Chàng trai du học Nga về quê nuôi chim bồ câu Pháp trở thành tỷ phú
Đó là anh Nguyễn Văn Phúc (SN 1987, thôn Hiệu Chân, xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Hiện tại, anh đang nuôi 9.000 cặp chim bồ câu Pháp. Mỗi năm, sau khi trừ tất cả các khoản chi phí, anh “đút túi” gần 2 tỷ đồng.
Anh Phúc giới thiệu chim bồ câu Pháp
Đứng lên sau thất bại
Mặc dù đã có công việc ổn định ở Hà Nội sau 5 năm du học ở Nga, nhưng anh Phúc vẫn quyết định trở về quê lập nghiệp theo cách làm của riêng mình.
Năm 2008, anh mua 100 cặp chim bồ câu Pháp về nuôi. Do chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, cách phòng chống dịch bệnh nên chỉ sau một thời gian ngắn đàn chim mắc bệnh và chết hàng loạt. Thiệt hại gần 35 triệu đồng. Số tiền không hề nhỏ lúc bấy giờ.
“Lúc đó, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên đàn chim bồ câu Pháp của anh chết hàng loạt. Từ 100 cặp chim khỏe mạnh, anh chỉ còn vỏn vẹn 20 cặp. Tổng cộng 80 cặp bị chết, thiệt hại gần 35 triệu đồng”, anh Phúc nhớ lại.
Sau khi bị gục ngã vì “loài chim biểu tượng cho tình yêu”, anh Phúc chán nản, muốn bỏ cuộc. Song, được sự động viên của gia đình, anh quyết định đứng dậy, “liều mình” vay tiền người thân đầu tư thêm 30 cặp chim khác cho tròn 50 cặp để “bõ công” chăm sóc.
Lần này, anh tạm gác công việc gia đình, đi tham quan 1 số mô hình chăn nuôi chim bồ câu Pháp để học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, cách phòng chống dịch bệnh. Nhờ vận dụng tốt những kiến thức đã được ghi chép vào sổ nên 50 cặp chim sinh trưởng nhanh, ít dịch bệnh.
Sau 6 tháng, chim cái vào thời kỳ đẻ trứng, anh Phúc quyết định mua máy ấp trứng để nhân rộng số lượng đàn. Từ đó, số lượng đàn chim cứ tăng lên theo từng năm. Sau 10 năm, hiện tại anh đang sở hữu 3 trang trại nuôi chim bồ câu Pháp với 9.000 cặp.
Trang trại bồ câu Pháp của anh Phúc
Ngoài chăn nuôi chim bồ câu Pháp, anh Phúc còn kết nối với Trại giam Phú Sơn (Thái Nguyên) để SX lồng nuôi chim. Anh mong muốn tạo công ăn việc làm cho các phạm nhân. Trung bình, mỗi tháng, các phạm nhân ở đây SX được 30.000 lồng.
Để có được thành quả như ngày hôm nay, anh đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách. Anh Phúc bật mí, nhờ có gia đình luôn bên cạnh cùng với sự nỗ lực của chính bản thân, anh mới vượt qua được “cú vấp ngã” và chinh phục được loài chim bồ câu này.
Thu tiền tỷ mỗi năm
Theo tính toán của anh Phúc, trung bình một con chim bồ câu cái sẽ đẻ 9 lứa trứng/năm. Mỗi lứa 2 quả. Sau khi trứng nở thành con, anh Phúc bán với giá 200.000 đồng/cặp đối với chim giống 2 tháng tuổi; 450.000 đồng/cặp đối với chim từ 4 - 5 tháng tuổi.
Với chim bồ câu thương phẩm, anh bán với giá 130.000 đồng/cặp. Nhờ thị trường tiêu thụ chim giống lẫn chim thương phẩm luôn suôn sẻ nên anh Phúc không phải lo đầu ra. Vì vậy, mỗi năm, sau khi trừ tất cả các khoản chi phí, anh thu lãi gần 2 tỷ đồng.
Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại, anh Phúc bảo, nuôi bồ câu Pháp không vất vả, một ngày chỉ cho ăn 2 bữa, sáng từ 8 - 11h, chiều từ 15 - 18h. Thức ăn chủ yếu là cám viên.
Cũng theo anh Phúc, để bồ câu có sức đề kháng tốt, ngay từ khi mới nở, anh đã phòng chống dịch bệnh bằng cách cho chim uống thuốc, tiêm phòng định kỳ. Ngoài ra, mỗi tuần tổng vệ sinh một lần (dọn phân chim, vãi vôi bột khử trùng…).
Với kinh nghiệm 10 năm chăn nuôi bồ câu Pháp, theo anh Phúc, muốn chim sinh sản hiệu quả, sau 5 năm là phải sa thải đàn chim cũ và thay vào đó là đàn chim hậu bị.
“Để chim bồ câu Pháp đẻ trứng hiệu quả, tỷ lệ trứng nở cao thì sau 5 năm nên loại bỏ đàn chim cũ và thay vào đó là đàn chim hậu bị. Bên cạnh đó, nên ấp trứng bằng máy để con giống đạt chất lượng tốt, sức đề kháng cao”, anh Phúc thổ lộ.
Theo anh Phúc, hàng tháng, Chi cục Thú y Hà Nội đều xuống trang trại để lấy mẫu, kiểm tra định kỳ. Bên cạnh đó, mỗi lần xuất bán chim giống, thương phẩm cho khách hàng, trang trại anh Phúc đều có giấy tờ kiểm định chất lượng.
Hiện, mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của anh Phúc được chọn là một trong những mô hình điểm của huyện Sóc Sơn. Mỗi ngày, trang trại đón 2 - 3 lượt khách đến tham quan và học hỏi. Vào những ngày nghỉ thì lượng khách đến nhiều hơn.
Trong thời gian tới, anh Phúc đang có dự định mở rộng trang trại, chăn nuôi theo hướng an toàn, phát triển mô hình theo chuỗi khép kín. “Tôi đang hướng tới SX an toàn và phát triển mô hình theo chuỗi khép kín để đảm bảo sản phẩm sạch từ khâu giết mổ đến bàn ăn”, anh Phúc nói.
Nhờ những thành tích trên, anh Phúc vinh dự được nhận nhiều bằng khen, giải thưởng. Trong đó, có giải thưởng Dương Đình Của, Sao Thần nông, giải thưởng vinh danh nhà nông trẻ giỏi, nông dân SX giỏi các cấp…
Hiện tại, gia đình anh đang tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động ổn định với mức thu nhập 8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, anh còn thuê thêm 3 - 4 lao động theo thời vụ.
Related news
Chồn mướp (cầy vòi hương) là loài động vật có giá trị kinh tế cao. Từ 4 cặp chồn bố mẹ ban đầu, ông Trần Chí On đã cho sinh sản và thu lợi nhuận hơn trăm triệu
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Lê Văn Vớt (37 tuổi, ngụ xã Hàm Giang, H.Trà Cú, Trà Vinh) còn xúc tiến tìm đầu ra cho ớt của hợp tác xã
Nhờ chịu khó nghiên cứu đầu tư, mô hình nuôi thỏ đã giúp gia đình anh Chuẩn nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và phát triển kinh tế.