Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lâm Đồng Xác Định Nguyên Nhân Khiến Cà Phê Rụng Trái

Lâm Đồng Xác Định Nguyên Nhân Khiến Cà Phê Rụng Trái
Publish date: Monday. July 28th, 2014

Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Lâm Đồng cho biết, hiện cơ quan chức năng đã xác định được nguyên nhân gây nên hiện tượng cà phê rụng trái bất thường tại xã Tam Bố (huyện Di Linh) trong thời gian gần đây.

Theo Chi cục, từ 17/7 đến nay (cuối tháng 7/2014), sau khi có dư luận phản ánh về hiện tượng cà phê rụng trái non ở xã Tam Bố, Chi cục đã phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh, UBND xã Tam Bố và Đài Phát thanh - Truyền hình huyện Di Linh tiến hành kiểm tra nhằm xác định nguyên nhân để tìm giải pháp khắc phục.

Theo đó, xã Tam Bố hiện có 1.077ha cà phê (trong tổng số hơn 42.000ha cà phê của cả huyện Di Linh). Trong vòng một tháng qua, nhiều vườn cà phê của bà con nông dân xã Tam Bố xảy ra hiện tượng cuống quả non cà phê mốc đen bám nhiều rệp sáp rồi thối nhũn hoặc khô khiến cho trái non rụng hàng loạt.

Nhiều hộ dân đã đến các tiệm thuốc BVTV mua nhiều loại thuốc về để phun xịt nhưng hiệu quả mang lại không cao. Điều đáng nói, tuy chỉ mới xuất hiện trong thời gian ngắn nhưng hiện tượng rụng trái non một cách bất thường này đã có xu hướng lan rộng trong vùng cà phê của xã Tam Bố.

Qua kiểm tra tại các vườn cà phê ở Tam Bố, bước đầu, Chi cục BVTV Lâm Đồng xác định nguyên nhân gây nên hiện tượng rụng trái cà phê như trên vừa nêu là do rệp sáp gây hại và do cây cà phê thiếu dinh dưỡng.

Đến thời điểm kiểm tra (17 – 25/7), trong tổng số 1.077ha cà phê của xã Tam Bố, có 150ha bị nhiễm rệp sáp ở mức trung bình với tỷ lệ gây hại là 11,5% (cục bộ có cây bị hại nặng nên rụng trái); diện tích còn lại tuy có nhiễm rệp sáp nhưng tỷ lệ gây hại không đáng kể (chỉ ở mức 7,5% trở xuống). Tuy nhiên, theo một số cán bộ của Chi cục BVTV Lâm Đồng, nếu không được khắc phục kịp thời, vườn cà phê ở Tam Bố sẽ tiếp tục tăng về mức độ gây hại và cả về diện tích trong thời gian đến.

Cùng với rệp sáp, qua khảo sát thực tế, cơ quan chức năng còn nhận thấy ở xã Tam Bố còn có nhiều vườn cà phê được canh tác trên nền đất có tỷ lệ đá khá cao, tầng canh tác (đất) khá mỏng, dưỡng chất không đảm bảo nên ở giai đoạn cây cà phê cần tích lũy dưỡng chất cho quả như hiện nay không đủ nên cũng dễ xảy ra hiện tượng rụng quả.

Cũng theo Chi cục BVTV Lâm Đồng, trên cây cà phê, rệp sáp thường gây hại ở 2 dạng là gây hại trên chùm quả và lá và gây hại ở bộ rễ.

Ở dạng gây hại chùm quả và lá, rệp thường bắt đầu đẻ trứng vào mùa mưa ở các kẽ lá, nụ hoa hoặc chùm quả non; sau khi nở, rệp nhanh chóng tìm nơi sinh sống cố định và bắt đầu hút chất dinh dưỡng khiến cho quả, cuống quả và cuống lá bị vàng, khô và rụng quả, rụng lá.

Và do vậy, năng suất cà phê bị giảm; đồng thời, chất lượng trái cũng không được đảm bảo. Ở dạng gây hại rễ, rệp sáp thường sinh sống ở dưới đất, xung quanh bộ rễ, tạo thành một lớp bọc không thấm nước ở quanh trục rễ. Cây cà phê có rệp sáp hại bộ rễ sẽ dần dần vàng lá, khô cành và chết khô.

Theo kỹ sư Đào Văn Toàn - Chi cục phó Chi cục BVTV Lâm Đồng, có nhiều cách phòng trừ bệnh rệp sáp trên cây cà phê; trong đó có một số biện pháp đáng quan tâm là: Thường xuyên kiểm tra vườn cà phê, đặc biệt là giai đoạn cây bắt đầu hình thành quả thời kỳ đầu và giữa mùa mưa khi điều kiện khí hậu thuận lợi cho sự phát sinh và gây hại của rệp sáp.

Vệ sinh vườn sạch sẽ, cắt và tiêu hủy các cành và chùm quả bị nhiễm rệp và bị khô rụng. Sử dụng các loại thuốc BVTV như Cypermethrin (SecSaigon 50EC), Chlorpyrifor Ethyl (Anboom 40EC, Mapy 48EC, Vitashield 40EC...), Abamectin 0,3% + Petroleum oil 88% (Visober 88.3EC), Ebamectin (Reasgant 3.6; 5EC; Tungcydan 3.6EC...).. để phun xịt.

Kỹ sư Đào Văn Toàn lưu ý: “Để việc phòng trừ rệp sáp đạt hiệu quả cao, cần sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”; chú ý phun kỹ, ướt đều nơi chùm quả có rệp cư trú, phun khi rệp vừa mới xuất hiện với mật độ khoảng 2 - 3 con/chùm, khi pha thuốc cần pha đúng liều lượng được hướng dẫn trên bao bì.

Đối với rệp sáp hại gốc, có thể sử dụng thuốc có hoạt chất Diazinon (Diaphos 10GR) để rải khi đất đủ ẩm, hoặc Chlorpyrifos Ethyl (Pyrinex 20EC) hòa nước tưới vào gốc để phòng trừ”.


Related news

Thiếu Nguyên Liệu Chế Biến Thủy Sản Xuất Khẩu Thiếu Nguyên Liệu Chế Biến Thủy Sản Xuất Khẩu

Tỉnh Kiên Giang hiện có hơn 20 doanh nghiệp chế biến thủy sản, kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 150 - 160 triệu USD. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có nhiều đơn đặt hàng của các đối tác nước ngoài nhưng không dễ thực hiện vì thiếu nguồn nguyên liệu và giá cả không ổn định.

Monday. March 2nd, 2015
Nuôi Gà Siêu Trứng Nuôi Gà Siêu Trứng

Qua 6 tháng nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật nên đàn gà phát triển tốt, tỷ lệ mắc bệnh thấp, trọng lượng bình quân đạt 1,6 kg/con, tỷ lệ sống 95%. Tổng số trứng gà đẻ thu được 1.683 quả (trong 3 tháng), tính giá bán thời điểm nuôi với giá 2.800 đ/quả thì tổng thu là 4.712.400đ.

Monday. March 2nd, 2015
Nấm Rơm Sau Tết Giá Cao Nấm Rơm Sau Tết Giá Cao

Thời điểm này, nông dân huyện Lai Vung (Đồng Tháp) thu hoạch rộ nấm rơm vụ đông xuân được 88ha, năng suất đạt khoảng 11 tấn/ha, tập trung ở các xã: Tân Thành, Vĩnh Thới, Tân Hòa, Định Hòa. Thương lái mua tại ruộng nấm rơm tươi loại I, (nấm TP) giá dao động từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, nấm loại II (mê cô) giá từ 33.000 - 38.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với mấy tháng trước đó.

Monday. March 2nd, 2015
Anh Sơn (Nghệ An) Phát Huy Hiệu Quả Trồng Cây Gấc Lai Anh Sơn (Nghệ An) Phát Huy Hiệu Quả Trồng Cây Gấc Lai

Sau gần 1 năm triển khai, mô hình trồng gấc lai trên đất vườn đồi ở huyện Anh Sơn (Nghệ An) đã khẳng định được khả năng thích nghi và hiệu quả kinh tế vượt trội so với một số cây trồng khác. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình và nâng cao hơn nữa giá trị cây gấc ở đây đang còn nhiều vấn đê đặt ra.

Monday. March 2nd, 2015
Giá Atisô Đà Lạt Giảm Giá Atisô Đà Lạt Giảm

Ở phường 12 được xem là vùng nguyên liệu chính của atisô Đà Lạt, nhiều thời điểm nông dân phải phá bỏ loại cây trồng này với diện tích lớn (có thời điểm phá bỏ hơn 20ha) để trồng các loại cây trồng khác vì giá atisô xuống quá thấp”.

Monday. March 2nd, 2015