Khai Phá Thị Trường Sữa Tươi
Nhiều DN sữa tại Việt Nam đang hướng tới phân khúc sữa tươi, hiện mới chiếm 30% tổng thị trường sữa nước, đạt mức 200.000 tấn, trị giá 6.000 tỷ đồng trong năm 2013. Nhưng đây cũng là phân khúc kén nhà đầu tư từ phát triển vùng nguyên liệu, đến công nghệ chế biến.
Hiện trên thị trường Việt Nam có 4 đơn vị nổi bật trong sản xuất kinh doanh sữa tươi là Vinamilk, TH True Milk, Mộc Châu Milk, Sữa quốc tế IDP. Đây là những đơn vị khá mạnh về tiềm lực kinh tế. Điển hình như TH True Milk được biết đến là đơn vị thuộc vào diện nổi bật của ngành sữa tươi cũng cần lưng vốn đầu tư là 1,2 tỷ USD cho dự án sữa tươi sạch. Sau 2 năm hoạt động, dự án đã đem về cho Tập đoàn TH khoảng 3.000 tỷ đồng và kỳ vọng đến năm 2015 doanh thu này sẽ tăng gấp 3 lần.
Điều đó cho thấy tiềm năng của phân khúc sữa tươi ở Việt Nam là rất lớn nhưng không dễ đón nhận nếu các doanh nghiệp yếu về tiềm lực tài chính cũng như hạn chế về mặt ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi bò sữa.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), nhu cầu sữa tươi tăng cao, tạo động lực để nhiều công ty sữa triển khai chương trình phát triển vùng nguyên liệu, mở rộng cơ sở chế biến sữa, góp phần đưa ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa của Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, và cần được “chăm sóc” căn cơ hơn.
Cụ thể là quy hoạch lại vùng chăn nuôi bò sữa theo hướng quy mô công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu chọn tạo giống bò cao sản ở các vùng tập trung có tiềm năng về đất đai và vệ sinh phòng bệnh tốt. Cùng với đó là thiết lập hệ thống quản lý được hệ thống giống bò. Xây dựng các tiêu chuẩn giám định chọn lọc giống bò sữa, chọn lọc cá thể; nghiên cứu chế biến thức ăn bằng cách sử dụng hợp lý các phụ phẩm công- nông nghiệp...
Để có một cơ cấu giá khách quan cho người chăn nuôi không bị thua lỗ, đồng thời nhà máy chế biến cũng mua được giá hợp lý nhất, ông Dương đề nghị hình thành Ủy ban Sữa Quốc gia bao gồm đại diện người sản xuất sữa, nhà chế biến sữa, Hội người tiêu dùng và đại diện cơ quan của Chính phủ.
Thị trường rộng nhưng lại kén nhà đầu tư là đặc điểm của ngành sữa nước hiện nay. Để phát triển được nguồn nguyên liệu sữa tươi chất lượng thì Việt Nam phải phát triển được ngành chăn nuôi bò sữa theo đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật. Sự chủ động của doanh nghiệp xây dựng thị trường cần đồng hành với những chính sách từ gốc như chiến lược chăn nuôi bò sữa cho đến cơ chế giám sát chất lượng sữa và giá sữa trên thị trường. Đây cũng là lối mở duy nhất để doanh nghiệp và người chăn nuôi cùng có sự phát triển bền vững.
Thị trường sữa Việt Nam đang phát triển với tốc độ nhanh chóng khi bình quân sản lượng sữa tươi sản xuất trong nước trên đầu người hiện nay là 4,2 kg (chiếm khoảng 26% tổng lượng sữa tiêu dùng hằng năm). Sản phẩm sữa dạng nước (sữa tươi thanh trùng, sữa tươi tiệt trùng và sữa hoàn nguyên tiệt trùng) tiêu thụ ở Việt Nam hiện là 15 lít/người/năm, trong khi mức tiêu thụ sữa bình quân của châu Á khoảng 35 lít/người/năm.
Related news
Tại Hội thảo “Góp ý đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo” do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) tổ chức ngày 25.8, một số ý kiến cho rằng để tạo động lực cho ngành lúa gạo phát triển, nên bỏ hẳn giấy phép xuất khẩu gạo đi, để ai muốn xuất cũng được.
Dù đã lường trước, nhưng việc đồng nhân dân tệ (NDT) liên tục phá giá đã giáng những cú đấm rất mạnh vào doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông sản.
UBND tỉnh Bình Thuận vừa có quyết định bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2015.
Mới đây, Phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) phối hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư thành phố kiểm tra mô hình nuôi lươn thâm canh lươn đồng tại hộ ông Triệu Hồng Minh, ở ấp 5, xã Vị Tân.
Nuôi tôm vụ 1 năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết bất lợi do nắng nóng kéo dài, tôm chậm lớn, một số diện tích bị dịch bệnh. Thế nhưng vẫn có những hộ đạt năng suất cao từ áp dụng quy trình nuôi tôm VietGAP. Bài học kinh nghiệm được đúc rút là quản lý tốt mật độ nuôi và chất lượng nguồn nước.