Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Kinh Tế Trang Trại Và Những Vấn Đề Đặt Ra

Kinh Tế Trang Trại Và Những Vấn Đề Đặt Ra
Publish date: Tuesday. October 28th, 2014

Kinh tế trang trại (KTTT) đã khẳng định được vị thế trong sản xuất nông nghiệp ở Quảng Trị nhờ phát huy tiềm năng và thế mạnh về đất đai, lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế và đã có bước tiến đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển KTTT còn nhiều vấn đề đặt ra, trong đó có nhiều tiêu chí rất khó đạt để chứng nhận chuẩn trang trại, điều này đòi hỏi sự nỗ lực của chính chủ trang trại cũng như tháo gỡ về mặt chính sách, để trang trại có điều kiện phát triển bền vững.

Lợi ích từ kinh tế trang trại

Những năm qua, việc phát triển KTTT đã tác động tích cực đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển sang sản xuất hàng hóa mũi nhọn, tập trung quy mô lớn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, tạo sự chuyển biến trong khu vực kinh tế nông thôn, nâng cao sức cạnh tranh hàng hoá nông sản, đem lại hiệu quả thiết thực cho nông dân. KTTT đã giải quyết trình trạng nông nhàn ở nông thôn, phân bổ lại dân cư và lao động giữa các vùng, góp phần xóa đói giảm nghèo...

Bên cạnh đó, KTTT còn là hình mẫu tổ chức sản xuất và quản lý kinh doanh theo cơ chế thị trường ở nông thôn mới, đồng thời góp phần đẩy nhanh tốc độ phủ xanh đất trồng, đồi núi trọc.

Xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh là một trong những địa phương có KTTT luôn chiếm ưu thế vượt trội. Với đất đai khá màu mỡ, Vĩnh Thủy đã khai thác tốt lợi thế đó để phát triển các trang trại có quy mô và hiệu quả lớn.

Trên diện tích 10 ha hiện có, ông Đoàn Quang Luật ở thôn Trại Cá, xã Vĩnh Thủy đầu tư phát triển cao su và nuôi cá. Dù với thu nhập từ cây cao su ở thời điểm hiện nay thấp hơn so với những năm trước nhưng với mức lãi 1,5 triệu đồng mỗi ngày thì đây là nguồn thu không nhỏ ở khu vực nông thôn.

Ông Luật cho biết: “Hiện tại giá cao su đang giảm nhưng tôi vẫn đầu tư chăm sóc tốt cho vườn cao su, không cạo ép lô để đảm bảo chất lượng vườn cây tạo ra sản phẩm mủ nhiều, vì thế cây cao su cơ bản vẫn mang lại thu nhập khá. Hơn nữa, việc nuôi cá của tôi cũng khá hiệu quả, trang trại giải quyết việc làm cho nhiều lao động”.

Trang trại là hình thức sản xuất có tính chất quy mô theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra vùng sản xuất lớn, thu hút được nhiều lao động, dễ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất.

Trang trại của ông Nguyễn Văn Dũng ở thôn 5, thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh có diện tích lớn nhất tỉnh Quảng Trị với hơn 90 ha chuyên canh cây cao su, giải quyết việc làm thường xuyên cho 42 lao động. Mặc dù hiện nay giá cao su đang ở mức thấp nhưng năm 2013 ông Dũng có tổng thu nhập từ trang trại cao su hơn 3,2 tỷ đồng.

Còn đối với trang trại chăn nuôi lợn của anh Hồ Văn Dương ở thôn An Bình, Cam Thanh, Cam Lộ thì chỉ với diện tích 7 ha, anh đã xây dựng hệ thống chuồng trại khá quy mô, áp dụng các tiến bộ KHKT vào chăn nuôi nên mỗi năm trang trại của anh xuất bán gần 1.000 con lợn thịt mang về doanh thu hơn 2,7 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động.

Vai trò tích cực và quan trọng của KTTT được thể hiện rõ trên cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Về kinh tế, các trang trại đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị hàng hóa cao, khắc phục dần tình trạng sản xuất manh mún, phân tán trong nông nghiệp, tạo nên những vùng sản xuất hàng hóa tập trung và thâm canh cao. Mặt khác, trang trại góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp và dịch vụ nông thôn. Do đó, KTTT góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng kinh tế trong nông thôn, nông nghiệp.

Về mặt xã hội, phát triển KTTT góp phần tạo thêm việc làm cho lao động, tăng hộ giàu và hộ có đời sống khá trong nông thôn. KTTT cũng góp phần thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, nông nghiệp, tạo tiền đề và tấm gương cho các hộ nông dân học tập cách làm và cách quản lý trong sản xuất nông nghiệp...

Do đó, KTTT góp phần tích cực giải quyết các vấn đề bức xúc và đổi mới bộ mặt nông thôn. Về môi trường, trang trại là loại hình có diện tích tương đối lớn, các chủ trang trại luôn có ý thức bảo vệ phạm vi không gian sinh thái, khai thác hợp lý và quan tâm bảo vệ các yếu tố môi trường của trang trại. Như vậy, trước hết bảo vệ chính mình, sau đó là góp phần tích cực bảo vệ cải tạo môi trường sinh thái trên các khu vực phát triển nông, lâm, thủy sản.

Chỉ có 3% số trang trại đạt chuẩn

Mặc dù đã có những kết quả đáng ghi nhận song KTTT ở Quảng Trị đã bộc lộ khá nhiều hạn chế làm cho quá trình phát triển của mô hình kinh tế này chưa đạt được kết quả như yêu cầu đề ra. Theo tiêu chí trang trại cũ, toàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2010 có 902 trang trại các loại nhưng phần lớn là tổ chức sản xuất theo quy mô nhỏ.

Các trang trại giải quyết việc làm thường xuyên cho 3.965 lao động, bình quân mỗi trang trại có 4,4 lao động, chủ yếu là sử dụng lao động gia đình có trình độ văn hóa cũng như trình độ kỹ thuật, trình độ quản lý thấp.

Vốn đầu tư cho mô hình kinh tế này còn ít, chủ yếu là vốn tự có, nguồn vốn vay chiếm tỷ lệ thấp, hầu hết các trang trại khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Tổng số vốn đầu tư sản xuất của các trang trại vào thời điểm năm 2010 là 144.130 triệu đồng. Bình quân mỗi trang trại có vốn đầu tư chỉ được 160 triệu đồng.

Nếu xét tổng diện tích đất thì trang trại ở Quảng Trị chiếm khá nhiều là 5.656,3 ha, trong đó đất nông nghiệp 2.537,5 ha, đất lâm nghiệp 2.845 ha, đất mặt nước 263,6 ha, đất khác 10,3 ha. Bình quân mỗi trang trại có 6,3 ha.

Tuy nhiên, vấn đề là hiệu quả mà trang trại đưa lại so với diện tích đất mà nó chiếm giữ là quá thấp do chất lượng hàng hóa và tính cạnh tranh còn hạn chế. Tổng giá trị thu nhập mà các trang trại mang lại trong mỗi năm (thời điểm năm 2010) đạt 46.888 triệu đồng.

Bình quân mỗi trang trại thu nhập 52 triệu đồng/năm, trong đó cho thu nhập cao nhất là trang trại chăn nuôi 58,9 triệu đồng/năm, trang trại cho thu nhập thấp nhất là trang trại trồng cây hàng năm 28,8 triệu đồng/năm. Mỗi héc ta đất sản xuất trang trại chỉ tạo ra được giá trị sản phẩm 8,25 triệu đồng/năm. Với mức thu nhập này thì hiệu quả sản xuất trang trại đưa lại chưa bằng thu nhập của hộ gia đình làm nông, thậm chí còn ít hơn nhiều so với các hộ biết đầu tư thâm canh.

Các hộ gia đình vào thời điểm năm 2010 làm lúa cũng đạt hiệu quả 43 triệu đồng/ha/năm, còn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng cây công nghiệp cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần. Trong sản xuất, các trang trại thiếu sự gắn kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, khả năng nắm bắt thị trường và liên doanh, liên kết sản xuất của các trang trại còn kém...

Chính vì vậy nên đến khi rà soát, đánh giá lại tình hình sản xuất của các trang trại theo tiêu chí mới tại Thông tư số 27/2011/ TT-BNNPTNT quy định về tiêu chí trang trại và thủ tục cấp giấy chứng nhận KTTT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì toàn tỉnh Quảng Trị chỉ có 26 trang trại đạt chuẩn, chiếm chưa tới 3% số trang trại cũ, trong đó có 12 trang trại trồng trọt, 5 trang trại chăn nuôi, 2 trang trại lâm nghiệp, 4 trang trại nuôi trồng thủy sản và 3 trang trại tổng hợp.

Như vậy, đến hết năm 2013, tổng lao động của trang trại trên địa bàn tỉnh chỉ còn 228 lao động, bình quân mỗi trang trại có 8,76 lao động. Tổng diện tích đất 553 ha. Bình quân mỗi trang trại đạt 21,26 ha, cao nhất là trang trại cao su có 90,05 ha, trang trại tổng hợp 76,5 ha. Thấp nhất trang trại chăn nuôi có 0,2 ha. Tổng doanh thu 49.888 triệu đồng, bình quân đạt 1.918 triệu đồng/trang trại.

Các trang trại cũ của năm 2010 không đạt tiêu chí trang trại mới là do không đạt cả 2 tiêu chí hoặc không đạt 1 trong 2 tiêu chí về diện tích hoặc giá trị sản lượng (Theo Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, đối với trang trại trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất tổng hợp phải có diện tích 2,1 ha trở lên và giá trị sản lượng hàng hóa đạt 700 triệu đồng/năm. Đối với trang trại chăn nuôi phải đạt giá trị sản lượng hàng hóa từ 1 tỷ đồng/năm trở lên).

Việc hầu hết trang trại cũ không đạt tiêu chí mới đang đặt ra cho tỉnh một thách thức đòi hỏi phải có những giải pháp thích hợp để tiếp tục thúc đẩy loại hình kinh tế này phát triển bền vững.


Related news

Nuôi Tôm Siêu Thâm Canh Trong Nhà Kính Nuôi Tôm Siêu Thâm Canh Trong Nhà Kính

Anh Đinh Vũ Hải (39 tuổi, ngụ ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) đã áp dụng thành công mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong nhà kính. Đây là mô hình nuôi tôm trong nhà kính đầu tiên ở Việt Nam, mở ra hướng phát triển mới cho nghề nuôi tôm ở khu vực ĐBSCL

Thursday. April 11th, 2013
Đưa Giống Mì Mới Năng Suất Cao Vào Sản Xuất Ở Ninh Sơn (Ninh Thuận) Đưa Giống Mì Mới Năng Suất Cao Vào Sản Xuất Ở Ninh Sơn (Ninh Thuận)

Thời điểm hiện nay, nông dân huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) đã thu hoạch xong vụ mì 2012 - 2013, với tổng diện tích hơn 2.600 ha, năng suất bình quân đạt 19 tấn/ha. Mặc dù năng suất giảm 20% so với vụ trước, nhưng nhờ được giá nên hộ trồng mì vẫn lãi từ 12 đến 14 triệu đồng/ha.

Thursday. April 11th, 2013
Công Nghệ Nuôi Gà Mới Ở Công Ty Thái An Ở Bình Định Công Nghệ Nuôi Gà Mới Ở Công Ty Thái An Ở Bình Định

Công ty TNHH Thái An (tại xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn - Bình Định, viết tắt là Công ty Thái An), chuyên nuôi gà thương phẩm và gà giống vừa đầu tư 2 dây chuyền tự động tải thức ăn nuôi gà. Hệ thống được lập trình sẵn, giúp giảm nhiều lao động, tăng lợi nhuận cho người nuôi gà theo phương thức công nghiệp.

Friday. April 12th, 2013
Trồng Tiêu Trên Trụ Cóc Rừng Ở Bình Thuận Trồng Tiêu Trên Trụ Cóc Rừng Ở Bình Thuận

Anh Nguyễn Đức Dũng (51 tuổi) ở thôn Tân Quang, xã Sông Phan, Hàm Tân (Bình Thuận) đã đưa gia đình thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng với mô hình trồng hồ tiêu trên trụ cây cóc rừng.

Friday. April 12th, 2013
Làm Giàu Với Cây Mãng Cầu Xiêm Làm Giàu Với Cây Mãng Cầu Xiêm

Ông Trần Bữu Hoàng, ở ấp Tân Trị 2, xã Tân Phú, huyện Long Mỹ là một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được nhiều người biết đến với mô hình trồng mãng cầu xiêm. Điều đặc biệt là ông biết cách cho cây mãng cầu ra trái theo ý muốn, vì vậy mà quanh năm, mùa nào trái mãng cầu cũng có mặt trên thị trường và thu nhập cả năm lên đến hàng trăm triệu đồng.

Friday. April 12th, 2013