Làm Giàu Từ Trang Trại Tổng Hợp

Trong những năm qua phát triển kinh tế theo mô hình trang trại tổng hợp đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần đáng kể vào công cuộc xoá đói giảm nghèo trên địa bàn huyện Bảo Yên. Gia đình anh Phạm Văn Hậu ở bản Sáo xã Xuân Hòa (Bảo Yên- Lào Cai) là một điển hình, nhờ phát triển kinh tế trang trại mà kinh tế gia đình anh không ngừng được nâng lên.
Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đến thăm gia đình anh Phạm Văn Hậu, bản Sáo xã Xuân Hòa là một mô hình kinh tế trang trại tổng hợp khá quy mô, với rừng cây trên 7ha đã được phủ xanh; đàn trâu, bò trên 50 con; vườn rau, ao cá và đàn lợn đang chuẩn bị cho xuất chuồng.
Đây là thành quả bao năm tháng cố gắng lao động sản xuất của gia đình mà không phải hộ dân nào củng có thể làm được. Năm 2005, trở về trước anh thuộc diện hộ nghèo của bản vất vả, khó khăn lắm anh mới vay mượn đầu tư mua được 1 chiếc xuồng chở khách trên sông Chảy từ Xuân Hòa đến Phố Ràng, lúc đầu thu nhập tương đối ổn định, đảm bảo cuộc sống gia đình, nhưng rồi đường giao thông được nâng cấp khách đi xuồng cũng thưa dần, đời sống của gia đình vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Không cam chịu đói nghèo gia đình anh đã tận dụng tiềm năng đất đai sẵn có để tập trung phát triển kinh tế. Khi Nhà nước có chủ trương giao đất giao rừng, cho vay vốn phát triển kinh tế anh Hậu đã mạnh dạn nhận gần 8 ha đất đồi rừng để phát triển kinh tế theo mô hình trang trai tổng hợp. Năm 2006, bằng nguồn vốn 135 anh được hỗ trợ giống cây lâm nghiệp, phân bón.
Tận dụng nguồn lao động sẵn có anh vận động các thành viên trong gia đình tập trung cải tạo diện tích đất rừng và trồng mới được gần 2ha cây mỡ và bồ đề, những năm sau đó nhận thấy tiềm năng đất đai ở địa phương còn khá lớn anh tiếp tục vay vốn đầu tư trồng tiếp 5 ha rừng bồ đề, nhờ bảo vệ, chăm sóc tốt nên rừng cây gia đình phát triển khá nhanh, hiện nay 7 ha rừng đã khép tán chỉ 4-5 năm nữa sẽ cho thu hoạch.
Khi rừng chưa mang lại hiệu quả kinh tế anh chú trọng phát triển nông nghiệp, tích cực thâm canh tăng vụ, đưa các loại giống mới cho năng suất cao vào gieo trồng. Với những diện tích ruộng nước cạnh nhà kém hiệu quả anh đã chuyển đổi sang trồng các loại cây rau màu, mùa nào thức đấy vườn rau của gia đình anh luôn xanh tốt, những sản phẩm chính bán phục vụ bà con dân bản còn sản phẩm phụ được tận dụng để chăn nuôi gia súc, gia cầm và chăn nuôi cá. Qua nhiều năm chuyển đổi hiệu quả kinh tế mạng lại cao hơn hẳn so với trồng lúa.
Không chỉ phát triển kinh tế nông – lâm nghiệp, gia đình anh mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi đại gia súc. Lúc đầu do ít vốn và chưa có kinh nghiệm gia đình chỉ mua được 3 con trâu và 5 con bò giống, sau 5 năm cùng việc sinh sản anh tiếp tục vay vốn đầu từ phát triển chăn nuôi, đến nay tổng đàn trâu, bò của gia đình anh đã lên tới 50 con. Năm 2010 gia đình anh đã xuất chuồng 9 con trâu, bò thu về trên 60 triệu đồng. Sau những năm tháng vất vả đến nay kinh tế gia đình anh đã từng bước được nâng lên. Trung bình hàng năm sau khi trừ mọi chi phí gia đình thu nhập trên 70 triệu đồng.
Với lòng quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, gia đình anh Phạm Văn Hậu ở bản Sáo xã Xuân Hòa thực sự là một điển hình trong phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của gia đình anh đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, cần được quan tâm để nhân rộng giúp người nông dân xoá đói giảm nghèo và từng bước vươn lên làm giàu.
Related news

Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là một trong số các công cụ trợ thủ đắc lực cho nhà nông, giúp quản lý dịch hại, nâng cao năng suất và hiệu quả SX cây trồng.

Dự báo từ nay đến năm 2016, miền Trung – Tây Nguyên sẽ tiếp tục hứng chịu hạn nghiêm trọng do hiện tượng El Nino kéo dài, phức tạp nhất trong vòng 60 năm qua.

Sau hơn 18 tháng triển khai thực hiện dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP), xã Cẩm Sơn (huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) đã lắp đặt trên 200 công trình khí sinh học (hầm biogas).

Vừa qua, Sở NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông Hà Giang phối hợp với UBND huyện Xín Mần tổ chức tổng kết mô hình thâm canh cây chè theo tiêu chuẩn GAP tại xã Khuôn Lùng.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tỉnh Hà Tĩnh hiện có trên 100.000 hộ chăn nuôi lợn có số lượng từ 5 con/lứa trở lên.