Khoai Tây Trung Quốc Lại Đổ Về Đà Lạt

Khoai tây Trung Quốc đổ về Đà Lạt năm nay khá sớm và nhiều khiến cơ quan chức năng Đà Lạt - Lâm Đồng phải tăng cường kiểm soát.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng vừa phối hợp với Phòng Kinh tế Đà Lạt và Chi cục Quản lý thị trường Lâm Đồng kiểm tra lô hàng 14 tấn khoai tây Trung Quốc nhập về chợ Nông sản Đà Lạt đầu tuần này.
Chủ lô hàng xuất trình đầy đủ các loại giấy tờ như hải quan, kiểm dịch, nhưng chi cục vẫn phải lấy mẫu để kiểm tra dư lượng kim loại nặng. Kết quả không phát hiện các chất độc hại trong lô khoai tây này.
"Thông thường, qua kiểm tra định tính nếu phát hiện có dư lượng thì mẫu nông sản đó tiếp tục được gửi về Trung tâm kiểm định và khảo nghiệm Thuốc bảo vệ thực vật phía Nam, hoặc Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt để kiểm tra theo từng chỉ tiêu. Nếu kết quả có dư lượng kim loại nặng vượt ngưỡng, chủ hàng phải chịu mọi chi phí kiểm nghiệm và tổ chức tiêu hủy lô hàng", bà Tuyết nói.
Đại diện Chi cục Quản lý thị trường cho biết, thông thường khoai tây Trung Quốc đổ về Đà Lạt nhiều bắt đầu từ tháng 7 đến cuối tháng 11, ngày cao điểm tiếp nhận 5-10 tấn. Nhưng gần 10 ngày nay, khoai tây Trung Quốc đã được nhập về với số lượng khá lớn, riêng chợ Nông sản Đà Lạt tiếp nhận gần 60 tấn.
Đường đi của khoai tây Trung Quốc đến Đà Lạt được nhập khẩu bằng đường bộ, doanh nghiệp nhập khẩu thường có trụ sở tại TP HCM. Khi khoai tây Trung Quốc về đến TP HCM, những doanh nghiệp này phân phối lại cho các vựa nông sản và được đem lên Đà Lạt phủ một lớp đất đỏ ngoài vỏ khoai tây để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, sau đó mới mang ra bán lẻ.
Việc nhuộm đất đỏ Đà Lạt lên khoai tây Trung Quốc "cho đẹp" hiện diễn ra công khai, vì hành vi này không bị nghiêm cấm. Chi cục Quản lý thị trường chỉ xử lý khi người bán khẳng định đó là khoai tây Đà Lạt. Nhưng việc này cũng rất khó vì sản phẩm đến tay người tiêu dùng qua các kênh tiêu thụ nhỏ lẻ.
Hiện giá bán buôn khoai tây Đà Lạt khoảng 14.000 - 15.000 đồng một kg, trong khi khoai tây Trung Quốc nhập về Việt Nam chỉ khoảng 4.000 đồng một kg. Sau khi "mông má", chủ hàng bán lại cho các đại lý nhỏ từ 11.000 đến 12.000 đồng.
Đà Lạt hiện đứng đầu cả nước về sản xuất khoai tây với diện tích mỗi năm 1.500 ha, sản lượng 35.000 tấn. Tuy nhiên, diện tích trồng và sản lượng nơi đây đang sụt giảm, trong đó một phần do cạnh tranh của khoai tây Trung Quốc. Theo Hội Nông dân xã Xuân Thọ, mất hơn 3 tháng khoai tây mới cho thu hoạch, chi phí mỗi gốc khoai tây không dưới 3.000 đồng.
Giờ đây tình trạng trà trộn giữa khoai Trung Quốc với khoai Đà Lạt càng khiến nhà vườn bị thiệt. Hiện có khá nhiều xã ở Đà Lạt vốn nổi tiếng với nghề trồng khoai tây, chủ vườn đã chuyển qua trồng loại cây khác. Tại xã Xuân Thọ, diện tích khoai tây trồng trái vụ năm nay chỉ còn 15ha thay vì 40-50ha như trước.
Related news

Theo ước tính của cơ quan chuyên môn, lượng rau xanh, rau củ trồng bán Tết toàn tỉnh Bắc Giang ước khoảng 4 nghìn ha, tập trung tại các huyện: Lục Nam, Lạng Giang, Tân Yên, Yên Dũng. Các loại rau chủ yếu gồm: Su hào, cải bắp, cà rốt, cà chua, súp lơ, hành, khoai tây… Sản lượng đạt hàng trăm nghìn tấn, bảo đảm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Theo dự báo vụ Đông Xuân 2014 - 2015, hiện tượng El Nino có khả năng xuất hiện ở nước ta sẽ khiến cho lượng mưa bị thiếu hụt, gây tình trạng thiếu nước và khô cạn cục bộ, đòi hỏi ngành nông nghiệp phải chủ động xây dựng các phương án, chủ động khắc phục khó khăn.

Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, do thời tiết không thuận lợi, thiếu hụt nước tưới tiêu, mùa mưa trong năm đến sớm nhưng lượng mưa thấp; dự báo sản lượng cà phê vụ 2014 - 2015 sẽ giảm từ 20% - 25% so với vụ trước. Cà phê Robusta ở Tây Nguyên còn bị “cúm” khi ra hoa, khô hạn nhiều vùng.

Trước đó, vào tháng 11/2013, ông Giàng Seo Sì (dân tộc Mông, ở thôn Nàng Cảng, xã Si Ma Cai) đã đầu tư trồng 0,9 ha cây tam thất tại thôn Hòa Sử Pan, xã Sán Chải, trở thành người đầu tiên ở Si Ma Cai trồng loại cây này với quy mô lớn, tập trung. Cây tam thất sẽ cho thu hoạch sau 3 năm trồng và theo ước tính của ông Sì, mỗi ha cho lãi không dưới 1 tỷ đồng.

Cây trôm là một phát hiện thú vị của huyện Tuy Phong (Bình Thuận), một minh chứng cho nỗ lực biến khó khăn, thách thức thành lợi thế của người nông dân ở vùng đất khô hạn nhất nước này.