Phát Triển Nuôi Cá Nước Ngọt Ở Cam Thủy (Quảng Trị)
Những năm qua, nhiều nông dân ở xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) chú trọng đa dạng hóa các mô hình kinh tế, đặc biệt tận dụng diện tích ao hồ, mặt nước khá lớn ở địa phương để đầu tư nuôi trồng thủy sản. Bước đầu, mô hình này cho thu nhập khá và hứa hẹn hiệu quả kinh tế lâu dài nếu được đầu tư đúng hướng.
Đi đầu làm gương
Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá nước ngọt của gia đình anh Trần Văn Thắng, thôn Nhật Lệ trong một chiều hè mát dịu. Từng đàn cá rô phi, mè, trắm, chép đầu đen… quấy động mặt ao đua nhau đớp mồi trông thật thích mắt.
Vung những nắm cỏ non ra xa cho cá ăn, trên khuôn mặt rám nắng của anh Thắng lộ rõ nét vui khi thấy lứa cá năm nay phát triển tốt và chỉ thời gian ngắn nữa thôi sẽ đến mùa thu hoạch.
Trước năm 2007, thôn Nhật Lệ có diện tích ao hồ, mặt nước khoảng 3 ha bỏ hoang. Nhận thấy bản thân có khả năng tham gia cải tạo số diện tích này để nuôi trồng thủy sản, anh Thắng đăng ký nhận một lô đất có diện tích mặt nước khoảng 6 sào và bắt tay vào san ủi lòng hồ, đắp bờ chắn lũ, mua cá giống để thả.
Quá trình nuôi cá, anh được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, Hội Nông dân xã tín chấp cho vay vốn giải quyết việc làm và hỗ trợ con giống, thức ăn. Bao gồm cả khoản vay, tổng số vốn đầu tư ban đầu để phục vụ các điều kiện nuôi cá của anh Thắng khoảng 50 triệu đồng. Với lứa cá đầu tiên, anh chi phí 24 triệu đồng, trong đó cá giống 10 triệu đồng, thức ăn 10 triệu đồng, chi phí khác 4 triệu đồng.
Tổng thu lứa cá này 40 triệu đồng, trừ mọi chi phí anh lãi 16 triệu đồng. Vụ cá đầu mang lại lợi nhuận không cao lắm nhưng đã động viên anh phát triển nghề nuôi cá nước ngọt lâu dài. Từ đó đến nay, anh Thắng duy trì và mở rộng diện tích từ 6 sào lên gần 1 ha để nuôi cá. Bình quân mỗi năm, riêng lãi từ việc bán cá của gia đình anh khoảng từ 34-40 triệu đồng.
Tuy nhiên, do năm nào cũng bị ảnh hưởng lụt bão nên anh chỉ thả cá giống loại to (8 tháng thu hoạch). Mỗi lần xuất ao, thương lái đến tận nhà anh thu mua cá giá rẻ, số lượng ít. Vì thế, để tìm thị trường tiêu thụ được giá, anh phải cất công đem cá bán ở các chợ Đông Hà, chợ Phiên.
Anh Thắng cho biết: “Sắp tới gia đình tôi sẽ mở rộng thành gia trại theo mô hình VAC. Song, nếu đầu tư xây dựng gia trại sẽ khó khăn về nguồn vốn bởi chúng tôi dự tính phải có trên 200 triệu đồng để nâng đập, cải tạo đất trồng cỏ, xây dựng chuồng trại… Do đó, tôi rất mong được tiếp cận vay vốn ưu đãi để phát triển mô hình chăn nuôi kết hợp này”.
Mô hình phù hợp
Cam Thủy là xã có địa hình bán sơn địa, có diện tích ao hồ mặt nước khá lớn. Do đó, nuôi cá nước ngọt rất phù hợp, vừa tận dụng được diện tích mặt nước hoang hóa, vừa giải quyết việc làm tăng thu nhập cho người nông dân.
Những năm qua, Đảng ủy, HĐND xã Cam Thủy đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương, trong đó chú trọng xây dựng mô hình nuôi cá nước ngọt vì có giá trị kinh tế khá cao so với các loại cây trồng, vật nuôi khác trên địa bàn.
Trên cơ sở đó, Hội Nông dân xã Cam Thủy đã phát động phong trào thi đua sản xuất giỏi, xóa đói giảm nghèo; tuyên truyền, vận động nông dân phát huy những tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Từ mô hình nuôi cá của gia đình anh Thắng và các hộ khác trong xã, hội động viên hội viên tận dụng diện tích mặt nước bỏ hoang đầu tư nuôi cá nước ngọt. Do thiếu vốn nên thời gian đầu việc nuôi cá của người dân gặp không ít khó khăn.
Tuy nhiên, nhờ có thuận lợi là người đi trước động viên, truyền đạt kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản cho người đi sau, Hội Nông dân xã cũng đã đứng ra tín chấp vay vốn giải quyết việc làm hơn 300 triệu đồng, tổ chức các hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho nông dân; phối hợp tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ con giống và một số hoạt động khác nhằm giúp nông dân có điều kiện sản xuất. Những việc làm tích cực đó của hội đã giúp nông dân nhân rộng mô hình nuôi cá nước ngọt.
Anh Nguyễn Long, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thủy cho biết: “Hiện nay, toàn xã có khoảng 10 ha nuôi cá nước ngọt, trong đó có 4 ha nuôi theo dạng thâm canh, số còn lại do nhiều yếu tố khách quan tác động nên chưa đầu tư thâm canh được.
Nuôi cá có quy mô lớn, theo hướng kinh doanh chủ yếu tập trung ở các thôn: Nhật Lệ 10 hộ, Cam Vũ 5 hộ và Lâm Lang 2 hộ; bình quân mỗi hộ đầu tư nuôi cá với diện tích từ 5 sào trở lên. Các loại cá nông dân nuôi chủ yếu là cá trắm, mè, chép, rô…Hội đang nghiên cứu để phát triển cá rô đầu vuông, lươn. Hiện có 15 hộ nông dân đã đầu tư xây dựng mỗi hộ 1 bể theo hướng không bùn đợi khi có giống lươn sẽ tiến hành nuôi.
Qua số liệu khảo sát hàng năm cho thấy, bình quân 1 sào nuôi cá nước ngọt với điều kiện thâm canh tốt, sau khi trừ chi phí sẽ cho một thu nhập khoảng 10-12 triệu đồng/năm. Đây là nguồn thu nhập khá cao trên một đơn vị diện tích so với các loại cây trồng khác ở địa phương. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình này trong toàn xã”.
Để tiếp tục duy trì và phát triển nghề nuôi cá nước ngọt cho nông dân ở Cam Thủy một cách bền vững và có hiệu quả kinh tế cao thì các cấp, các ngành chức năng cần có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân phát triển nghề nuôi trồng thủy sản; từng bước chuyển đổi những loại giống cá giá trị cao như cá chình, lươn…
Bên cạnh đó, giới thiệu đơn vị sản xuất giống có uy tín hoặc dịch vụ bán con giống để đảm bảo con giống có chất lượng cao và các loại giống thủy sản mới; giúp tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho nông dân yên tâm sản xuất.
Related news
Ông Trần Xuân Lý là một trong nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ sản xuất kinh doanh tiêu biểu ở địa phương.
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, những mô hình như đưa cây ăn quả lên sườn dốc thật sự là cách làm đột phá.
Nói đến cựu chiến binh Đặng Ngọc Sỹ ở thôn Việt Long, xã Tản Lĩnh nhiều người biết đến là một người đã có thâm niên trong nghề trồng hoa, cây cảnh, cây công trì
Vượt qua nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 cũng như giá phân bón liên tục gia tăng, tỉnh Bạc Liêu đã hoàn thành kế hoạch sản xuất lúa trên đất tôm năm 2021
Nhằm lưu giữ nguồn gen quý của giống lợn Hương và phát triển kinh tế bền vững, nâng cao sinh kế cho bà con trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.