Khi Nông Dân Ngơ Ngác Trên Mảnh Vườn
Những câu chuyện cùng nông dân xã Đồng Phú (Long Hồ, Vĩnh Long) ngay trên mảnh vườn nghe sao buồn quá. Buồn vì “cơn bão” chổi rồng đã thổi bay những vườn nhãn đã cắm rễ trên đất cù lao, đã gắn bó cùng nông dân hơn nửa thế kỷ nay.
Nhưng buồn nhất là người nông dân đang hoang mang không biết phải trồng cây gì đây sau khi đã đốn sạch vườn nhãn?
Nông dân nên trồng cây gì?
Ngành nông nghiệp đã dành ra một số tiền lớn để hỗ trợ nông dân trong cuộc chiến dập dịch chổi rồng trên cây nhãn, trong đó đáng kể là thuốc bảo vệ thực vật. Nhưng đến nay, đã có gần 1.000ha nhãn phải đốn trắng, riêng xã Đồng Phú là trên 230ha.
Nếu là người thật sự có trách nhiệm sẽ rất đau lòng khi đọc bản báo cáo 6 tháng đầu năm 2014 của xã: “Nhãn thu hoạch 6ha”. Như vậy người nông dân trên xứ nhãn cù lao đang sống bằng cái gì?
Trong khi chôm chôm thu hoạch rộ thì đang dội chợ giá chỉ có 2.000- 3.000 đ/kg, mà phải là chôm chôm đường, chôm chôm Thái mới “đứng chợ” được. Nhưng cây chôm chôm cũng chưa chắc… “mạnh khỏe” được lâu, vì đang có nguy cơ nhiễm bệnh chổi rồng.
Gặp ông Hai Nam ở ấp Phú Hòa 1, đang cuốc đất trên vườn nhãn đã đốn trắng, hỏi ông sắp tới sẽ trồng lại cây gì? Ông lắc đầu buồn bã: “Chưa biết nữa!” Bí thư Đảng ủy xã Đồng Phú Nguyễn Văn Kiếm cho biết: “Việc phun xịt thuốc theo quy trình của ngành nông nghiệp, đều bị tái nhiễm 100%, mà quy trình này thì giá thành quá cao trong khi giá nông sản thì bấp bênh trồi sụt.
Nhiều bà con hiện nay sau khi phá trắng vườn nhãn rồi bỏ đó, chớ chưa biết trồng cây gì nữa. Tại cuộc họp với lãnh đạo huyện Long Hồ và Sở Nông nghiệp và PTNT, xã có đề xuất nếu trồng lại vườn thì xin hỗ trợ cây giống, vì thật ra mấy năm nay không có thu nhập gì, nông dân cũng không có tiền tái lập lại vườn.
Lãnh đạo sở cũng ghi nhận thôi chớ cũng chưa có hướng giải quyết”. Mà nếu như có vốn, nông dân cũng không biết phải trồng cây gì nữa? Xã cũng chỉ khuyến cáo bà con chung chung thế này: Bà con nên xem coi, chuyển đổi trồng loại cây nào có hiệu quả kinh tế cao.
Nhưng nông dân muốn có câu trả lời rõ ràng là cây gì có hiệu quả kinh tế cao? Riêng bài toán chổi rồng, ngành nông nghiệp vẫn chưa cho lời giải. Còn chuyện nông sản ra chợ nào, giá nào thì nông dân cũng không biết phải hỏi ai! Nông dân đang nghèo ngay trên mảnh vườn màu mỡ của mình.Không biết trách nhiệm này thuộc về ai?
Nông dân cần được tiếp sức
Ông Phan Văn Ba- Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Phú Hòa 1 xót xa khi “chia tay” 5 công nhãn của mình: “Chú coi đau lòng lắm chớ khi tự tay cưa mấy gốc nhãn mà mấy chục năm gắn bó với nó, có những gốc nhãn trước sân hồi xưa hái 400- 500kg mỗi cây, giờ không nỡ đốn mà để đó cho có bóng mát.
Nhiều người đốn nhãn rồi tự tìm hiểu trồng lại cây khác, nhưng cũng hồi hộp lắm không biết mai mốt nó ra sao. Mà phải có tiền mới đầu tư được, không thôi thì chịu. Hiện nay, ở Đồng Phú một số bà con chuyển qua cây chôm chôm. Nhiều người thấy chanh tàu có giá thì chuyển qua chanh tàu, nhưng giá cả thì nó cũng cà giựt lắm”.
Một số bà con ở xã Đồng Phú đang chuyển qua loại cây mới là thanh long, nhưng để đầu tư loại cây này rất tốn kém. Anh Phúc Mười ở ấp Phú Hòa 1, sau khi đốn nhãn đã qua tận Tiền Giang để tìm hiểu, rồi quyết định trồng 4 công thanh long, tất cả chi phí trên 50 triệu đồng. Trong thời gian chờ thu hoạch trái, anh Phúc Mười trồng xen cây ớt để kiếm tiền chợ.
Ông Nguyễn Văn Kiếm đề nghị: “Trồng cây gì là một chuyện, nhưng trước hết ngành thương mại phải làm tốt công tác xúc tiến để bảo đảm đầu ra cho trái cây. Có vậy thì nông dân mới có niềm tin dồn sức đầu tư mạnh trên mảnh vườn của mình. Thứ hai là tỉnh nhà nên xây dựng nhà máy chế biến trái cây hoặc ít nhất là phải có chợ đầu mối để có thể kiểm soát được giá nông sản”.
Đồng ý kiến với nông dân, ông Kiếm cho rằng nông dân rất cần được tiếp sức từ các ngân hàng, với lãi suất thật ưu đãi.
Bí thư Đảng ủy xã Đồng Phú lo lắng: Theo tình hình này, khi chưa có được câu trả lời sáng sủa cho cây nhãn thì xã rất khó đạt được tiêu chí thu nhập trong những năm tới.
Năm 2014, Đồng Phú chỉ đăng ký 2 tiêu chí là: môi trường và cơ cấu lao động. Nhưng dù có đạt bao nhiêu tiêu chí đi nữa, thì làm sao vui được khi nông dân đang ngơ ngác trên mảnh vườn của mình, khi dịch bệnh đã gỡ trắng tay nguồn thu nhập của bà con!
Related news
Theo thống kê sơ bộ từ các ngành chức năng, đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có trên 10.000 ha diện tích đất bị nhiễm cây mai dương- một loài thực vật ngoại lai cực kỳ nguy hiểm. Loài cây này có sức sống mãnh liệt, tốc độ phát tán cực nhanh trên diện rộng.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, Diễn đàn lần này nhằm tìm kiếm các giải pháp, tạo động lực mạnh mẽ hơn nữa cho sự phát triển cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân ĐBSCL, đồng thời tập trung giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã, đang và sẽ làm ăn, kinh doanh trên vùng đất này.
An toàn thực phẩm là vấn đề hết sức quan trọng trong đời sống xã hội, để có nông sản thực phẩm an toàn đòi hỏi có sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng và các cấp quản lý, giám sát chất lượng các sản phẩm nông sản (rau, củ, quả, chè, thịt gia súc, gia cầm…) trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
Đến nay ngoài Công ty cho thuê tài chính Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (ALC II) đổ bể, lại có Công ty Tài chính cao su (thuộc Tập đoàn Cao su VN) bị đề nghị giải thể, để lại khoản lỗ trên 1.770 tỉ đồng.
Tuy không phải vụ chính nhưng sản xuất cây vụ đông ở huyện Định Hóa những năm gần đây đã có sự chuyển biến tích cực. Điều này được thể hiện rõ nét qua sự thay đổi tư duy sản xuất của bà con với việc mạnh dạn đưa nhiều loại cây trồng có năng suất cao vào sản xuất...