Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khoai Mỡ Mất Mùa, Rớt Giá

Khoai Mỡ Mất Mùa, Rớt Giá
Publish date: Sunday. November 24th, 2013

Hàng chục năm nay, khoai mỡ đã là loại cây trồng “ăn nên làm ra” của nhiều nông dân huyện Thạnh Hóa (Long An). Nhưng với họ, vụ khoai mỡ năm nay lại là một mùa thu hoạch buồn.

Nỗi lòng người trồng khoai

Ngồi cặm cụi gọt vỏ từng củ khoai để bán cho thương lái, chị Phan Thị Đẳng ở khu phố 4, thị trấn Thạnh Hóa, nói với giọng rầu rĩ: “Đây là khoai dạt, chất lượng thấp, bị sâu nhưng nếu vứt bỏ thì tiếc nên tôi gọt để bán với giá hơn 1.000 đồng/kg. Loại khoai này, thương lái mua để các công ty sấy khô làm bánh, mứt... Dù biết bán những củ khoai này chẳng khác gì kiếm bạc cắc nhưng có đồng nào hay đồng đó chứ vụ khoai năm nay chẳng lời bao nhiêu”.

Vụ khoai năm 2013, gia đình chị Đẳng trồng 1,5ha. Sau vài tháng bỏ công chăm sóc, bón phân, chị thu hoạch với năng suất 10 tấn/ha. Năng suất này giảm so với vụ khoai năm 2012. Đã vậy, giá thu mua năm nay cũng “rớt” chỉ còn hơn 3.200 đồng/kg. Mất mùa, mất giá nên gia đình chị chẳng có tiền lời trong mùa khoai này. Đó là chưa kể bị lỗ vốn vì chi phí đầu tư năm nay tăng so với vụ khoai năm 2012. Chị Đẳng bảo rằng, vào đầu mùa, gia đình vay bên Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã số tiền 11 triệu đồng đổ vào vụ khoai. Cứ ngỡ sẽ thu lợi nhuận như mấy năm trước, nào ngờ… tiền lời không có, nợ ngân hàng cũng phải xin “khất” lại.

Giá khoai liên tục “trượt dốc” nên vừa thu hoạch, chị Đẳng đã “bán tháo bán đổ” cho thương lái với giá “bèo” vì chị sợ, nếu trữ lại mà giá không tăng thì càng thảm hại hơn. Nhưng cũng có nông dân chọn phương án trữ hàng chờ tăng giá như chị Phạm Thị Tuyết ở khóm 4, thị trấn Thạnh Hóa. Với 1ha đất trồng khoai mỡ cho năng suất hơn 10 tấn, lẽ ra chị đã bán hết cho thương lái như những mùa vụ trước. Nhưng vì giá thấp, hiện tại, chị chỉ bán gần 70% số khoai thu hoạch, còn bán lẻ mỗi ngày vài trăm kg cho khách đi đường. “Nếu thời gian ngắn mà không tăng giá, có lẽ tôi cũng bán hết vì nếu để lâu, chất lượng khoai ngày càng giảm. Hơn nữa, vụ khoai mỡ mới ở khu đê bao đã xuống giống, khoảng gần tết là bắt đầu thu hoạch” - chị Tuyết cho biết.

Không chỉ trữ hàng, đi dọc những con đường vào sâu trong ấp, khoai mỡ vẫn còn chất đống ở nhiều hộ gia đình, nguyên nhân do thương lái không thu mua. Anh Nguyễn Văn Hiền, một thương lái thu mua khoai mỡ ở thị trấn Thạnh Hóa thông tin, một ngày, anh thu mua trung bình 10 tấn khoai mỡ của nông dân. Nhưng khi bán lại cho thương lái cũng có lúc ế ẩm. Vì vậy, tiền mua khoai mỡ vẫn còn nợ một vài nông dân và không dám thu mua nhiều nữa”.

Khoai mỡ… cần gỡ hướng đi

Dù biết chất lượng khoai mỡ ngày càng giảm nhưng người dân vẫn trồng loại cây này. Nguyên nhân, theo chị Đẳng: “Ngày xưa, tôi cũng trồng lúa nhưng hiệu quả không cao. Thấy bà con xung quanh trồng khoai mỡ, tôi cũng làm theo. Mỗi năm chỉ làm 1 vụ, còn lại đều bỏ đất không nên đất đai trở nên già cỗi, ít màu mỡ dẫn đến năng suất trồng khoai ngày càng giảm. Nhưng nếu chuyển đổi cây trồng khác cũng khó vì đã lên liếp trồng khoai từ 10 năm nay, bây giờ san cho bằng phẳng tốn nhiều chi phí, trong khi hiệu quả cây trồng mới chưa biết ra sao?”.

Đó không chỉ là nỗi lo của nông dân mà còn là niềm trăn trở của ngành Nông nghiệp huyện trước tình trạng chất lượng khoai ngày càng đi xuống. Theo Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Thạnh Hóa – Mã Thanh Điền, để cải tạo và tăng vòng quay cho đất, tạo thêm thu nhập cho nông dân, huyện cũng đã từng trình diễn mô hình trồng thử nghiệm cây mè, đậu phộng, khoai mì luân canh với khoai mỡ. Dù cũng đạt hiệu quả nhưng những loại cây này chưa có đầu ra ổn định nên nông dân chưa mặn mà. Hơn nữa, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Đồng Tháp Mười nghiên cứu quy trình bón phân để hướng dẫn nông dân. Đặc biệt, huyện đã quy hoạch vùng trồng khoai mỡ với diện tích 1.000ha tại xã Thủy Đông, Tân Tây và Tân Đông (trong đó tập trung ở Thủy Đông). Vùng quy hoạch này sẽ được đầu tư hạ tầng phục vụ trồng khoai mỡ và đang khảo sát để thực hiện.

“Tuy nhiên, từ nay đến khi vùng quy hoạch khoai mỡ được áp dụng, nông dân không nên tăng diện tích trồng khoai mỡ mà phải chú trọng chất lượng của khoai bằng cách làm đê bao, trạm bơm… Có như vậy, khoai mỡ chất lượng sẽ đến với thương lái bền vững hơn”. Bà Điền cho biết thêm.


Related news

Nông Nghiệp Cần Nhiều Gói Cứu Trợ Nông Nghiệp Cần Nhiều Gói Cứu Trợ

Hầu hết các mặt hàng nông sản, thực phẩm, thủy sản tại thời điểm này đều bị giảm giá tới 50-60%, song vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Theo nhận định, với đà giảm giá này, có thể khiến cho sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân rơi vào khủng hoảng, thậm chí tê liệt.

Sunday. July 1st, 2012
Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Theo Công Nghệ Sạch Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Theo Công Nghệ Sạch

Sau hơn 3 tháng thả nuôi, Công ty TNHH một thành viên Thông Thuận - Kiên Giang (Cty Thông Thuận) vừa thu hoạch vụ nuôi tôm thẻ chân trắng đầu tiên tại xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang với năng suất đạt gần 17 tấn/ha.

Sunday. August 26th, 2012
Làm Giàu Nuôi Tôm Trên Cát Trên Dự Án “Chết Yểu” Ở Hà Tĩnh Làm Giàu Nuôi Tôm Trên Cát Trên Dự Án “Chết Yểu” Ở Hà Tĩnh

Trên diện tích đất của những dự án hàng triệu đô la đầu tư nhưng mau chóng đóng cửa, bỏ hoang, nhiều hộ nông dân mạnh dạn thuê lại để đầu tư nuôi trồng thủy sản và đạt hiệu quả cao.Đó là thực tế đã diễn ra ở Hà Tĩnh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trong thời gian 10 năm trở lại đây. Điển hình là hộ ông Nguyễn Văn Mại ở xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà và bà Nguyễn Thị Hạnh ở xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà.“Đâm đầu vào đá”

Sunday. August 26th, 2012
TP.HCM Chuẩn Bị Đối Phó Với Dịch Heo Tai Xanh TP.HCM Chuẩn Bị Đối Phó Với Dịch Heo Tai Xanh

Sáng 28-6, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Minh Trí chủ trì họp khẩn cùng các cơ quan chức năng TP rà soát, triển khai các biện pháp phòng chống dịch heo tai xanh đang “nóng” ở một số vùng của các tỉnh lân cận TP.

Sunday. July 1st, 2012
Thoát Nghèo Nhờ Nuôi Lợn Rừng Thoát Nghèo Nhờ Nuôi Lợn Rừng

Ba Chẽ là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ninh, với trên 79,8% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân trong huyện chủ yếu làm nông nghiệp, chăn nuôi và trồng rừng. Không cam chịu cái nghèo khó đeo đẳng, nhiều gia đình ở Ba Chẽ đã vươn lên tìm hướng thoát nghèo. Một trong những hướng đó là nuôi lợn rừng.

Sunday. August 26th, 2012