Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làm Giàu Từ Cây Rau Bồ Ngót Ở Huyện Diên Khánh (Khánh Hòa)

Làm Giàu Từ Cây Rau Bồ Ngót Ở Huyện Diên Khánh (Khánh Hòa)
Publish date: Sunday. September 28th, 2014

Trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế ở các vùng nông thôn trong tỉnh Khánh Hòa, việc nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả luôn được chính quyền địa phương và người dân quan tâm, đây là một trong những điều kiện cần thiết để đẩy nhanh tiến độ xóa đói giảm nghèo.

Tại xã Diên Lộc, huyện Diên Khánh, mô hình trồng cây rau bồ ngót đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Đến bây giờ, ông Nguyễn Danh Thuyên, trú tại thôn Đảnh Thạnh, xã Diên Lộc, huyện Diên Khánh vẫn không thể nghĩ được rằng có ngày cây rau bồ ngót lại đem đến cho gia đình mình một nguồn thu nhập cao và ổn định đến như vậy. Chỉ mới đưa vào trồng hơn 2 năm, nhưng hiện nay, mỗi năm gia đình ông có thể thu nhập được gần 200 triệu đồng từ cây rau bồ ngót, giúp cho gia đình ông có được cuộc sống no ấm, con cái được học hành đầy đủ.

Ông Nguyễn Danh Thuyên chia sẻ đây là một loại cây ngắn ngày, đầu tư chỉ ở lúc đầu, về sau trồng một năm thì có thể thu hoạch được 2 năm. Chừng 35 - 40 ngày cho một lứa. Với diện tích khoảng 1,6 ha của nhà ông, một tháng có thể thu hoạch khoảng 2 tấn. Với giá của thị trường hiện nay, khoảng 7 - 8 ngàn/kg, mỗi tháng ông thu nhập được khoảng 14 - 15 triệu.

Chủ động từ khâu lựa giống, chăm sóc, bón phân, phun thuốc, theo dõi sát sự phát triển theo từng giai đoạn là những yếu tố quyết định giúp cho cây rau bồ ngót của ông có thể đảm bảo được chất lượng khi bán ra thị trường. Ban đầu, chỉ tiêu thụ ở các chợ trong xã, nhưng sau khi mở rộng thêm diện tích thì sản phẩm rau bồ ngót của gia đình ông Thuyên đã được thị trường Diên Khánh và Nha Trang biết đến với mức tiêu thụ bình quân từ 1 đến 1,5 tạ một ngày.

Về kinh nghiệm trồng loại rau này, ông Thuyên cho biết sau khi cắt từ 10-12 ngày thì bắt đầu xịt thuốc, bón phân để xử các loại nấm từ dưới gốc. Sau đó, bón các loại phân vi sinh, xới đều lên để có thể xử lí có loại côn trùng, nấm,… Đồng thời, thường xuyên quan sát, kịp thời phát hiện các loại sâu bệnh để kịp thời diệt trừ. Cơ bản là phải dùng phân vi sinh, chứ ít dùng các loại thuốc hóa học độc hại.

Bồ ngót là một loại cây trồng ngắn ngày, sinh trưởng được dưới tán của các loại cây khác. Vì vậy, ông Thuyên có thể tận dụng diện tích đất để trồng xen canh nhiều loại cây ăn quả như bưởi da xanh, dừa, đu đủ. Từ đó giúp cho gia đình ông mỗi vụ có thêm thu nhập trên 100 triệu đồng từ các loại cây ăn quả này.

Hiện nay, tại huyện Diên Khánh, cây rau bồ ngót cũng được trồng ở các xã: Diên Thọ, Diên Phước, Diên Bình, Diên Lạc nhưng vẫn còn mang tính manh mún, nhỏ lẻ.

Quy mô nhất vẫn là xã Diên Lộc. Toàn xã hiện có trên 10 ha trồng rau bồ ngót, cho tổng thu nhập hàng năm trên 700 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập này, nhiều gia đình trước đây khó khăn thì nay đã có điều kiện để thoát nghèo.

Ông Đặng Ngọc Dung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Diên Lộc, huyện Diên Khánh cho biết Hội nông dân xã rất mừng vì sự phát triển của cây bồ ngót và đánh giá cao hiệu quả của mô hình này. Đầu ra của cây bồ ngót cũng rất ổn định, ngày nào cũng có người đến để thu mua.

Trong thời gian tới, xã Diên Lộc sẽ có nhiều giải pháp nhằm nhân rộng mô hình trồng cây rau bồ ngót một cách phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước tưới tiêu của từng khu vực canh tác.

Đồng thời, xã cũng tạo thuận lợi giúp cho người dân mở rộng thêm thị trường, tránh việc phát triển mô hình một cách ồ ạt, tự phát dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu. Qua đó, giúp bồ ngót thật sự trở thành một loại cây làm giàu không chỉ riêng cho người nông dân của xã Diên Lộc mà còn của cả huyện Diên Khánh.


Related news

Quảng Ninh Xây Dựng Thương Hiệu Nông Sản Tu Hài Vân Đồn Quảng Ninh Xây Dựng Thương Hiệu Nông Sản Tu Hài Vân Đồn

Theo ông Đinh Trung Kiên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), nghề nuôi trồng tu hài đã phát triển nhiều năm nay ở địa phương. Đến nay, Vân Đồn đã có khoảng 100 hộ gia đình và 3 doanh nghiệp nuôi tu hài, thu hút một lượng lớn lao động và mang lại thu nhập khá cao cho ngư dân trong vùng.

Thursday. June 26th, 2014
Đưa Nông Sản Việt Vào Hệ Thống Bán Lẻ Quốc Tế Đưa Nông Sản Việt Vào Hệ Thống Bán Lẻ Quốc Tế

Hiện cả nước có 6.000 cơ sở chế biến có công nghệ thiết bị tương đối hiện đại, trong đó, hơn 2.000 cơ sở chế biến nông sản, 570 cơ sở chế biến thủy sản và 3.000 cơ sở chế biến gỗ. Một số ngành đã đáp ứng được yêu cầu chất lượng đối với các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…, điển hình như thủy sản, nhân hạt điều, hồ tiêu, đồ gỗ...

Thursday. November 27th, 2014
Tái Cơ Cấu Ngành Lâm Nghiệp Theo Hướng Nâng Cao Giá Trị Gia Tăng Và Phát Triển Bền Vững Tái Cơ Cấu Ngành Lâm Nghiệp Theo Hướng Nâng Cao Giá Trị Gia Tăng Và Phát Triển Bền Vững

Thanh Hóa là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn, với 626.757 ha, trong đó có 567.000 ha rừng và gần 60.000 ha đất chưa có rừng. Đây là tiềm năng lớn để tạo bước đột phá cơ bản cho phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên tiềm năng này chưa được khơi dậy một cách hiệu quả, bền vững.

Thursday. November 27th, 2014
Cây Mía Bắt Đầu Phát Triển Trên Đất Trảng Bàng (Tây Ninh) Cây Mía Bắt Đầu Phát Triển Trên Đất Trảng Bàng (Tây Ninh)

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế của ngành chức năng thì hiệu quả kinh tế của cây mía chưa cao, nhất là những diện tích mía tơ (năm đầu) lợi nhuận thấp (chỉ khoảng 3 triệu đồng/ha). Cũng do những vùng đất này trước bị bỏ hoang, nên dinh dưỡng trong đất kém, do đó phải chờ đến năm thứ 2, thứ 3 (mía gốc), nông dân mới có lợi nhuận từ 15 đến 20 triệu đồng/ha/năm.

Thursday. June 26th, 2014
Trồng Tiêu Trên Đất Khó Trồng Tiêu Trên Đất Khó

Những vườn tiêu xanh tốt bời bời trên vùng đất Kông Chro (Gia Lai) là hình ảnh rất hiếm gặp. Tuy nhiên, đi qua 2 xã Yang Trung và Chơ Long, chứng kiến nhiều vườn tiêu cả ngàn trụ, năng suất không thua kém “thủ phủ” hồ tiêu của tỉnh dễ khiến người ta tò mò...

Thursday. June 26th, 2014