Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khuyến Nông Phải Liên Kết Với Doanh Nghiệp

Khuyến Nông Phải Liên Kết Với Doanh Nghiệp
Publish date: Wednesday. April 23rd, 2014

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: Ngành khuyến nông phải tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp để xây dựng mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm.

Tại Hội thảo “Đổi mới công tác khuyến nông phục vụ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp” diễn ra vào sáng qua (22/4), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: Ngành khuyến nông phải tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp để xây dựng mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm.

Cơ chế, chính sách nhiều trói buộc

Thực hiện Nghị định 02 của Chính phủ về Khuyến nông, trong những năm qua hoạt động khuyến nông đã có những bước đổi mới như: thực hiện theo cơ chế dự án, kinh phí đầu tư được tập trung cho các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của Bộ, ngành. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn nhiều mặt tồn tại.

Theo ông Phan Huy Thông, GĐ Trung tâm KNQG, trong giai đoạn 2011 – 2014, kinh phí khuyến nông Trung ương của Bộ được phân bổ bình quân khoảng 240 tỷ đồng/năm. Trong đó các dự án khuyến nông Trung ương chiếm khoảng 80%; nhiệm vụ khuyến nông thường xuyên (thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn) chiếm 18% và kinh phí quản lý, kiểm tra chiếm 2%. Cơ cấu kinh phí như vậy là bất hợp lý, bởi thông tin tuyên truyền và đào tạo tập huấn là hoạt động chủ yếu của công tác khuyến nông để đảm bảo hiệu quả bền vững theo nguyên tắc “cho cần câu và cách câu hơn là cho con cá”.

Công tác xây dựng, thẩm định, phê duyệt dự án khuyến nông cũng đang gặp phải nhiều vướng mắc. Theo quy định của Thông tư 38 do Bộ NN-PTNT ban hành (nay là Thông tư 15), dự án khuyến nông Trung ương phải thực hiện trên phạm vi từ 3 tỉnh trở lên.

Như vậy, nhu cầu thực tiễn của từng địa phương thường ít được xem xét trong quá trình xác định dự án. Bên cạnh đó, quy trình xét chọn, đấu thầu cạnh tranh các dự án khuyến nông cũng đang bộc lộ nhiều điểm chưa hợp lý. Việc đánh giá, chấm điểm dự án chủ yếu dựa vào bản trình bày thuyết minh dự án (trên lý thuyết), chưa có các tiêu chí phù hợp để đánh giá năng lực thực hiện của đơn vị chủ trì.

“Điều này có thể dẫn đến hiện tượng Trung tâm khuyến nông tỉnh A thực hiện dự án khuyến nông tại tỉnh B, còn khuyến nông tỉnh B dù có đủ năng lực nhưng chỉ vì không chú tâm vào khâu trình bày thuyết trình dự án nên không được cấp kinh phí thực hiện”, ông Thông nhấn mạnh.

Các định mức kinh tế kỹ thuật, chính sách khuyến nông hiện nay theo Nghị định 02 chủ yếu phù hợp với nhóm đối tượng kinh tế nông hộ quy mô nhỏ, không phù hợp với xu thế phát triển sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn như: SX theo quy trình GAP, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị…

Xã hội hóa công tác khuyến nông

Bàn về việc phân bổ nguồn kinh phí hoạt động khuyến nông, ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác, cho rằng: “Bộ NN-PTNT nên dành một phần kinh phí hoạt động khuyến nông cho Sở NN-PTNT các tỉnh. Vì mỗi tỉnh xây dựng một Đề án phát triển nông nghiệp riêng và giao cho Sở NN-PTNT triển khai thực hiện, nhiều khi không trùng với chủ trương của Bộ. Ở tỉnh Lào Cai, có lần Trung ương cấp cho một nguồn kinh phí khá lớn để xây dựng mô hình chè đắng và cây mắc ca. Nhưng, tỉnh lại không chủ trương phát triển những loại cây đó. Thế là mô hình thì vẫn làm nhưng không thể nhân rộng được".

Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, chia sẻ: Những mô hình có nguồn vốn đối ứng của người dân hoặc doanh nghiệp thì tỷ lệ thành công cao và tạo ra động lực để kích thích sản xuất lớn. Còn dự án nào mang tính chất xin cho thì khó có thể mở rộng. Vì thế, việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác khuyến nông có ý nghĩa rất lớn. Cần có cơ chế phân bổ một phần kinh phí cho một số doanh nghiệp lớn để khuyến khích họ xây dựng mô hình, hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp cho bà con…

Phải sớm sửa đổi Thông tư 15

“Trong công tác khuyến nông, chúng ta phải phát huy cao hơn vai trò của khuyến nông xã hội và cơ chế hợp tác công - tư, đặc biệt là sự tham gia của các doanh nghiệp để tập trung nguồn lực. Làm sao một đồng vốn nhà nước bỏ vào sẽ huy động được nhiều đồng vốn của xã hội thì mới triển khai mạnh mẽ, sâu rộng được” – Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Đánh giá cao sự đóng góp của Khuyến nông trong chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất cho nông dân, song Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chỉ ra không ít điểm tồn tại của công tác khuyến nông trong thời gian vừa qua. Việc chỉ đạo công tác khuyến nông của Bộ vẫn chưa tập trung, triển khai một số nhiệm vụ còn chậm trễ. Hệ thống khuyến nông cơ sở nhiều khó khăn, bất cập. Và, chúng ta cũng chưa có cơ chế để phát huy sự đóng góp cao của các tổ chức khuyến nông xã hội, nhất là phối hợp với các doanh nghiệp một cách nhuần nhuyễn.

“Dường như, chúng ta nghĩ rằng làm khuyến nông là làm mô hình, và dành rất nhiều tiền cho mô hình (khoảng 70% tổng nguồn vốn), thế nên nội dung của công tác khuyến nông chưa được linh hoạt, sâu rộng”, Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng, phương hướng chính mà chúng ta cần đổi mới là phải thúc đẩy chuyển giao đồng bộ gói tiến bộ kỹ thuật (bao gồm tất cả những kiến thức kỹ thuật lẫn kiến thức về quản lý và tổ chức sản xuất) để đem lại hiệu quả cao hơn. Thứ nữa, phải phát huy vai trò của đội ngũ khuyến nông cơ sở; vai trò của khuyến nông xã hội và hình thức hợp tác công – tư.

Bộ trưởng cho rằng, cái vướng lớn nhất trói buộc hoạt động khuyến nông là ở Thông tư 15. Việc đầu tiên là phải sửa thông tư làm sao để những quy định về cơ chế đề xuất và lựa chọn dự án khuyến nông không bị hành chính hóa. Các dự án khuyến nông Trung ương đều có quy mô lớn (vùng miền). Mỗi dự án lớn, phải bao gồm nhiều dự án hợp phần phù hợp với điều kiện từng địa phương.

Vì thế các Cục và Tổng cục phải đề xuất và chịu trách nhiệm về đề xuất của mình. Vụ Khoa học Công nghệ Môi trường cùng Trung tâm KNQG nghiên cứu lập danh mục các dự án khuyến nông của Bộ. Bộ sẽ họp bàn để lựa chọn và áp dụng cơ chế đặt hàng thay cho cơ chế đấu thầu.

Kinh phí của công tác tập huấn, tuyên truyền, tư vấn cũng được phân bổ nhiều hơn để nâng cao hiệu quả. “Tóm lại, những nội dung nào Thông tư 15 trói buộc công tác khuyến nông so với Nghị định 02 của Chính phủ thì phải tháo gỡ nó ra”, Bộ trưởng nói.


Related news

Luân canh tôm - lúa: Lợi bội phần Luân canh tôm - lúa: Lợi bội phần

Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi năm 2016, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT TP.Cần Thơ tổ chức ngày 23.11.

Saturday. November 26th, 2016
Thu tiền tỷ từ vườn tiêu xen cà phê hữu cơ Thu tiền tỷ từ vườn tiêu xen cà phê hữu cơ

Mô hình trồng tiêu xen canh cà phê theo phương pháp hữu cơ trên cùng một diện tích của chàng trai quê Gia Lai cho lợi nhuận gấp 3 lần

Saturday. November 26th, 2016
Trồng nấm sạch kiếm tiền tỷ mỗi năm Trồng nấm sạch kiếm tiền tỷ mỗi năm

Mạnh dạn chuyển đổi sang trồng nấm sạch, trung bình mỗi năm ông Phạm Quốc Hương (Ninh Bình) có thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng.

Monday. November 28th, 2016
Từ hai bàn tay trắng trở thành chủ của đàn bò gần 300 con Từ hai bàn tay trắng trở thành chủ của đàn bò gần 300 con

Sau 18 năm chăm sóc và gây dựng, từ hai bàn tay trắng, đến nay, gia đình anh Xá đang sở hữu trong tay gần 300 con bò với giá trị hơn 3 tỷ đồng

Monday. November 28th, 2016
Ông trùm nuôi trâu vùng rốn phèn Ông trùm nuôi trâu vùng rốn phèn

Hơn chục năm ròng mải mê với đàn trâu rồi làm giàu cũng từ đó, anh Nguyễn Hồng Ngự được mọi người đặt biệt danh là trùm nuôi trâu miền Tây

Monday. November 28th, 2016