Home / Hải sản / Tôm càng xanh

Kỹ Thuật Nuôi Tôm Càng Xanh Trong Mương Vườn

Kỹ Thuật Nuôi Tôm Càng Xanh Trong Mương Vườn
Publish date: Friday. August 30th, 2013

Những năm gần đây, giá tôm càng xanh luôn ổn định ở mức cao, bà con đã tận dụng mương vườn của mình để nuôi.

Nếu tận dụng tốt mặt nước từ các mương vườn, đồng thời áp dụng một số phương pháp như cải tạo mương vườn, chọn giống, quản lý, chăm sóc tốt thì hằng năm chúng ta có một lượng tôm càng xanh thương phẩm khá lớn.

1. Phương pháp cải tạo mương vườn

Đối với mương vườn có đặc điểm chiều ngang nhỏ từ 2-5 m, chiều dài lớn từ 50-200 m, mặt vườn thì lớn.

Do đó, thường phèn từ hai bên rò rỉ dồn về mương vườn và khi mưa làm sạt bờ gây nước đục. Khi cải tạo mương nên chú ý: Vét hết bùn đáy ao lên, và trên liếp vườn đắp bờ cho dốc hướng ra ngoài mương để tránh trời mưa đổ xuống mương và bón vôi lúc cải tạo từ 10-20 kg/100 m2 (tùy theo mương cũ hay mới) mương có hệ thống cống hoặc bọng bảo đảm độ sâu mương từ 0,6-0,8 m.

Nếu có điều kiện bà con nên chia mương vườn thành nhiều lô từ 50-200 m2 tùy theo thực tế mương vườn, cũng có thể dùng lưới mùng hoặc đăng tre để chắn chia lô.

Mục đích của việc chia lô: Tôm thả đều cỡ, hạn chế tôm ăn thịt lẫn nhau, ít cạnh tranh thức ăn, dễ thu hoạch. Xung quanh bờ ao nên dùng lưới rào tránh địch hại cho tôm. Nước lấy vào ao qua hệ thống lọc kỹ, tránh cá vào mương ăn tôm, hoặc cạnh tranh thức ăn tôm sau này. Nước lấy vào 3-5 ngày mới được thả tôm nuôi.

2. Chọn tôm giống thả nuôi

Nếu sử dụng nguồn tôm giống tự nhiên, tôm giống phải có chiều dài tương đối đều nhau, tiêu chuẩn tôm giống phải từ 3-5 cm. Khi vận chuyển tôm giống dùng lưới buộc tôm lại, tránh tôm va chạm nhau, ít xay xát trong quá trình vận chuyển (không buộc quá chặt), sau đó cho vào xô hoặc thùng nhựa đã đổ nước và có thổi khí.

Khi vận chuyển tôm đến nơi, để cho tôm khoẻ 15 phút, sau đó dùng Iodine liều dùng 200 ppm, thời gian tắm 3-5 phút, rồi mới thả tôm xuống mương. Chọn những con tôm đồng cỡ thả theo từng lô hoặc từng mương. Mật độ thả tối đa từ 1-2 con/m2.

Trong trường hợp chọn từ tôm post thì tôm post phải được ương nuôi trong môi trường nước ngọt hoàn toàn, không có tôm bơi ngửa và chiều dài từ 1-2 cm. Tôm không bị dị hình, còn đủ chân, càng, râu. Đàn tôm khoẻ lúc nào đôi râu cũng xếp song song nhau (tôm yếu đôi râu hình chữ V), trong dạ dày và đường ruột tôm có chứa đầy thức ăn, tôm bơi lội nhanh nhẹn và khi tắt sục khí, tôm sẽ bung mình lên khỏi mặt nước.

3. Thức ăn và chăm sóc quản lý

Hiện nay, thức ăn cho tôm càng xanh có hai loại, thức ăn công nghiệp và thức ăn tự chế biến. Nếu sử dụng thức ăn công nghiệp thì chọn loại có nồng độ đạm lớn hơn 30%. Thức ăn tự chế biến bao gồm các loại như: cua, ốc, cá biển, cá tạp…

Mỗi ngày cho tôm ăn 2 lần, buổi sáng khoảng 8 giờ, buổi chiều khoảng 17 giờ. Cần lưu ý, thức ăn chế biến phải còn tươi, cho tôm ăn vừa đủ, không được để dư thừa thức ăn, dễ làm dơ ao, có thể cắt thức ăn thành từng khúc vừa cỡ để cho tôm ăn.

Lượng thức ăn cho tôm ăn hằng ngày như sau: Sử dụng thức ăn công nghiệp cho tôm ăn từ 3-5% trọng lượng thân; sử dụng thức ăn tự chế biến cho tôm ăn từ 5-7% trọng lượng thân. Để tôm mau lột xác, khi cho tôm ăn cần bổ sung thêm chất khoáng và vitamin, liều dùng 3-5 g/kg thức ăn.

Chúng ta biết rằng sự tăng trọng của tôm càng xanh là thông qua quá trình lột xác. Muốn vậy thì khi nuôi tôm cần cung cấp dinh dưỡng đầy đủ để tạo vỏ mới và môi trường nuôi phải được bảo đảm. Các yếu tố môi trường tối ưu cho tôm càng xanh sinh sống phải được bảo đảm, pH từ 7-8,5; ô-xy hoà tan: >3mg/lít; các chất khí độc như NH3, H2S… có trong ao nuôi phải được xử lý để loại bỏ.

Hằng ngày cần phải kiểm tra màu nước, cống bọng lưới chắn, chú ý những ngày nước kém hoặc trời mưa lớn dùng vôi từ 1-2 kg/100 m2 hoà với nước tạt xuống mương để ổn định pH giúp tôm chống sốc.

Ngoài ra, cần phải kiểm tra lượng thức ăn hằng ngày để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, giảm lượng thức ăn khi tôm sắp lột và tăng lên khi tôm lột xác xong. Kiểm tra đáy ao, nếu thấy đáy ao dơ có mùi hôi hoặc dơ thì dùng chế phẩm vi sinh để xử lý, đồng thời kết hợp thay nước.

4. Thu hoạch tôm

Sau 4-5 tháng nuôi, tôm đạt kích cỡ >100 g thì tiến hành thu hoạch, những tôm chưa đạt kích cỡ thu hoạch thì thả lại tiếp tục nuôi. Phương pháp thu hoạch là dùng lưới kéo hoặc chài.


Related news

Bệnh Dính Chân Ở Tôm Càng Xanh Bệnh Dính Chân Ở Tôm Càng Xanh

Bệnh này thường gặp trong sản xuất giống tôm càng cũng như tôm sú. Tác nhân gây bệnh do vi khuẩn dạng sợi (Filamentous bacteria) và vi khuẩn không phải dạng sợi, một số loài tảo, nguyên sinh động vật.

Saturday. July 6th, 2013
Nuôi Giữ Tôm Càng Xanh Qua Đông Nuôi Giữ Tôm Càng Xanh Qua Đông

Nhiệt độ thích hợp cho tôm càng xanh sinh trưởng và phát triển 22 – 23 C, thích hợp nhất là 28 – 31 C. Giới hạn nhiệt độ là 14 – 40 C, mùa vụ nuôi tôm càng xanh ở miền Bắc thích hợp nhất là từ tháng 4 đến tháng 11 (dương lịch).

Saturday. July 6th, 2013
Bệnh Ở Tôm Càng Xanh Giống Bệnh Ở Tôm Càng Xanh Giống

Tôm càng xanh có thời gian chuyển giai đoạn rất dài từ khi trứng được thụ tinh đến khi thành tôm post. Vì vậy, cần phải theo dõi để phát hiện và điều trị kịp thời những bệnh hay gặp ở tôm giống.

Friday. July 26th, 2013
Vì Sao Tôm Càng Xanh Không Lột Vỏ Vì Sao Tôm Càng Xanh Không Lột Vỏ

Tôm và các loài giáp xác khác đều lột vỏ để tăng trưởng. Trường hợp tôm càng xanh không lột vỏ là do nguồn thức ăn cung cấp cho tôm không thoả đáng; nguồn nước ao nuôi bẩn, ô nhiễm, lượng oxy hoà tan trong nước không đủ cho nhu cầu hô hấp của tôm; tôm bị bệnh như bệnh đóng rong...

Friday. July 26th, 2013
Nuôi Tôm Càng Xanh Nuôi Tôm Càng Xanh

Tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) là một trong những đối tượng nuôi quan trọng và phổ biến ở nước ngọt, đặc biệt là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Wednesday. March 13th, 2013