phú Yên đã thống nhất đề xuất sử dụng tạm Bến cảng phường 6 (TP.Tuy Hòa) vào mục đích làm chợ đầu mối mua bán hải sản và phục vụ Festival Thủy sản 2014 diễn ra tại địa phương.
Từ đầu tháng 2/2014 đến nay, ngư dân Bình Thuận đã đánh bắt được mùa cá cơm bội thu. Sau mỗi chuyến đi biển, thuyền khai thác ít nhất cũng được 2-3 tấn cá, thuyền nhiều hơn lên đến cả chục tấn.