Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Dũng Bồ Câu Và Hành Trình Trở Thành Ông Chủ

Dũng Bồ Câu Và Hành Trình Trở Thành Ông Chủ
Publish date: Wednesday. December 10th, 2014

Anh Trần Minh Dũng, 37 tuổi, ở khu phố Phú Hội, phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương hiện sở hữu 4 nhà hàng mang tên Dũng “bồ câu” và gần 20 trại nuôi chim bồ câu đặt tại 6 tỉnh, thành miền Đông Nam bộ và Nam Trung bộ. Bình quân mỗi tháng các trại bồ câu mang về số lượng chim thươngAnh Trần Minh Dũng, 37 tuổi, ở khu phố Phú Hội, phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương hiện sở hữu 4 nhà hàng mang tên Dũng “bồ câu” và gần 20 trại nuôi chim bồ câu đặt tại 6 tỉnh, thành miền Đông Nam bộ và Nam Trung bộ. Bình quân mỗi tháng các trại bồ câu mang về số lượng chim thương phẩm từ 3.000 - 5.000 cặp. Để trở thành ông chủ như hôm nay là cả một hành trình đối với Dũng “bồ câu”.

Dám nghĩ, dám làm

Khác với sự tưởng tượng về một ông chủ trang trại đang ăn nên làm ra, Dũng “bồ câu” làm chúng tôi ngạc nhiên khi gặp bởi nét bình dị, nhiệt tình và dễ mến.

Nếu không được ông Phan Văn Nhàn, Chủ tịch Hội Nông dân phường Vĩnh Phú cho biết trước thì chúng tôi khó có thể nghĩ đó là một ông chủ đang sở hữu gần 20 trại nuôi chim bồ câu đặt tại 6 tỉnh, thành và còn là ông chủ của 4 nhà hàng ở Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Để có được thành quả như hôm nay Dũng “bồ câu” đã từng trải qua quãng thời gian vô cùng khó khăn. Anh kể: “Năm 1994, khi mới 17 tuổi tôi làm nhân viên phụ nhà hàng.

Thấy heo sữa bán cho nhà hàng được giá nên tôi xin gia đình đầu tư vốn nuôi heo rừng lai. Tin tưởng ở con, ba mẹ tôi rút hết số tiền mà bao năm dành dụm để mua 50 con heo rừng lai làm giống. Tôi học hỏi kinh nghiệm và được sự tư vấn của gia đình nên các con heo giống lần lượt cho ra đời những đàn heo con. Nhờ vậy mà tôi nhanh chóng gửi lại ba mẹ số tiền đã đầu tư cho tôi nuôi heo”.

Nghe anh Dũng kể chúng tôi trầm trồ khen ngợi tài năng của anh, bởi ở lứa tuổi đó không phải ai cũng làm được như anh. “Thời đó, mỗi lần chứng kiến nhà hàng nhận heo sữa người nuôi giao, tôi nhìn mà “thèm” lắm. Lúc đó tôi chỉ nghĩ mình phải làm cho được mô hình nuôi heo này. Họ nuôi thành công và bán được heo sữa thì mình còn trẻ cũng phải làm được”, Dũng nói.

Tuy nhiên, chỉ sau mấy năm nuôi heo rừng lai thành công, thay vì tiếp tục theo nghề này thì anh Dũng nghe lời ông chủ nhà hàng quay sang nuôi chim bồ câu. Không một chút hiểu biết về kỹ thuật nuôi con vật này, cũng như cách chọn giống nên anh đã thất bại ngay lần thử nghiệm đầu tiên.

Anh Dũng chia sẻ: “Năm 2000, tôi đã tự tin và quyết chí chuyển sang nuôi chim bồ câu, bởi tôi nghĩ mình sẽ thành công như nuôi heo rừng lai. Với số ít tiền tích cóp được khi nuôi heo trước đó không đủ để đầu tư nuôi bồ câu, tôi lại một lần nữa thuyết phục ba mẹ thế chấp miếng đất 500 triệu đồng để tôi nuôi chim bồ câu.

Thế nhưng, do chưa có kinh nghiệm, toàn bộ số lượng chim giống tôi mua về thuộc loại nhỏ, không đủ trọng lượng, thân có màu đen và khi ăn có mùi tanh nên không một nhà hàng nào chịu mua. Ăn không hết, bán không được, phần tôi mang cho bà con chòm xóm, phần tôi thả cho chúng tự do”.

Thoáng nét buồn trên gương mặt, Dũng “bồ câu” kể tiếp, sau đợt nuôi chim bồ câu đó, anh không chỉ trắng tay mà còn làm mất hết số vốn của gia đình nên rất chán nản. Trong lúc đang thất vọng thì anh Dũng được một người chú họ từ Đài Loan động viên tiếp tục theo đuổi mô hình nuôi chim bồ câu.

Qua trò chuyện chúng tôi được biết trước đây, khi người chú họ của anh về Việt Nam sau đó không có tiền sang lại Đài Loan, anh đã biếu chú số tiền khá lớn để mua vé máy bay và đi đường. Cảm động trước nghĩa cử của anh, người chú họ đã quay lại giúp anh thành công với mô hình nuôi chim bồ câu. Được người chú không chỉ đầu tư vốn mà còn cử người từ Đài Loan sang chỉ dạy kỹ thuật chọn giống và chăm sóc chim bồ câu, anh Dũng lại nuôi hy vọng và quyết chí thành công với mô hình này một lần nữa.

Thành công nhờ biết áp dụng công nghệ

Năm 2007, nhờ nắm được kỹ thuật chăm sóc chim bồ câu, Dũng “bồ câu” đã gây đàn, mở rộng quy mô nuôi bồ câu. Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi, qua các phương tiện truyền thông, anh biết ở nước ngoài người ta áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi bồ câu và đem lại hiệu quả cao nên quyết định chọn cho mình một lối đi riêng.

Anh tìm sang Thái Lan, châu Âu tìm hiểu kỹ hơn về đặc tính của con chim bồ câu Pháp, kỹ thuật nuôi và ứng dụng công nghệ để đạt hiệu quả. Về nước, anh đầu tư chuồng trại, nuôi chim trong lồng, rồi đến nhà máy nhựa đặt hàng làm máng ăn, máng uống tự động cho chim. Đối với phân chim, anh chặn lưới phía dưới rồi phun thuốc khử mùi để bảo đảm vệ sinh môi trường cũng như chống khả năng gây mầm bệnh. Do đó, cứ 2 tháng anh mới phải vệ sinh chuồng trại một lần.

Hiện nay, tại Bình Dương, anh Dũng đang nuôi 500 cặp bồ câu siêu thịt, 100 bồ câu gà và gần 1.000 cặp bồ câu Pháp. Theo anh, 3 loại bồ câu này đều đẻ mỗi lứa 2 con. Loại bồ câu siêu thịt lớn con, cho nhiều thịt; khi xuất bán mỗi cặp bình quân nặng khoảng 1 - 1,4kg. Loại này từ khi nở đến khi xuất bán chỉ khoảng 28 ngày; chim thương phẩm có giá bình quân 140.000 đồng/cặp, chim giống giá 100.000 đồng/ cặp.

Bồ câu gà con to hơn, mỗi con bình quân nặng khoảng từ 1 - 1,2kg khi xuất bán. Bồ câu loại này từ khi nở đến khi xuất bán chỉ khoảng 1 tháng; chim thương phẩm giá bình quân 800.000 đồng/cặp và chim giống giá khoảng 1 triệu đồng/cặp. Riêng bồ câu Pháp khi xuất bán mỗi con nặng chỉ khoảng 0,5kg, chim thương phẩm có giá bình quân 100.000 đồng/cặp và chim giống 200.000 đồng/cặp. Hiện anh sở hữu hơn 900 cặp bồ câu giống.

Dũng “bồ câu” cho biết hàng tuần, anh đều cung cấp chim thương phẩm cho thị trường Bình Dương và TP.HCM với gần 700 con bồ câu các loại. Tại Bình Dương, bồ câu của anh có mặt tại các nhà hàng lớn như Dìn Ký, Phương Nam… Riêng Nhà hàng Minh Dũng “Bồ câu” ở phường Vĩnh Phú do anh làm chủ cũng bán được từ 30 - 40 con bồ câu/ ngày. Nếu mỗi cặp bồ câu có giá 100.000 đồng, trừ chi phí người nuôi còn lãi ròng 60.000 đồng.

Nhờ thành công với con bồ câu mà anh được nhiều người yêu mến tặng cho biệt danh Dũng “Bồ câu”. Ngoài thị trường Bình Dương và TP.HCM, tại Bà Rịa - Vũng Tàu anh còn có 3 nhà hàng và trại nuôi bồ câu với quy mô hơn 2.000 cặp bồ câu giống các loại. Tại các tỉnh Nam Trung bộ anh còn đặt bà con nuôi để bao tiêu chim thương phẩm. Hàng tháng, anh gom về từ 3.000 - 5.000 cặp bồ câu để xuất đi các nơi.

Bên cạnh nuôi chim bồ câu, anh Dũng còn nuôi thêm 200 con heo thịt và heo rừng lai, gần 500 con gà thả vườn để đáp ứng nhu cầu của khách khi đến nhà hàng. Như vậy, chỉ tính riêng thu nhập từ nguồn nuôi chim bồ câu, bình quân mỗi năm anh thu về hàng trăm triệu đồng.

Chia sẻ về bí quyết thành công của mình, anh Dũng nói điều quan trọng nhất là khả năng tự học, tự đúc rút kinh nghiệm, đặc biệt là áp dụng công nghệ trong quá trình xây dựng mô hình chuồng trại chăn nuôi. Và, một khi đã chọn cho mình một lối đi riêng thì nhất thiết phải thực hiện cho bằng được lối đi mà mình đã chọn.

Mong góp sức giúp bà con nghèo

Dũng “bồ câu” tâm sự, anh đã đến một số vùng nông thôn, bà con nông dân mình rất chăm chỉ, chịu khó, không quản mưa nắng nhưng thu nhập còn khó khăn.

Hiện nay thị trường chim thương phẩm bồ câu còn lớn, ngay chính anh cũng không đủ hàng để giao cho khách, nếu bà con có thể làm mô hình này sẽ góp phần cải thiện cuộc sống. Anh khẳng định sau bao năm gắn bó với nghề nuôi chim bồ câu, anh thấy rõ một điều đây là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao.

“Tôi muốn mang đến “cần câu” cho những người nghèo khó để họ dần có cuộc sống ổn định, vượt qua khó khăn. Do đó, tôi sẵn sàng bao tiêu hết sản phẩm chim thương phẩm bồ câu cho bà con, kết hợp với hình thức hỗ trợ giảm 50% giá con giống và xây dựng chuồng trại. Để nuôi bồ câu thành công, tôi sẽ cho người đến hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc chim bồ câu trong một tháng”, anh Dũng nói.

Nhận xét về Dũng “bồ câu”, ông Phan Văn Nhàn, Chủ tịch Hội Nông dân phường Vĩnh Phú, nói: “Anh Dũng là hội viên nông dân rất nhiệt tình hướng dẫn cho những ai muốn tìm hiểu và nuôi chim bồ câu. Nhiều năm liền anh được tuyên dương là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh”.

Nguồn bài viết: http://baobinhduong.vn/dung-bo-cau-va-hanh-trinh-tro-thanh-ong-chu-a106510.html


Related news

Nuôi Tôm, Cá Nước Lợ Xen Ghép Được Mùa, Giá Cao Nuôi Tôm, Cá Nước Lợ Xen Ghép Được Mùa, Giá Cao

Ông Lê Bình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho hay, tôm thẻ chân trắng thả nuôi dần kiểm soát được dịch bệnh tốt hơn tôm sú. Hiện tôm thẻ chân trắng trên thị trường có kích cỡ 100 con/kg, giá 100.000 đồng/kg và 50 con/kg, giá 150.000 đồng/kg đã giúp người nuôi trồng thủy sản có lãi cao, tiếp tục đầu tư cải tạo ao hồ chuẩn bị cho vụ nuôi thả mới.

Tuesday. July 8th, 2014
Mỹ Điều Chỉnh Thuế Nhập Khẩu Đối Với Cá Tra Việt Nam Mỹ Điều Chỉnh Thuế Nhập Khẩu Đối Với Cá Tra Việt Nam

Theo quyết định của Bộ Thương mại Mỹ, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn được đưa ra khỏi danh sách điều tra lần này và tiếp tục hưởng mức thuế 0%, trong khi thuế suất áp dụng cho tập đoàn Hùng Vương và 23 công ty khác giảm mạnh từ 1,2 USD/kg xuống còn 0,58 USD/kg.

Tuesday. July 8th, 2014
Công Bố Hết Dịch Đốm Trắng Ở Tôm Công Bố Hết Dịch Đốm Trắng Ở Tôm

Ngày 3/7/2014, UBND tỉnh có Quyết định số 3088/QĐ-UBND về việc công bố hết dịch đốm trắng ở tôm trên địa bàn xã Hưng Hòa, Thành phố Vinh và xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc; vùng bị dịch uy hiếp tại xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Tuesday. July 8th, 2014
Triển Vọng Từ Mô Hình Sản Xuất Lươn Giống Triển Vọng Từ Mô Hình Sản Xuất Lươn Giống

Chuyên môn là kỹ sư tự động hóa nhưng sức hút và niềm đam mê nuôi lươn đã trở thành động lực khiến anh trở thành “kỹ sư thủy sản” lúc nào không hay. Với việc tạo ra lươn sinh sản thành công, chàng trai trẻ Hồ Văn Trung đang phát triển mô hình nuôi lươn không bùn cho hiệu quả kinh tế cao…

Tuesday. July 8th, 2014
Cá Rô Đầu Vuông Gặp Khó Đầu Ra Cá Rô Đầu Vuông Gặp Khó Đầu Ra

Cá rô đầu vuông một thời là vật nuôi chủ lực của nhiều địa phương vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, do thị trường không ổn định, giá thức ăn liên tục tăng nên hiện tại hàng ngàn hộ nuôi cá rô đầu vuông trong khu vực đang gặp rất nhiều khó khăn.

Wednesday. July 9th, 2014