Khẳng định hiệu quả của công nghệ tưới nước nhỏ giọt cho cây cà phê
Ngày 17/4, tại huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng tổ chức diễn đàn khuyến nông và nông nghiệp với chủ đề “Tưới nước tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong sản xuất cà phê bền vững ở Tây Nguyên”. 250 đại biểu đại diện các viện, trường, các nhà khoa học trong nước, cán bộ ngành nông nghiệp và người trồng cà phê tại 5 tỉnh Tây Nguyên tham dự.
Tại Hội thảo, các đại biểu khẳng định, sản xuất cà phê ở Tây Nguyên đang thiếu tính ổn định và bền vững do tình trạng khan hiếm nước ngày càng trầm trọng; nông dân sử dụng nguồn nước còn lãng phí, chưa đầu tư, ứng dụng kỹ thuật tưới nước tiết kiệm, chưa sử dụng bón phân hợp lý, là những nguyên nhân chính dẫn đến chi phí tăng, rủi ro tăng và lợi nhuận giảm.
Hội thảo đã dành nhiều thời gian thảo luận, trao đổi về những kinh nghiệm hay và giới thiệu một số mô hình tưới nước tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong sản xuất cà phê bền vững trong khu vực. Các mô hình này tiết kiệm được 30 - 40% nước tưới so với phương pháp tưới truyền thống, tiết kiệm 30 - 40% lượng phân bón so với bón phân thủ công, giảm trên 90% chi phí nhân công tưới và bón phân.
Đáng chú ý, công nghệ này phù hợp địa hình đồi dốc ở Tây Nguyên, dễ lắp đặt và vận hành bảo dưỡng, tăng được năng suất cà phê từ 15% - 20%. Trong khi đó, chi phí đầu tư khoảng 50 triệu đồng/ha, thời hạn sử dụng tối thiểu là 10 năm.
Dự hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hùng, nông dân trồng cà phê ở Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng cho biết, diễn đàn này rất bổ ích, giúp ông thấy được nhiều ưu điểm của mô hình tưới nhỏ giọt. Tuy chi phí đầu tư hơi cao nhưng ông sẽ mạnh dạn áp dụng vào vườn cà phê 2ha của gia đình trong niên vụ cà phê tới.
“Lâu nay người nông dân làm theo quy trình mỗi năm chỉ tưới từ 1 - 2 đợt. Nếu tưới tràn sẽ tốn nước nhưng lại chỉ đáp ứng lượng nước cho cây trong thời gian ngắn, khiến hiệu quả sử dụng phân bón thấp, chi phí cao, gây lãng phí. Qua hội thảo này với mô hình tưới nhỏ giọt rất hiệu quả, sẽ tiết kiệm được nước, phân bón, nhân công... đây là điều mà nông dân rất mong muốn”, ông Nguyễn Thanh Hùng cho biết./.
Related news
Để giúp cá mau lớn, giảm rủi ro bệnh tật, hiện nay nhiều “đại gia” nuôi cá tra ở miền Tây thuê hẳn cả đội ngũ “ôsin” hút bùn chuyên nghiệp, chỉ cáng đáng mỗi việc “tẩy” sạch chất cặn bã dưới đáy ao.
Sau 4 tháng triển khai thực hiện mô hình trồng bắp lai thương phẩm, đến nay người dân xã Phước Đại (Bác Ái, Ninh Thuận) đã thu hoạch với năng suất và hiệu quả kinh tế đạt cao.
Thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ năm 2010, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) đã bắt đầu đưa cây măng cụt vào trồng thí điểm tại một số xã. Kết quả cho thấy, cây măng cụt phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể. Dự kiến trong tương lai không xa, cây măng cụt sẽ là một trong số giống cây ăn quả chủ lực được trồng trên địa bàn toàn huyện.
Những mùa thu hoạch cá lồng bè đã từng mang về cho ngư dân Long Sơn (TP.Vũng Tàu) hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng nay đã trở thành chuyện dĩ vãng. Vài năm trở lại đây, người nuôi cá lồng bè liên tục bị trắng tay bởi nuôi con gì chết con nấy!.
Vừa qua, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bình Tân (Vĩnh Long) có kế hoạch tập huấn nông dân về biện pháp phòng trừ sâu đục củ khoai lang.