Khi người trẻ khởi nghiệp từ nông nghiệp
Nông nghiệp vẫn được cho là ngành cần sự đầu tư “dài hơi” với nhiều khó khăn và rủi ro. Nhưng ngày nay, không thiếu những người trẻ chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực này và gặt hái thành công. Họ đều có những đặc điểm chung là có sự học hành bài bản, đi theo hướng đầu tư chuyên nghiệp, bền vững chứ không chạy theo phong trào.
Anh Nguyễn Hồng Đăng Khoa giới thiệu vườn sung Mỹ trồng trong nhà màng ở trang trại tại huyện Cẩm Mỹ đang thu hoạch
Tuy nhiên, để phong trào khởi nghiệp từ nông nghiệp ngày càng nhân rộng trong người trẻ, cần rất nhiều sự hỗ trợ về mặt chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư.
Bài 1: Những nẻo đường khởi nghiệp
Với phong trào khởi nghiệp trong nông nghiệp đang dần lan rộng, thực tế không thiếu những câu chuyện người trẻ khởi nghiệp thành công. Mỗi người trẻ đều chọn cho mình một lối đi riêng và đều để lại dấu ấn trong lĩnh vực đã chọn.
Điều đáng trân trọng nhất ở những người trẻ này là họ luôn kiên trì và nỗ lực hết mình trong lao động.
* Tái khởi nghiệp với cây sung Mỹ
Công ty TNHH Nhà Nguyễn (TP.Hồ Chí Minh) là doanh nghiệp tiên phong trong cung cấp giải pháp trọn gói nhà màng phục vụ nông nghiệp công nghệ cao với quy mô lớn tại khu vực Đông Nam Á. Qua gần 10 năm nỗ lực, chàng trai Nguyễn Hồng Đăng Khoa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà Nguyễn đã xây dựng được tên tuổi trên thị trường nông nghiệp công nghệ cao. Không ngừng lại, hiện anh đang hợp tác với Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai thành lập thêm Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao Trí Nguyễn với trang trại nhà màng tại Khu công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai (huyện Cẩm Mỹ). Đây là nơi đang triển khai thực nghiệm các loại rau, quả của Dự án nhân rộng mô hình sản xuất rau, quả trong nhà màng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ngoài việc thực nghiệm các giống mới dưa lê vân lưới bằng các giải pháp nông nghiệp kỹ thuật cao. Công ty TNHH Trí Nguyễn phối hợp với Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học đầu tư được 5 hécta diện tích nhà màng trồng sung Mỹ, dưa lưới, hoa lan xuất khẩu và đang nghiên cứu trồng các loại rau bằng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Sắp tới sẽ phát triển vùng nguyên liệu sung Mỹ, đầu tư nhà máy chế biến loại trái cây đặc sản không đụng hàng này cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
“Tôi đang khởi nghiệp lại lần nữa với câu chuyện về trái sung Mỹ được đăng ký nhãn hiệu Sung Camy để chỉ đây là sản phẩm của vùng đất Cẩm Mỹ, kết quả của sự kết hợp giữa nhà doanh nghiệp và nhà khoa học. Đây là thực phẩm cao cấp tại châu Âu vì rất giàu dinh dưỡng, nhất là Canxi, Magie, Kali và các loại khoáng chất khác. Sung Mỹ còn khá mới tại Việt Nam nên tiềm năng về cả thị trường nội địa và xuất khẩu đều rất lớn” - anh Khoa nói.
Từ khi Anh Khoa bổ sung cây sung Camy đầu tiên vào dự án nhận rộng mô hình sản xuất rau quả trong nhà màng theo tiêu chuẩn VietGAP đến nay đã gần 2 năm. Suốt thời gian đó, anh đã xây dựng cả một đội ngũ để tập trung vào công tác nghiên cứu về sinh trưởng phát triển của cây đến khâu thu hoạch, bảo quản. Khi đã nắm vững kỹ thuật, anh mới cho nhân rộng diện tích cây trồng này vào thực tế.
Hiện Trang trại Trí Nguyễn đã phát triển được 3 hécta nhà màng trồng sung Camy, trong đó có 1 hécta cây giống đầu dòng và 2 hécta cây thương phẩm đang cho thu hoạch khoảng 200 kg sung/ngày. Song song phát triển sản xuất, anh Khoa còn mạnh dạn đổ vốn đầu tư kho lạnh tại công ty và tại điểm tập kết hàng ở TP.Hồ Chí Minh, xe lạnh chuyên chở trái cây và đội ngũ giao hàng, bán hàng online. Sung Camy do trang trại sản xuất hiện cung cấp cho các cửa hàng trái cây cao cấp trên khắp cả nước.
Anh Khoa cho biết thêm: “Sung Mỹ rất khó bảo quản nên tôi xây dựng quy trình chặt chẽ chuỗi cung ứng từ khâu hái, đóng gói và giao đến tận tay khách hàng ngay trong ngày để họ có được những trái sung Camy tươi ngon nhất”.
Khoảng nửa năm trở lại đây, anh Khoa tập trung nghiên cứu về kỹ thuật chế biến sung Camy và hiện công việc đã đạt được khoảng 80%. Anh đang đẩy mạnh sản xuất giống cây trồng này. Dự kiến ban đầu, anh phát triển khoảng 60 hécta cây sung Camy để đủ sản lượng cho nhà máy chế biến sẽ xây dựng tại Khu công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai. Mục tiêu lâu dài của anh là tìm kiếm đối tác để nhân rộng vùng nguyên liệu với quy mô hàng trăm hécta cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
* Cô gái chọn về quê chế biến nông sản
Từng là giảng viên của Trường đại học Bách khoa (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh) nhưng cô gái trẻ Lê Phương Thu lại quyết định trở về quê lập nghiệp và chọn ngành “nhiều rủi ro” là chế biến nông sản để đầu tư. Nền kiến thức cô gái trẻ này chuẩn bị là những năm làm việc cho công ty nước ngoài để tích lũy kinh nghiệm về khả năng lãnh đạo, quản lý và tổ chức hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Chị Phương Thu chia sẻ: “Việt Nam có rất nhiều loại trái cây ngon nhưng trên thị trường lại tràn ngập các loại nước ép, sản phẩm chế biến nhập khẩu. Trong khi đó, đầu ra cho trái cây Việt luôn bấp bênh vì chủ yếu chỉ bán trái tươi”. Vợ chồng chị đều là kỹ sư về chế tạo máy nên máy móc tại nhiều khâu sản xuất được họ cải tiến, đặt làm riêng để tiết kiệm được khá nhiều chi phí đầu tư.
Công ty TNHH Long Kim được thành lập với nhà xưởng chế biến tại huyện Nhơn Trạch cũng từ mong muốn của cô giám đốc trẻ tạo được đầu ra bền vững hơn cho trái cây Việt. Dòng sản phẩm mà Long Kim tập trung chế biến đều là các loại trái cây có sản lượng lớn tại Việt Nam như: xoài, thanh long ruột đỏ, dâu tằm, chanh dây...
Chị Phương Thu muốn thuyết phục khách bằng chính chất lượng sản phẩm chế biến nhưng lại gần với tự nhiên nhất nên chị không chỉ chiết xuất phần nước mà sử dụng cả phần thịt quả. Sản phẩm si rô trái cây nguyên chất của Long Kim có thể pha chế với nhiều nguyên liệu như: nước đá, soda hoặc sữa chua... để tạo ra những loại nước giải khát hấp dẫn. Chính vì vậy, ngoài các đại lý, cửa hàng bán lẻ, chị tập trung tiếp thị sản phẩm vào các quán cà phê, tiệm nước giải khát và hiện đây là một trong những kênh tiêu thụ rất tốt.
Theo chị Phương Thu: “Sản phẩm của Long Kim đã đạt ISO 22000:2005 nên chúng tôi rất tự tin có thể đáp ứng những yêu cầu về tiêu chuẩn và chất lượng khắt khe của các thị trường khó tính như: Nhật Bản, châu Âu... Tôi đang liên kết với nông dân nhằm xây dựng những vùng nguyên liệu chế biến đạt chuẩn an toàn”.
* Giấc mơ đưa gấc Đồng Nai xuất khẩu
Từ bỏ công việc giảng dạy tại một trung tâm tin học ở TP.Hồ Chí Minh với mức thu nhập 20 triệu đồng/tháng, chàng cử nhân công nghệ thông tin Nguyễn Tiến Chương về quê ở xã Bàu Sen, TX.Long Khánh khởi nghiệp từ việc trồng gấc lấy tinh dầu.
Anh Nguyễn Tiến Chương giới thiệu vùng nguyên liệu trồng gấc theo chuẩn xuất khẩu.
Từ 6 sào gấc ban đầu, anh Nguyễn Tiến Chương đã liên kết với nhiều nông dân xây dựng được vùng nguyên liệu gấc trên 20 hécta xen canh. Anh thành lập Công ty TNHH gấc Trọng Tín chuyên về gấc sấy khô, tinh dầu và mỹ phẩm làm từ gấc cung cấp cho một số tỉnh, thành trên cả nước.
“Khi bắt tay vào làm gấc, tôi cũng bắt đầu tìm hiểu trên mạng, thông qua những người trồng gấc đi trước để trau dồi kiến thức. Nhờ có nền tảng về công nghệ thông tin, khả năng đọc tài liệu bằng tiếng Anh, đọc các đề án, luận văn về gấc trên internet, tôi chủ động liên lạc, tìm hiểu về quy trình trồng, sản xuất sản phẩm từ gấc...” - anh Chương chia sẻ.
Hiện tại công ty của anh Chương đang hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý để đưa các sản phẩm về tinh dầu gấc hướng tới xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng như: Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan...
Anh Chương cho biết thêm: “Để xuất khẩu những sản phẩm từ trái gấc, tôi thông qua một số người quen, chuyên gia về gấc, các công ty dịch vụ, xuất nhập khẩu. Tôi còn đem sản phẩm giới thiệu tại các hội chợ, triển lãm thương mại, từ đó liên hệ với một số công ty nước ngoài để gửi sản phẩm mẫu đi các thị trường”.
Related news
Nhờ chịu khó nghiên cứu đầu tư, mô hình nuôi thỏ đã giúp gia đình anh Chuẩn nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và phát triển kinh tế.
Anh Nguyễn Văn Phúc đang nuôi 9.000 cặp chim bồ câu Pháp. Mỗi năm, sau khi trừ tất cả các khoản chi phí, anh “đút túi” gần 2 tỷ đồng.
Nhờ cần cù, nhạy bén và mạnh dạn chuyển dịch từ trồng chuối sang trồng khổ qua mà anh Trần Văn Cược đã vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ổn định hơn.