Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khó Cứu Người Trồng Lúa

Khó Cứu Người Trồng Lúa
Publish date: Wednesday. June 19th, 2013

Việc thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ hè thu ở khu vực ĐBSCL đã triển khai từ 15.6, nhưng 4 ngày qua giá lúa vẫn không tăng, nông dân vẫn chưa được hưởng lợi...

Giải cứu… thương lái

Dù việc thu mua tạm trữ lúa gạo đã bắt đầu, nhưng mấy ngày qua, nhiều nông dân ở xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang vẫn như ngồi trên lửa khi lúa chín rục mà thương lái không thu mua. Nhiều diện tích lúa đã chín từ giữa tuần trước, dù thương lái đã đến tận ruộng để “đặt cọc” mua lúa với giá 3.700 đồng/kg (lúa tươi, giống IR50404) nhưng sang đầu tuần này bóng dáng thương lái vẫn bặt tăm.

Ông Nguyễn Nhựt Hoai – nông dân ấp Tây Bình, xã Thoại Giang thẫn thờ: “Mấy ngày nay nông dân tụi tôi liên tục theo dõi thông tin giá lúa, nhưng càng theo dõi càng lo thêm. Hiện tôi đang canh tác 20ha lúa, phần lớn là đất thuê nên giá thành sản xuất cao hơn đất nhà. Chương trình tạm trữ đã chạy được mấy ngày nhưng giá lúa tươi chẳng những không lên mà còn bán không được. Tuần trước, tiền trả cho máy gặt đập liên hợp là 2,5 triệu đồng/ha. Nay lúa chín rục, lại bị mưa làm đổ ngã nên giá gặt đập tăng lên 7 triệu đồng/ha, nhưng các chủ máy vẫn lắc đầu vì lúa đổ ngã rất khó cắt. Theo tính toán của tôi, vụ này nông dân trồng lúa huề vốn là mừng”.

Ông Trần Văn Toàn – thương lái chuyên mua lúa ở xã Thoại Giang phân trần: “Mỗi lô 3 mẫu đất, tôi thường bỏ cọc khoảng 2 triệu đồng, giao kèo giá thu mua với dân luôn. Nhưng mấy hôm nay mưa kéo dài, chất lượng hạt lúa xuống thấp, giá lúa lại không hề nhúc nhích nên tôi mua xong thì biết bán cho ai? Tôi đang xin lại tiền đặt cọc, vì nếu ôm lúa thì sẽ ôm nợ, phá sản như chơi”. Không chỉ ông Toàn, nhiều thương lái khác cũng cho biết đang “năn nỉ” dân xin lại tiền cọc vì bản thân họ cũng bị ách tắc đầu ra.

Theo kiểu thu mua hiện nay, không có công ty xuất khẩu gạo nào tổ chức thu mua trực tiếp với nông dân mà hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái – trừ vài công ty đầu tư cánh đồng mẫu lớn thu mua trực tiếp cho nông dân như Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang hay Docimexco (Đồng Tháp). Trong khi đó, nhiều thương lái cũng đang “ôm” lúa từ vụ đông xuân trước đến nay chưa bán được nên bản thân thương lái cũng đang chờ giá lúa nhích lên để bán. Ông Nguyễn Văn Bé – thương lái chuyên thu mua lúa ở vùng Đồng Tháp Mười (Long An) nói như than: “Vụ đông xuân vừa rồi, tôi còn ôm mấy trăm tấn lúa, tới nay vẫn chưa bán được. Nếu DN đặt hàng tạm trữ, tôi phải bán tháo lúa đông xuân chứ không thể xuống dân mua lúa hè thu được”.

Doanh nghiệp cũng bó tay

Đến chiều 17.6, các cánh đồng lúa chín ở Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp… vẫn vắng bóng thương lái. Dù quyết định thu mua tạm trữ đã có hiệu lực nhưng các DN vẫn chưa thể triển khai, phần do lượng tồn kho quá lớn, phần ngân hàng vẫn chưa giải ngân. Tỉnh Đồng Tháp vừa được Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân bổ chỉ tiêu mua 76.000 tấn gạo tạm trữ vụ hè thu, chia cho 8 DN chuyên kinh doanh, xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, có hơn 120.000ha lúa (hơn 60% diện tích toàn tỉnh) đã được nông dân thu hoạch và bán với giá thấp. Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, tổng lượng gạo tạm trữ tồn kho vụ đông xuân tại tỉnh này lên đến 200.000 tấn. Do đó, sau khi có chỉ tiêu thu mua tạm trữ, các doanh nghiệp cũng chỉ thực hiện mua theo giá thị trường chứ không thể có giá cao. Công ty CP Docimexco là DN xuất khẩu gạo lớn nhất nhì ở Đồng Tháp được phân bổ mua tạm trữ 15.000 tấn gạo, trong khi công ty còn tồn kho hơn 30.000 tấn chưa xuất được.

Nông dân Nguyễn Nhựt Hoai (xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn, An Giang) cho hay: “Chỉ qua vài cơn mưa dầm, tiền công máy gặt đập liên hợp đã tăng cao gấp 3 lần. Chưa bán được lúa nhưng nhà nông đã chắc chắn lỗ”.

Ông Phạm Minh Trí – Giám đốc Công ty lương thực Thành Tiến (đóng tại Sa Đéc, Đồng Tháp) cho biết: “Giá gạo nguyên liệu (chưa lau cám, đánh bóng) hiện chỉ 6.000 đồng/kg nên giá lúa rất thấp. DN của tôi muốn thu mua lúa cũng phải thông qua hệ thống thương lái, vì không thể tổ chức lực lượng đưa ghe xuống tận ruộng nông dân để thu mua. Thời điểm này, chúng tôi không có hợp đồng tiêu thụ nên nhiều thương lái cũng phải ngồi chơi, vì mua rồi không biết bán cho ai”.

Tại Long An, vụ hè thu năm nay toàn tỉnh xuống giống trên 230.000ha, đến thời điểm này mới thu hoạch được gần 20% diện tích. Ông Lê Minh Đức – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, 13 DN trong tỉnh được giao mua 91.000 tấn gạo, thấp hơn rất nhiều so với lượng lúa mà nông dân thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Hoàng Anh – nông dân trồng lúa ở xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An nói: “Chương trình thu mua tạm trữ vụ đông xuân vừa rồi, giá lúa nhích lên chừng 150 đồng/kg, tính ra mỗi ha lúa năng suất bình quân 6 tấn nông dân tăng thêm chưa tới 1 triệu đồng. Mà đâu phải nông dân nào cũng thu hoạch đúng thời điểm tạm trữ, thành ra chương trình này chẳng giúp được gì cho nông dân”.


Related news

Nâng tầm hạt muối Sa Huỳnh Nâng tầm hạt muối Sa Huỳnh

Chất lượng kém, khiến muối Sa Huỳnh mất khả năng cạnh tranh trên thị trường. Theo đó, cuộc sống của diêm dân cũng lao đao. Dù thực trạng này đã lặp lại nhiều năm nay nhưng đến giờ nó vẫn chưa được giải quyết thấu đáo, triệt để…

Saturday. August 8th, 2015
Hiệu quả đánh bắt tăng nhờ tàu cá công suất lớn Hiệu quả đánh bắt tăng nhờ tàu cá công suất lớn

Không dừng lại hành nghề khai thác hải sản bằng tàu vỏ gỗ, mà gần đây ngư dân Quảng Ngãi đã vươn khơi xa với tàu đánh cá vỏ thép, nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ.

Saturday. August 8th, 2015
Hiệu quả từ mô hình cánh đồng lớn Hiệu quả từ mô hình cánh đồng lớn

Hướng đến một nền nông nghiệp hàng hóa, có năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh cao, vụ đông xuân 2014-2015, UBND huyện Hải Lăng (Quảng Trị) triển khai xây dựng 5 mô hình cánh đồng lớn tại 4 xã với diện tích 123 ha, chỉ đạo áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, sử dụng nhiều loại giống mới mang lại hiệu quả cao.

Saturday. August 8th, 2015
Cây mận Bắc Hà trên đất Ham Soong Cây mận Bắc Hà trên đất Ham Soong

Tây Bắc là xứ sở của nhiều loài cây ăn trái, như: mận, đào, xoài... Khi nói đến mận, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến mận tâm hoa Bắc Hà. Giống mận này nổi tiếng ngọt, giòn, róc hạt và từ lâu đã trở thành thương hiệu quen thuộc của xứ sở sương mù Bắc Hà (Lào Cai). Thế nhưng ít ai biết rằng, ở mảnh đất Ham Soong, xã Vàng Đán (huyện Nậm Pồ), gần 20 năm qua cây mận Bắc Hà đã bén rễ và “âm thầm” cho những mùa “quả ngọt”.

Saturday. August 8th, 2015
Hiệu quả mô hình trồng đậu tương trên đất lúa một vụ Hiệu quả mô hình trồng đậu tương trên đất lúa một vụ

Mô hình trình diễn canh tác 17,5ha đậu tương vụ đông xuân trên đất lúa một vụ tại các bản Háng Trợ A, B, C (xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông) do Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư (KNKN) huyện cùng 51 hộ dân trên địa bàn thực hiện đạt kết quả ngoài mong đợi. Mô hình mở ra hướng sản xuất mới, giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tích cực...

Saturday. August 8th, 2015