Kim Sơn (Ninh Bình) nắng nóng, cảnh báo nguy cơ dịch bệnh trên tôm nuôi
Tuy nhiên, tình hình thời tiết có nhiều bất lợi, xuất hiện nhiều đợt nắng nóng cục bộ đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm, cảnh báo nguy cơ dịch bệnh bùng phát bất cứ lúc nào.
Người dân lo lắng
Dưới cái nắng gay gắt tháng 5, người nuôi tôm như ngồi trên đống lửa. Nhiệt độ môi trường tăng làm tôm nuôi dễ nhiễm bệnh, dẫn đến nguy cơ thiệt hại cao. ở các xã Kim Hải, Kim Đông, Kim Trung, đã xuất hiện trường hợp tôm chết rải rác, một số chủ đầm đã phải thu “rốc” mặc dù tôm chưa đủ tuổi thu hoạch.
Anh Đoàn Văn Việt, xóm 3, xã Kim Trung cho biết: Tôi có 2 mẫu nuôi tôm thẻ, thả 6 vạn giống từ đầu tháng 2 nhưng thời tiết năm nay bất thuận, nắng nhiều, ít mưa nên tôm chậm lớn. Mấy hôm trước, thấy tôm có hiện tượng chết rải rác nên gia đình phải thu vội, mặc dù tôm mới được 150 con/kg. Đầu tư hơn 10 triệu đồng nhưng gia đình thu về chỉ được 3 - 4 triệu đồng. Theo anh Việt, nhiều khả năng do nắng kéo dài làm đáy ao nóng quá, tôm sinh bệnh.
Chị Trần Thị Dưỡng, xóm 5, xã Kim Hải chia sẻ: Nuôi thủy sản khó lắm. Đợt này ở một vài hộ trong xã đã xảy ra hiện tượng tôm chết nên gia đình cũng khá lo, thường xuyên kiểm tra, theo dõi màu nước liên tục. Tuy nhiên theo nhiều hộ nuôi tôm ở đây cho biết, hiện nay bà con vẫn chỉ theo dõi môi trường nước theo kinh nghiệm, dựa trên màu sắc chứ không có nhiều hộ đầu tư được hệ thống máy móc bài bản, do vậy việc theo dõi này cũng không đảm bảo chuẩn xác.
Xã Kim Hải có trên 280 ha nuôi tôm với gần 500 hộ nuôi, trong đó chủ yếu là diện tích nuôi tôm bán công nghiệp, nuôi quảng canh, diện tích nuôi công nghiệp chỉ khoảng 10 ha. Năm nay, bà con bắt đầu thả giống từ cuối tháng 3 với số lượng trên 27 triệu con, tuy nhiên do ít mưa (từ đầu vụ đến giờ chỉ có 2 - 3 đợt mưa lớn) nên môi trường nước kém, tôm phát triển chậm. Ông Nguyễn Ngọc Bích, Phó chủ nhiệm HTX thủy sản Kim Hải cho biết: Nhiều năm trở lại đây, người nuôi tôm ở đây phải đối mặt với nhiều rủi ro bởi nguồn nước ô nhiễm, thời tiết diễn biến bất thường.
Trong khi đó, việc tiếp thu KHKT của bà con còn nhiều hạn chế, do vậy dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Thời điểm này đang là giai đoạn khó khăn đối với người nuôi tôm bởi thời tiết liên tục nắng nóng. Những ngày qua, 3 hộ nuôi trong xã đã xảy ra hiện tượng tôm chết, HTX đã hướng dẫn các hộ này xử lý ao đầm theo đúng quy trình. Hiện nay, bà con ở đây rất mong được nhà nước hỗ trợ Chlorine để xử lý nguồn nước trước khi bơm thải ra môi trường nhằm hạn chế mầm bệnh lây lan ra diện rộng.
Chủ động phòng ngừa
Theo ông Vũ Minh Hoàng, Chi cục phó Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp & PTNT): Để chống nóng, chăm sóc và quản lý tốt tôm nuôi, bà con cần lưu ý các biện pháp: Bổ sung nước cho ao nuôi, duy trì mức nước trong ao nuôi từ 1,2 – 1,4m trở lên để tránh hiện tượng tôm bị sốc do nhiệt độ môi trường tăng cao. Đặc biệt lưu ý những ngày nắng nóng có thể áp dụng một số biện pháp che chắn nhằm giảm cường độ nắng xuống ao (lưới chống nắng, thả bèo tây…).
Tăng cường các biện pháp gia tăng oxy hòa tan trong ao nuôi (sục khí, quạt nước, bơm…) nhất là đối với diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh mật độ cao. Thức ăn bổ sung cho thủy sản nuôi cần đảm bảo đủ chất lượng, số lượng và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tôm. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm chất khoáng và Vitamin vào khẩu phần ăn nhằm tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi. Định kỳ sử dụng vôi và một số loại chế phẩm sinh học cải thiện chất lượng nước phòng bệnh tổng hợp cho thủy sản.
Khi phát hiện ao nuôi có hiện tượng tôm chết cần kịp thời khoanh vùng, báo cáo kịp thời về các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. Trên thực tế, đã có không ít nông dân thực hiện khuyến cáo của ngành Nông nghiệp kết hợp với kinh nghiệm sản xuất của bản thân, từ đó giúp con tôm trụ vững trong mùa nắng nóng
Được biết, hiện nay Sở Nông nghiệp & PTNT đang chỉ đạo Chi cục Thủy sản tăng cường công tác kiểm tra hoạt động sản xuất vùng bãi bồi, đặc biệt là những vùng nuôi tập trung, chỉ đạo nuôi theo đúng lịch thời vụ, theo dõi tình hình dịch bệnh. Thường xuyên quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi, kịp thời đưa ra những khuyến cáo và thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng cho người dân nắm bắt thông tin và chủ động phòng, chống.
Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về mua bán và sử dụng thức ăn, hóa chất cấm, chế phẩm sinh học không có trong danh mục được phép lưu hành, con giống không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch, những trường hợp xả thải nước nuôi chưa qua xử lý, có chứa mầm bệnh ra môi trường xung quanh, bơm bùn đáy ao ra kênh rạch tự nhiên. Đối với Chi cục Thú y, theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh, khi phát hiện kịp thời khoanh vùng dập dịch để tránh lây lan.
Năm nay, thời tiết dự báo sẽ có diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của những đợt nắng nóng kéo dài kèm theo đó là những cơn mưa chuyển mùa với lượng mưa lớn gây ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản, nhất là hoạt động nuôi tôm nước lợ. Do đó, người nuôi tôm cần quan tâm theo dõi những bản tin dự báo thời tiết của Trung tâm Khí tượng thủy văn, chủ động hơn trong việc ứng phó, có những biện pháp, giải pháp phòng tránh thiệt hại cho tôm nuôi.
Related news
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thuỷ văn Hà Tĩnh, những ngày tới, trên địa bàn chịu ảnh hưởng rãnh áp thấp bị nén bởi lưỡi áp cao lạnh lục địa và đới gió Đông trên cao có xu thế hoạt động mạnh lên, nên từ ngày 15-19/9, sẽ xuất hiện đợt mưa lớn diện rộng toàn tỉnh.
Ngày 9/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai đã công bố kết quả kiểm tra, giám sát đối với 6 hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn thành phố Biên Hòa.
Theo tiến sĩ Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, phần lớn diện tích lúa hè thu đang bước vào giai đoạn làm đòng, chín sữa. Do tác động xấu của thời tiết nên nhiều diện tích lúa bị sâu, bệnh gây hại.
Mặc dù diện tích thả nuôi tăng mạnh nhưng sản lượng thu hoạch chỉ đạt xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái nên ngành nông nghiệp Kiên Giang khó có thể đạt mục tiêu 52.000 tấn tôm nuôi trong năm 2015.
Những ngày này, đến các xã An Khương, huyện Hớn Quản và xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, đi dọc con đường đất đỏ dẫn vào thôn ấp, đâu đâu cũng thấy những cánh đồng sắn (đậu củ) bạt ngàn, xanh ngắt một màu. Năm nay, sắn được mùa, giá thành cao nên người trồng phấn khởi. Trên những cánh đồng sắn, nông dân với không khí rộn ràng vào mùa thu hoạch. Hộ dân hoán đổi công cho nhau để sắn nhà nào cũng được thu hoạch và xuất bán dứt điểm trong thời gian ngắn nhất nhằm đảm bảo cung ứng nhu cầu của thị trường trong dịp lễ Vu Lan và rằm tháng Tám sắp tới.