Khuyến Khích Phát Triển Kinh Tế Trang Trại, Hợp Tác Xã
Kinh tế trang trại, hợp tác xã là điều kiện không thể thiếu trong việc thúc đẩy xây dựng nông thôn mới hiện nay. Ở huyện Hàm Yên, thời gian gần đây, cùng với việc hình thành các vùng chuyên canh tập trung, sự ra đời của các trang trại và hợp tác xã (HTX) đã tạo một cú huých đáng kể trong thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực nông thôn..
HTX Dịch vụ tổng hợp Phong Lưu, xã Phù Lưu được thành lập năm 2008, 1 năm sau khi cam sành Hàm Yên được công nhận thương hiệu. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cam cho xã viên và nông dân trên địa bàn, Ban quản trị HTX đã thực hiện các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng dịch vụ bằng các hình thức như chủ động tổ chức thu mua cam tại vườn, cắt bán những vườn chín trước; thường xuyên nắm bắt thông tin, giá cả thị trường từng ngày tại các chợ đầu mối; chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tìm kiếm, mở rộng thị trường tại các siêu thị ở Hà Nội và các chợ đầu mối hoa quả ở các tỉnh, thành phố lớn như Nghệ An, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Phúc Yên...
Ông Nông Văn Nghiệp, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ tổng hợp Phong Lưu cho biết: Số vốn góp của xã viên tham gia kinh doanh theo vụ đạt trên 1 tỷ đồng. Để đảm bảo lợi ích cho bà con, xã viên, vụ thu hoạch hàng năm, HTX chủ động thông tin cho các hộ có vườn cam đạt tiêu chuẩn và xây dựng lịch thu mua sản phẩm cho xã viên để có kế hoạch thu hái hợp lý, HTX thanh toán trực tiếp theo sản lượng đã mua.
Vụ cam năm vừa qua, HTX đã ký được hợp đồng bán trong Siêu thị BigC (Hà Nội) trên 171 tấn quả, còn lại bán ngoài thị trường trên 250 nghìn tấn quả, tổng doanh thu đạt trên 3,3 tỷ đồng. Hàng năm, HTX luôn được UBND huyện bố trí một phần kinh phí hỗ trợ tham gia xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm không chỉ ở các tỉnh phía bắc mà còn mở rộng đến các tỉnh phía nam.
HTX Phong Lưu là một trong số ít các HTX dịch vụ hoạt động có hiệu quả. Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hàm Yên, hiện toàn huyện có 28 HTX hoạt động, trong đó đa phần là các HTX nông lâm nghiệp. Những HTX này chủ yếu làm nhiệm vụ cung ứng giống, phân bón cho bà con nông dân và xã viên trong khu vực, chỉ một số ít HTX năng động mở rộng hoạt động dịch vụ buôn bán, kinh doanh, khai khoáng hoặc xây dựng. Tuy ít, nhưng con số này đã tìm được chỗ đứng, khẳng định được tính cạnh tranh trong thời điểm hiện nay và là cơ sở để huyện có những hỗ trợ tích cực hơn, cụ thể hơn cho thành phần kinh tế này.
Ở thôn 5 Thống Nhất, xã Yên Phú, trang trại tổng hợp rộng trên 20 ha của anh Hà Văn Nhất được nhiều người đến học tập kinh nghiệm. Anh Nhất cho biết: Hiện trang trại của gia đình anh bao gồm 5 ha cam, 13 ha keo, 1 ha ao, 1 khu vực chăn nuôi lợn đen... Tổng thu nhập của toàn bộ trang trại hiện đạt trên vài tỷ đồng, trong đó riêng cam đã cho thu trên 2 tỷ đồng/năm.
Cùng với việc đầu tư giống, phân bón, anh Nhất thường xuyên giữ mối liên hệ với các tổ chức, các đơn vị liên quan để có những hướng dẫn chính xác nhất, cụ thể nhất về khoa học kỹ thuật cũng như các giống cây, con mới. Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với trang trại của anh Nhất cũng như đối với nhiều trang trại khác của huyện Hàm Yên là chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì thế, khi có khó khăn về kinh tế hoặc khi muốn đầu tư mở rộng quy mô, đầu tư thêm cây con mới... không có cơ sở đảm bảo để vay vốn ngân hàng.
Theo anh Đàm Ngọc Hưng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hàm Yên, thời gian qua, công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, quản lý, điều hành HTX, cho vay vốn đã được quan tâm. Đã có nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế trang trại tổng hợp mang lại thu nhập cao từ trên 200 triệu đồng đến trên 800 triệu đồng/năm. Số lượng các trang trại chủ yếu tập trung ở các khu vực trồng nhiều cam như Phù Lưu, Yên Thuận, Yên Lâm, Tân Thành...
Huyện đã triển khai đầy đủ kịp thời các cơ chế chính sách về khuyến khích cho kinh tế hộ, kinh tế tập thể phát triển, hoạt động của các HTX từng bước được củng cố. Tuy nhiên, đối với các HTX hiện còn một số khó khăn như tính liên kết giữa các hộ xã viên chưa cao, nguồn vốn đảm bảo hoạt động còn hạn chế, các khâu dịch vụ còn tự phát...
Để kinh tế trang trại và kinh tế HTX phát triển hơn nữa trong tương lai, trong thời gian tới đây, huyện tập trung khuyến khích các hộ gia đình phát triển nuôi, trồng cây, con mới có giá trị kinh tế cao và những cây trồng, vật nuôi gắn với loài cây, con chủ lực để sản xuất hàng hóa. Huyện củng cố, đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX, xây dựng các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả để nhân rộng, nhất là các HTX nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Related news
Riêng THT chôm chôm Phú Phụng và THT bưởi da xanh xã Nhơn Thạnh (Bến Tre) được công nhận GlobalGAP. Mỗi THT có diện tích từ 3 đến dưới 20ha. Chi phí đầu tư cho THT được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP thấp nhất hơn 100 triệu đồng và cao nhất hơn 700 triệu đồng. Chứng nhận GlobalGAP có thời hạn 3 năm nhưng mỗi năm phải tiến hành tái chứng nhận.
Theo kế hoạch, ngày 31-10 Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa năm 2014 sẽ được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là kết quả của Chương trình hợp tác phát triển thương mại giữa Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh và Sở Công thương các tỉnh, thành. Theo dự kiến sẽ có 27 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh tham gia chương trình.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết quý 3, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,276 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2013.
Vì vậy, nghề nuôi bò sữa được xem là có đầu ra ổn định ngay tại thị trường trong nước và cần phải có một bước đột phá lớn để có thể cung ứng đủ lượng sữa ra thị trường. Nhưng hiện tại, một số nông hộ chăn nuôi bò sữa tại TP.Hồ Chí Minh đang gặp khó trăm bề.
Để khai thác hiệu quả diện tích đất sản xuất, nâng cao thu nhập, tái tạo môi trường sinh thái thích hợp cho cây cà phê, nhiều hộ nông dân trong tỉnh đã chọn giải pháp trồng xen các loại cây ăn quả, cây rừng vào vườn cà phê. Cách làm này thực sự đã mang lại lợi ích nhiều mặt cho bà con nông dân.