Lại kiến nghị lùi áp dụng tỷ lệ mạ băng với cá tra
Theo quy định tại điểm b và c, khoản 6, điều 6 của Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra (hay còn gọi là Nghị định cá tra), thì điều kiện về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm cá tra chế biến là:
“Tỷ lệ mạ băng (tỷ lệ nước mạ băng trên trọng lượng tổng) đối với sản phẩm cá tra phi lê xuất khẩu phải phù hợp với quy định của nước nhập khẩu.
Các trường hợp khác, tỉ lệ mạ băng không được vượt quá 10% và hàm ẩm tối đa không được vượt quá 83% so với khối lượng tịnh (khối lượng cá tra phi lê sau khi loại bỏ lớp mạ băng) của sản phẩm”.
Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy định trên đã bị Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, cho rằng không phù hợp, gây khó khăn về thị trường và hoạt động xuất khẩu của họ.
Bên cạnh đó, kết quả điều tra trong tháng 4 và 5-2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh sản suất tại 26 doanh nghiệp cho thấy sản phẩm có hàm ẩm từ 83% trở xuống chỉ chiếm 3,03%, còn sản phẩm có hàm ẩm trên 86% chiếm tới 75,32%.
Ttrong khi đó, sản phẩm có tỷ lệ mạ băng từ 10% trở xuống chiếm 49,35% và mạ băng trên 20% chiếm 16,02%.
Trong một bản tin đề cập về tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm phát hành vào ngày hôm nay 29-9 của VASEP, Hiệp hội này cho rằng sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh có hàm ẩm tối đa không vượt quá 83% và tỷ lệ mạ băng không vượt quá 10% sẽ cho ra sản phẩm có chất lượng cao, nhưng giá thành sản xuất cũng cao, vì vậy đòi hỏi giá xuất khẩu phải cao.
Trong khi đó, thị trường tiêu thụ cá tra có hàm ẩm và mạ băng theo tiêu chuẩn này còn tương đối nhỏ, chỉ chiếm khoảng 10% thị phần toàn ngành.
“Do đó, quy định chỉ được phép sản xuất sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh có hàm ẩm nhỏ hơn hoặc bằng 83% và tỷ lệ mạ băng nhỏ hơn hoặc bằng 10% đã gây khó trong việc tiêu thụ, xuất khẩu cá tra”, bản tin cho biết.
Chính những lý do nêu ra ở trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất giữ nguyên quy định mạ băng và hàm ẩm như quy định của Nghị định cá tra, tức không vượt quá 83% về hàm ẩm và không vượt quá 10% về mạ băng, tuy nhiên, việc thực hiện cần phải có lộ trình.
Theo đó, áp dụng mạ băng tối đa 20% và hạm ẩm tối đa 86% cho đến ngày 31-12-2018 và từ ngày 1-1-2019 mới chính thức áp dụng mạ băng không quá 10% và hàm ẩm không vượt quá 83%.
Theo tìm hiểu của Thời báo Kinh tế Sài Gon Online, tại phiên họp giải trình về “Tái cơ cấu nông nghiệp:
Nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam” do Ủy ban kinh tế Quốc hội tổ chức vào ngày 31-12-2014, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cho biết Chính phủ đã có quyết định cho phép lùi thời hạn áp dụng quy định mạ băng không vượt quá 10% và hàm ẩm không vượt quá 83% đến ngày 1-1-2016, thay vì đã áp dụng vào ngày 1-1-2015 như quy định của Nghị định cá tra.
Ngoài đề xuất trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất Chính phủ lùi thời hạn để các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận VietGap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) hoặc các chứng nhận quốc tế tương đương đến ngày 31-12-2016, thay vì là 31-12-2015.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất sửa đổi đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra không phải là điều kiện để cơ quan Hải quan chấp nhận thông quan (hiện quy định này là điều kiện để cơ quan Hải quan quyết định cho thông quan) và bỏ thu phí của doanh nghiệp khi đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra.
Related news
Nông dân trong tỉnh An Giang đang xuống giống vụ đông xuân 2015 – 2016. Đối với một số địa phương sản xuất vụ thu đông, lúa đã trổ đồng. Lũ nhỏ, ruộng lúa của nông dân bị chuột cắn phá nhiều, chi phí gieo sạ cũng tăng cao.
Từ ngày 1/1 đến ngày 30/9, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 4,351 triệu tấn, trị giá FOB 1,81 tỷ USD, trị giá CIF 1,86 tỷ USD.
Nếp là sản phẩm chủ lực của huyện Phú Tân, với tổng diện tích khoảng 20.000 héc-ta trên địa bàn. Nhãn hiệu tập thể “Nếp Phú Tân” đã có mặt trên thị trường (2009) được UBND huyện triển khai nhiều hoạt động để đưa danh tiếng của loại đặc sản này vươn xa.
Được sự điều phối từ Trung tâm Khuyến nông (TTKN) Quốc gia, TTKN tỉnh An Giang đã triển khai thực hiện dự án “Áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI nhằm nâng cao hiệu quả và góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa”.
Sau khi bón một loại phân hỗn hợp, vườn cây của một số hộ dân tại xã Châu Pha (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) có hiện tượng vàng lá, thun đọt và xì mủ ở trái. Người dân nghi ngờ do phân bón giả, nhưng cơ quan chuyên môn vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân.