Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Kỳ Vọng Giá Lúa Thu Đông

Kỳ Vọng Giá Lúa Thu Đông
Publish date: Tuesday. September 9th, 2014

Vào thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh đang thu hoạch lúa Thu đông 2014. Bên cạnh những nông dân phấn khởi vì giá lúa đang ở mức cao, thì có không ít hộ phải lo lắng vì lúa bị đổ ngã, chi phí thu hoạch tăng, giá bán thấp.

Đến nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống được gần 50.000ha lúa Thu đông. Một số nơi xuống giống sớm như huyện Châu Thành A, Phụng Hiệp, Vị Thủy… thì người dân đã bắt đầu thu hoạch khoảng 1.000ha, ước năng suất bình quân 4,7 tấn/ha.

Giá lúa đã có lãi

Hiện tại, tuy giá lúa đã giảm từ 150-200 đồng/kg cách nay khoảng nửa tháng, nhưng so với thời điểm cùng kỳ năm 2013 thì vẫn cao hơn nhiều. Cụ thể, thương lái đang mua lúa tươi tại ruộng (cắt máy, giống IR 50404) có giá từ 4.500-4.600 đồng/kg, lúa hạt dài từ 5.050-5.100 đồng/kg, tăng khoảng 300-500 đồng/kg so với cùng kỳ, với mức giá này, sau khi trừ chi phí, nông dân vẫn còn lãi cao.

Lúa đang được giá nên nông dân tranh thủ thu hoạch bán ngay lúa tươi cho thương lái.

Vừa thu hoạch xong 1,6ha lúa (giống IR 50404), năng suất gần 800kg/công, bán giá 4.600 đồng/kg, ông Trần Văn Nam, ở ấp 4, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, phấn khởi cho biết: “Năm nay, năng suất lúa cũng xấp xỉ với năm rồi, nhưng được cái là bán giá cao nên lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/ha, tính ra nhà nông có lời hơn mọi năm”.

Do thị trường lúa gạo có nhiều khởi sắc, nên đa phần bà con thu hoạch lúa đến đâu, thương lái đều mua hết đến đó. Có không ít diện tích được thương lái đưa tiền đặt cọc trước nhiều ngày.

Chị Lưu Thị Nhanh, có ruộng cạnh đất ông Nam, chia sẻ: “Làm ruộng sướng nhất là khi thu hoạch lúa đúng ngay thời điểm có giá. Mọi năm, cứ đến ngày cắt là phải chạy kiếm “cò” để bán rất khó khăn. Nhưng vụ này, do giá cao nên cách nay hơn nửa tháng đã có người đến đưa tiền cọc trước, từ đó nông dân như chúng tôi cũng trút được nhiều gánh nặng”.

Hiện toàn tỉnh có khoảng 40% diện tích lúa Thu đông đang trong giai đoạn trổ chín và sẽ được thu hoạch tập trung vào khoảng cuối tháng 9. Với điều kiện sản xuất của vụ lúa Thu đông là nông dân thường tốn nhiều chi phí về phân, thuốc, công bơm nước so với các vụ khác, chính vì vậy, giá lúa đang ở mức cao là một tín hiệu đáng mừng. Người trồng lúa cũng đang kỳ vọng giá lúa hiện tại sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới để người dân có được nguồn lợi nhuận tương đối.

Theo nhận định của một số thương lái thu mua lúa trên địa bàn tỉnh, giá lúa tăng là do doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua để đáp ứng đủ đơn hàng xuất khẩu. Với mức giá lúa như hiện nay, không chỉ cho nông dân có lợi nhuận 30%, mà còn tạo động lực cho nông dân trong sản xuất lúa thời gian tới.

Ông Trần Văn Linh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy sản Hoàng Long (đơn vị thu mua lúa gạo đặt tại huyện Châu Thành A), cho rằng: Chính thị trường lúa gạo trong và ngoài nước ở những tháng gần đây lưu thông khá trôi chảy, nên dù lúa chưa đến ngày cắt nhưng đã có nhiều thương lái đến đặt mua.

Bên cạnh đó, hiện lúa Hè thu trong dân đã tiêu thụ hết, lượng lúa tồn kho tại các doanh nghiệp không nhiều, vì vậy sẽ không tạo áp lực lớn đến tiêu thụ lúa Thu đông đang vào mùa thu hoạch. Dự đoán, khả năng giá lúa gạo vẫn chuyển biến đầy hứa hẹn theo hướng có lợi cho nông dân. Bởi, tình hình xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp được cho là còn nhiều thuận lợi trong thời gian tới.

Gặp khó vì lúa sập

Mặc dù giá lúa đang ở mức cao, nhưng thương lái chỉ mua khi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Riêng những hộ không thể cắt lúa bằng máy mà chuyển sang cắt thủ công, do lúa sập vì bị ảnh hưởng của mưa trong những ngày gần đây, hoặc những khu vực bị ngập nước sâu do triều cường thì giá lúa giảm đáng kể. Đặc biệt, khi thu hoạch xong để tìm được người thu mua cũng không phải dễ dàng, nếu có cũng chỉ mua với giá rẻ, mặc dù trước đó bà con cũng đã nhận tiền đặt cọc với giá cao từ các cò lúa.

Điển hình là ông Nguyễn Văn Thủy, ở ấp 4A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, tuy có chưa đầy 2 công đất, nhưng mấy ngày qua ông phải chạy đôn chạy đáo tìm người cắt lúa. Ông Thủy bày tỏ: “Do mưa lớn kèm theo gió đã làm cho ruộng lúa của tôi bị sập hoàn toàn, hiện máy cắt không thể vào thu hoạch được nên phải chạy kiếm nhân công cắt bằng tay.

Điều đáng nói là trước đó khoảng 10 ngày, tôi đã nhận tiền đặt cọc của cò lúa với giá 4.600 đồng/kg, khi thấy lúa bị sập và phải cắt tay, nên cò lúa không chịu mua theo giá ban đầu, mà hạ xuống còn có 3.100 đồng/kg. Không đồng ý bán với giá thấp, nên tôi cũng như nhiều bà con khác chỉ còn cách đem về nhà phơi sau khi suốt xong”.

Cùng hoàn cảnh trên, ông Nguyễn Văn Thâu, ở ấp 13, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, than: “Mọi năm, 1,4ha lúa của tôi đều cắt máy được, riêng năm nay nước lên nhanh làm lúa bị ngập khá sâu. Nếu thu hoạch bằng máy sẽ bị thất thoát nhiều nên có khoảng 80% nông dân nơi đây chọn thu hoạch bằng tay và chấp nhận bán giá 3.600 đồng/kg. Với giá này, sau khi trừ chi phí, nông dân rất khó có lợi nhuận”.

Hiện nay, khi thu hoạch lúa bằng thủ công, ngoài việc phải bán giá thấp, bà con nông dân còn phải tốn chi phí thuê nhân công cao hơn gấp đôi so với thu hoạch bằng máy. Theo đó, nếu cắt máy chi phí chỉ 300.000 đồng/công, còn cắt tay lên đến 700.000-800.000 đồng/công (bao gồm tiền cắt, thu gom và máy suốt).

Với những trở ngại trên, hiện ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo, ở những vùng trũng, nước đang lên cao thì bà con không cần đợi lúa chín 100% mới thu hoạch, mà có thể chín hơn 80% là cho máy vào cắt. Riêng ruộng nào đã bị sập mà ngày cắt còn lâu, thì bà con nên tiến hành đỡ cây lúa lên khỏi mặt nước rồi bó lại thành từng chùm, đồng thời kết hợp bơm rút nước thường xuyên để lúa không lên mộng, máy gặt đập có thể vào thu hoạch, từ đó bán được giá cao.v


Related news

Anh Phạm Xuân Thảo - Mỗi Năm Thu Lãi 100 Triệu Đồng Từ Trồng Lúa Anh Phạm Xuân Thảo - Mỗi Năm Thu Lãi 100 Triệu Đồng Từ Trồng Lúa

Trong khi hầu hết các hộ nông dân ở xã Hà Thanh (Tứ Kỳ) còn coi việc cấy lúa để bảo đảm nguồn lương thực, thì gia đình anh Phạm Xuân Thảo (38 tuổi) ở thôn Hàm Cách lại xác định cây lúa là "chìa khóa" để làm giàu.

Saturday. June 23rd, 2012
Mơ Ước Của Cánh Đồng Mơ Ước Của Cánh Đồng

Anh nông dân Hoa Sĩ Hiền ở xã Tân An, thị xã Tân Châu, An Giang không phải là một nhà khoa học. Anh không có học hàm học vị, song giống lúa mà anh nghiên cứu ra có thể giúp bà con nông dân không tốn một giọt thuốc bảo vệ thực vật nào

Saturday. August 20th, 2011
Giá Gạo Sẽ Tăng Vọt Sau Lũ Lụt Ở Thái Lan? Giá Gạo Sẽ Tăng Vọt Sau Lũ Lụt Ở Thái Lan?

Một phần tư sản lượng gạo của Thái Lan, nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới, có thể đã bị “chìm” trong nước lũ. Giá 1 tấn gạo của Thái Lan có thể sẽ tăng hơn 34% sau lũ và phần nào tác động đến giá lương thực thế giới

Wednesday. November 2nd, 2011
Nâng Cao Năng Lực Sấy Lúa Vụ Hè Thu Và Thu Đông Nâng Cao Năng Lực Sấy Lúa Vụ Hè Thu Và Thu Đông

Trước yêu cầu khống chế các loại dịch bệnh gây hại trên lúa, đặc biệt là dịch rầy nâu, ngành nông nghiệp đề ra giải pháp gieo sạ đồng loạt, tập trung để né rầy. Điều này kéo theo là thời vụ thu hoạch lúa cũng tập trung, trong khi đó máy gặt đập liên hợp trong vùng chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của nông dân

Saturday. June 23rd, 2012
Đồng Bằng Sông Cửu Long Thả Tôm Giống Trở Lại Đồng Bằng Sông Cửu Long Thả Tôm Giống Trở Lại

UBND tỉnh Bến Tre vừa có văn bản cho phép các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, người nuôi tôm… trong tỉnh được phép nhập tôm giống và thả nuôi tôm trở lại kể từ ngày 1-6. Như vậy sau hơn 1 tháng tạm ngưng thả giống do tình trạng dịch bệnh làm tôm chết hàng loạt, nay môi trường nuôi đã ổn định, thời tiết thuận lợi… nên tỉnh cho phép thả nuôi nhằm tăng cường nguồn tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu trong thời gian tới.

Monday. June 4th, 2012