Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà tím
Trước khi nhổ cây con đem trồng không nên tưới nước cho cây 5-7 ngày, chỉ tưới ẩm 4-5 giờ trước lúc nhổ cho cây không bị đứt rễ và chóng bén. Cà có bộ dễ phát triển, vì vậy đất trồng cà cần được cuốc sâu. Nên cuốc đất hai lần, lần thứ nhất cuốc lật phơi ải để đất tơi xốp, ánh nắng mặt trời sẽ tiêu diệt phần lớn sâu bệnh trong đất. Mặt khác, đất được phơi ải có những chuyển hóa sinh học và hóa học trong đất có lợi cho cây trồng. Trong quá trình trồng và chăm sóc cần đảm bảo chế độ thoát nước tốt, thường xuyên giữ cho đất trồng được khô ráo, tránh ngập úng.
Bón phân:
Cà sinh trưởng tương đối dài ngày vì vậy cần nhiều phân. Bón lót nhiều lần cho cây nhỏ, ngăn ngừa rụng hoa, rụng quả. Nhất là những nơi đất xấu, bón lót làm tăng năng suất rõ rệt. Cần tiến hành bón thúc kịp thời, có thể chia thành 4 thời kỳ bón thúc cho cà tím như sau:
- Đợt 1: bón ngay sau khi trồng cây con một tuần, bón nước phân hữu cơ pha loãng với nồng độ 20-30%. Cách 5-7 ngày bón một lượt. Sau khi trồng cây con được một tháng, tiến hành bón phân hữu cơ vào gốc kết hợp với vun gốc cho cây.
- Đợt 2: bón vào lúc cây có nụ đến khi có quả. Đợt này không nên bón nhiều để hạn chế cây mọc vống, rụng hoa, rụng quả. Nếu đất xấu, cây phát triển kém, có thể bón 1-2 lần.
- Đợt 3: Bón vào thời kỳ sau khi cây có quả đến lúc thu hoạch. Thời kỳ này cần bón nhiều phân, cách 4-7 ngày bón một lượt. Tưới nước phân hữu cơ pha loãng với nồng độ 30-50%, thúc cho cây tiếp tục ra hoa, kết quả.
- Đợt 4: Bón vào lúc thu hoạch rộ trở đi. Sau mỗi lần thu hoạch bón một lượt phân để giữ cho cây có hoa liên tục đảm bảo năng suất về cuối. Từ lúc trồng đến lúc ra hoa cần giữ độ ẩm trong đất. Nếu trời nắng tưới ngày một lần, trời râm mát 3-4 ngày tưới một lần. Lúc cà có quả non thì tưới nhiều hơn. Thời kỳ đầu khi cây con mới trồng cần thường xuyên xới đất để đất không đóng váng, tăng độ ẩm cho đất, giúp cho bộ rễ phát triển và cây lớn nhanh.
Nhất là sau khi trồng cây con 1 tháng thì vun gốc để thúc cho bộ rễ phát triển, tăng cường giữ nước, giữ màu của đất, chống đổ ngã cho cây. Cây cà sau khi mọc được 7-9 lá là bắt đầu có quả. Lúc đó những nhánh này phát triển yếu, hoa quả hình thành chậm. Các cành này thường mọc thẳng đứng làm cho bên trong tán cây rậm rạp, thiếu ánh sáng, tán cây không thông thoáng, tạo điều kiện cho sâu bênh phát triển nhiều.
Cần tỉa nhanh kịp thời, chỉ để lại một nhánh gần chùm quả thứ nhất, các nhánh khác cần được tỉa bỏ. Từ thời kỳ giữa đến cuối thời gian sinh trưởng của cây cà mọc thêm nhiều lá ở phía dưới làm cho cây không thông gió và thiếu ánh sáng. Vì vậy, cần tỉa lá kịp thời để thúc cho ra nhiều quả.
Phòng trừ sâu bệnh
* Bệnh lở cổ rễ: do nấm Rhizônia solani gây ra. Nấm này gây bệnh cho cây con lúc ươm và cây nhỏ khi mới trồng. Triệu chứng của bệnh là đoạn thân gần gốc teo thắt lại, có màu đen. Toàn bộ hệ thống mạch dẫn, mô vi sinh, vỏ cây bị thối và cây bị gẫy đỏ ngay thân rồi chết.
- Cách phòng trừ: Luân canh cà với các cây trồng khác. Vệ sinh đất, không để đất ươm cây con quá ẩm. Khi bệnh xuất hiện nhiều, dùng thuốc Validacin để phun.
* Bệnh chết xanh: Do vi khuẩn Pseudomonas malvacearum gây ra. Vi khuẩn này làm cho cây hoặc bộ phận cây bị chết nhưng vẫn giữ màu xanh. Vi khuẩn gây bệnh làm hủy hoại, tắc nghẽn các mạch dẫn trong cây. Cũng có trường hợp vi khuẩn làm bộ rễ cây bị thối không hút được nước, cây bị héo và chết. Vì vậy, cần thâm canh, bón phân đầy đủ cho cây. Kịp thời phát hiện và loại bỏ những cây bị bệnh.
* Bệnh đốm nâu: Do nấm Cladosporium Fulvum Cke gây ra. Vết bệnh xuất hiện trên lá, ban đầu có màu nâu, cuối cùng chuyển sang màu đen. Bệnh lan dần ra toàn mặt lá làm cho lá khô và rụng. Bệnh phát triển mạnh khi cây ra hoa, hình thành quả. Cây bị bệnh này có thể chết. Bệnh phát triển nhiều trong điều kiện ẩm. Nguồn lây lan bệnh chủ yếu là tàn dư cây bị bệnh.
- Cách phòng trừ: Thu dọn kỹ tàn dư cây sau mỗi vụ thu hoạch, luân canh cà với các loại cây khác. Kịp thời tỉa cành, tỉa lá, bấm ngọn. Dùng các loại thuốc Boocđô, Zineb, benlat để phun khi bệnh xuất hiện nhiều.
Thu hoạch và để giống cho vụ sau:
Không nên để cà quá già làm cho quả bị giảm phẩm chất và cây bị kiệt quệ, ảnh hưởng đến các đợt quả sau. Riêng cà tím nên thu hoạch khi quả từ màu tím chuyển sang tím nhạt, cách 2-3 ngày thu một lần. Khi để hạt giống chọn cây có nhánh to bằng thân chính, cành lá không rậm quá, trên cành có nhiều quả và quả tốt.
Chọn lấy những quả mọc ở tầng thứ nhất và tầng thứ hai, những quả đã chín sớm nhiều hạt. Những cây lấy giống chỉ để mỗi cây 1-2 quả. Khi vỏ quả chuyển sang màu vàng, có vết rạn nứt, tai quả hơi cong lên, thu hoạch lúc này là tốt nhất. Thu về để vài ngày, sau đó bổ quả, lấy hạt phơi khô trong râm, cất giữ làm giống cho vụ sau.
Related news
Một chức năng quan trọng của cà tím là khả năng kháng khuẩn, kháng virus, chống antimutagenic và LDL, tất cả đều là do tác động của hợp chất phenolic, chlorogenic acid, được tìm thấy rất nhiều trong rau.
Cà tím là một trong những cây trồng được đưa vào mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các xã nông thôn mới của thành phố. Cây cà tím phù hợp với vùng đất tại Củ Chi, Hóc Môn thành phố Hồ Chí Minh. Đây là loại rau ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cao, thời gian thu hoạch trái kéo dài. Tuy nhiên để trồng cà tím đạt hiệu quả cao cần chú ý một số kỹ thuật canh tác
Cà tím là một loại rau ăn thông dụng được trồng để lấy quả. Có thể trồng xen với tỏi hoặc các loại rau khác họ ngắn ngày vào giữa 2 hàng cà tím.