Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khan Hiếm Tôm Hùm Giống

Khan Hiếm Tôm Hùm Giống
Publish date: Monday. March 3rd, 2014

Mùa bắt tôm hùm giống đã vào chính vụ từ hơn 2 tháng nay, nhưng lượng tôm giống bắt được ít hơn so với mọi năm. Việc khan hiếm tôm hùm giống không chỉ là nỗi buồn của những ngư dân làm nghề săn tôm hùm giống, mà còn gây không ít khó khăn cho những người nuôi loài đặc sản này…

Ra biển săn tôm hùm giống

Từ sáng sớm, ngư dân đã ra biển kiểm tra bẫy tôm hùm.

6 giờ sáng, khi mặt trời vừa ló dạng, chúng tôi cùng anh Nguyễn Thanh Long - tổ dân phố Đông Cát, phường Ninh Hải (Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã ra biển săn tôm hùm giống. Sớm mai, bãi biển Ninh Hải yên bình đến lạ, chỉ có những chiếc thúng chai dập dềnh trên sóng nước của những người làm nghề bẫy tôm hùm giống. Gặp mấy người bạn nghề, anh Long hỏi chuyện tôm tép rồi vác thúng ra biển.

Sau mấy phút chèo, chúng tôi đã đến vùng bẫy tôm, nơi có những phao xốp nổi thành hàng như kiểu phân luồng giao thông trên biển. Tạm nghỉ tay chèo, người ngư dân làng biển giới thiệu sơ về nghề: Ngày trước, người ta thường lặn bắt tôm hùm con ở các rạn đá san hô, về sau người dân nảy ra sáng kiến lấy những cục đá san hô nhỏ khoan nhiều lỗ bằng ngón tay út để dụ tôm vào ở.

Hàng trăm cục đá san hô ấy được buộc vào một sợi dây thừng bện chắc chắn (ngư dân gọi là dây triên) có gắn phao xốp rồi thả xuống nước. Đêm, tôm hùm con bò đi kiếm ăn, gặp những chiếc tổ nhân tạo bèn chui vào trú ngụ. Mỗi ngày, người bắt tôm hùm đi kiểm tra bẫy một lần.

Anh Nguyễn Văn Oan - ngư dân phường Ninh Hải, Ninh Hòa kiểm tra bẫy tôm hùm.

Dứt câu chuyện, anh Long cúi rạp người xuống nước, với tay vào sợi dây, lần lượt nhấc từng cục đá để kiểm tra bẫy; chúng tôi thì dõi theo trong sự đợi chờ háo hức.

Lần lượt 50 cục đá được nhấc lên nhưng chưa có gì, thêm 50 cục nữa nhưng tôm con vẫn biệt tăm. “Nếu bẫy tôm hùm mà dễ ăn như vậy thì ngư dân chúng tôi đã giàu từ lâu rồi”, anh Long nói vui trước vẻ sốt ruột của chúng tôi. Thời gian trôi đi, mặt trời ngày một lên cao, mồ hôi vã ra như tắm... nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy được con tôm hùm nào.

Mãi đến cái bẫy thứ 300, khi sự hào hứng của chúng tôi đã xìu xuống, anh Long bất chợt reo lên “có rồi’. Đó là một con tôm nhỏ màu hơi trắng nằm trong lỗ bẫy, nếu như không có cặp râu dài ngoằng đặc trưng của loài tôm hùm đang ngoe nguẩy thì rất khó phát hiện.

Theo anh Long, đó là con tôm sao, loài có giá nhất trong các loại tôm hùm. “Tôm có hai sợi râu trong suốt, đầu râu có đóng hai đầu chì đó là tôm xanh; còn con tôm có hai sợi râu đục, đầu râu cũng có hai đầu chì nhưng hơi ngả màu đen, ấy mới chính hiệu là tôm sao”, anh chia sẻ kinh nghiệm.

Đó cũng là con tôm duy nhất anh Long bắt được trong sáng hôm ấy. Dò hỏi những người bạn nghề của anh, người nhiều nhất cũng chỉ bắt được 2 con. Có người suốt mấy ngày nay chưa bắt được con tôm nào...

Mất mùa...

Theo những ngư dân, nghề bẫy tôm hùm xuất phát đầu tiên ở Lương Sơn, xã Vĩnh Lương (Nha Trang), sau đó lan ra nhiều địa phương trong tỉnh. Hiện tại, chỉ riêng phường Ninh Hải đã có hơn 100 hộ làm nghề bắt tôm hùm con (từ tháng 11 âm lịch năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau), trong đó có 36 hộ làm nghề bẫy bằng đá san hô.

Anh Nguyễn Quang Đức cho biết, anh làm nghề này đã 6 năm nhưng đây là năm tôm hùm giống ít nhất. Từ đầu vụ đến nay, ngày nhiều nhất anh bắt được 3 con, nhiều hôm chẳng được con nào.

“Cách đây 3 năm, có ngày tôi trúng được 100 con tôm hùm con. Giờ chỉ mong ngày có 1-2 con để kiếm cơm mà cũng khó”, anh Đức nói. Theo các ngư dân, cũng vào mùa này những năm trước, người dân làng biển thường bàn tán xôn xao về chuyện người này, người kia vô mánh trúng một lúc vài chục con, còn bây giờ chỉ biết lắc đầu nhìn nhau.

Đến nhà bà Phạm Thị Lô, 1 trong 5 chủ chuyên thu mua tôm hùm con ở Ninh Hải, hỏi chuyện tôm hùm, bà Lô cho biết: “Hôm nay tôi chỉ mua được 7 con nên phải sang lại cho người khác. Tình trạng khan hiếm tôm giống đã diễn từ đầu vụ đến nay”.

Tại xã Vĩnh Lương (TP. Nha Trang), nơi có khoảng 400 hộ làm nghề bẫy, bắt tôm hùm giống, ngư dân cũng kém vui vì lượng tôm giống bắt được sút giảm nghiêm trọng. Vừa trở về sau gần một ngày lặn bắt tôm hùm, ông Nguyễn Văn Hùng chán nản nói: “Suốt 2 ngày nay dầm mình dưới nước, tôi không kiếm được con nào”.

Theo ông Nguyễn Phước - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Lương, năm nay mất mùa tôm hùm giống, bình quân mỗi người chỉ bắt được 1 con/ngày, trong khi những năm trước 4-5 con/ngày. “Năm trước, có hộ thu đến cả trăm triệu đồng nhờ tôm hùm giống, nhưng năm nay, theo ước tính, người nhiều nhất cũng chỉ được khoảng 30 triệu đồng”, ông Phước nói.

Ở huyện Vạn Ninh, mùa tôm hùm giống cũng đang khá ảm đạm. Trao đổi qua điện thoại, ông Trần Minh Trường - Trưởng thôn Ninh Đảo (xã Vạn Thạnh, Vạn Ninh) cho biết, năm nay vì biển êm nên tôm hùm vào đẻ ở các bãi san hô trong vịnh Vân Phong không nhiều. “Mọi năm, mỗi gia đình ở Ninh Đảo thu nhập ít nhất vài chục triệu đồng từ nghề bắt tôm hùm con, nhưng năm nay thấp hơn nhiều”.

Chờ giống

Việc khan hiếm tôm hùm giống đã ảnh hưởng lớn đến nghề nuôi tôm hùm ở nhiều địa phương trong tỉnh. Ông Hoàng Đình Minh - Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Phúc Nam (TP. Cam Ranh) cho biết, toàn xã có khoảng 1.900 lồng tôm hùm nhưng vì tôm giống khan hiếm, giá cao nên đến nay người dân mới thả nuôi khoảng 50%.

“Anh em tôi có 16 lồng nhưng mới thả được 6 lồng với hơn 600 con tôm giống (tôm sao), 10 lồng còn lại tuy đã đặt hàng nhiều chủ vựa nhưng đến nay vẫn chưa có để thả. Nếu thời gian tới không có giống, chúng tôi sẽ chuyển một số lồng sang nuôi cá”, ông Minh cho hay.

Ở xã Cam Bình (TP. Cam Ranh), một trong những địa phương có phong trào nuôi tôm hùm rất phát triển cũng đang gặp tình trạng tương tự. Chị Nguyễn Thu Hòa, người nuôi tôm lâu năm ở đảo Bình Ba cho biết, hiện tôm hùm sao được các chủ vựa bán với giá từ 370.000 - 450.000 đồng/con (tùy kích cỡ), đắt hơn những năm trước khoảng 100.000 đồng/con.

Vì giá tôm sao cao, không dám mạo hiểm đầu tư nên vụ này chị Hòa mua 1.500 con giống tôm hùm xanh (120.000 đồng/con) để thả nuôi trước 6 lồng. Chị đang chờ giá tôm hùm sao thấp hơn để thả tiếp 4 lồng còn lại.

Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Khánh Hòa, dự tính năm 2014, toàn tỉnh có 19.000 lồng tôm hùm (năm 2013 là 18.842 lồng). Hiện nay, tôm hùm giống chưa thể tiến hành sinh sản nhân tạo, nghề nuôi tôm hùm lồng hoàn toàn phụ thuộc vào việc khai thác tôm hùm con ngoài tự nhiên nên khá bấp bênh.

“Khả năng tôm hùm giống khai thác ở các vùng biển Khánh Hòa chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu của người dân trong tỉnh, số còn lại trông chờ nguồn giống từ các địa phương khác và giống nhập khẩu từ nước ngoài”, ông Huỳnh Kim Khánh - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh cho biết.


Related news

Nghĩ Suy Trên Đường Mủ Trôm, Muối Tôm Và Khách Du Lịch Nghĩ Suy Trên Đường Mủ Trôm, Muối Tôm Và Khách Du Lịch

Ngày 23/9/2014, một tờ báo của người Việt tại Hoa Kỳ giới thiệu mủ trôm với độc giả của mình. Theo tờ báo này, mủ trôm đáng quý vì ngoài tác dụng thanh nhiệt, mát gan, giải độc gan, giảm mỡ trong máu, hỗ trợ điều trị về bệnh gan, mụn nhọt… còn dùng chữa trị các loại bệnh da nhờn, nhiều mụn, giúp mau liền vết thương, ngăn ngừa nhăn da, làm chậm tiến trình lão hóa da, làm da tươi sáng, hỗ trợ tiêu hóa…

Friday. October 17th, 2014
Liên Minh Hải Quan Sẽ Thanh Tra Thủy Sản Việt Nam Liên Minh Hải Quan Sẽ Thanh Tra Thủy Sản Việt Nam

Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) cho biết 25 doanh nghiệp chế biến thủy sản đang được phép xuất khẩu vào Liên minh hải quan sẽ phải tiếp đoàn thanh tra. Ngoài ra, 41 doanh nghiệp đang đăng ký để xuất khẩu thủy sản vào Nga cũng phải làm việc với đoàn này.

Friday. October 17th, 2014
Nghĩ Từ Cây Cam Cao Phong Nghĩ Từ Cây Cam Cao Phong

Tham gia giải thể thao Phan Xi Păng do Báo Hòa Bình vừa tổ chức tại TP. Hòa Bình, những người làm báo Điện Biên Phủ không chỉ được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm làm báo từ các báo bạn mà còn thấy được cách làm kinh tế hiệu quả của nông dân Hòa Bình.

Friday. October 17th, 2014
Cần Nhân Rộng Mô Hình Trồng Xen Cây Nông Nghiệp Ngắn Ngày Trong Nương Cao Su Cần Nhân Rộng Mô Hình Trồng Xen Cây Nông Nghiệp Ngắn Ngày Trong Nương Cao Su

Tại xã Mường Mùn (huyện Tuần Giáo), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông - lâm nghiệp Tây Bắc vừa phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội nghị đánh giá kết quả và khuyến cáo một số giải pháp xây dựng mô hình trồng xen cây nông nghiệp ngắn ngày trong nương đồi cao su giai đoạn kiến thiết cơ bản tại một số huyện trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Friday. October 17th, 2014
Hội Nông Dân Tủa Chùa Giúp Hội Viên Phát Triển Kinh Tế Hội Nông Dân Tủa Chùa Giúp Hội Viên Phát Triển Kinh Tế

Hội Nông dân huyện Tủa Chùa có 12 cơ sở hội, 138 chi hội với gần 7.000 hội viên. Trong đó, số lượng hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn chiếm 54% tổng số hội viên. Xác định việc giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là một nhiệm vụ quan trọng góp phần giúp hội viên ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh.

Friday. October 17th, 2014