Kênh Tiền Tỷ Nằm Chờ Đồng Ruộng Cải Tạo

Công trình cải tạo đồng ruộng, dồn điền, đổi thửa 36 ha đất ruộng tại thôn 1, thôn 2 xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) chính thức khởi công vào năm 2010. Nhưng đến thời điểm này, sau 4 lần gia hạn, UBND xã Nghĩa Lâm mới chỉ cải tạo được 4,7 ha.
Về xứ đồng “khát”
Dưới cái nắng gần 40 độ của buổi trưa tháng 5, nhưng những nông dân ở xứ đồng Thổ Bến Bảy Tề, xứ đồng Thổ Chợ và Thổ Đảm của thôn 1, thôn 2 xã Nghĩa Lâm vẫn gắng gượng vun xới đất. Chân ruộng gồ ghề, nơi gò, chỗ trũng cộng với hệ thống kênh mương chưa hoàn thiện, khiến việc sản xuất của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Đoàn Sáng, thôn 1, xã Nghĩa Lâm phân trần: “Ruộng chỗ lồi, chỗ lõm, khiến cho chúng tôi tốn thêm rất nhiều công sức trong việc đảm bảo tưới tiêu. Nơi thì lõm xuống như ao cá, nơi thì gồ lên như cái gò, làm sao nước có thể chảy đồng đều qua các ruộng”.
Không chỉ khổ vì mặt ruộng không bằng phẳng, mà sự manh mún ruộng đất tại các xứ đồng này còn khiến cho việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như cơ giới hóa vào nông nghiệp, nông thôn còn nhiều hạn chế. Các xứ đồng chưa có hệ thống giao thông nội đồng liên vùng nên gây khó khăn cho việc vận chuyển vật tư và sản phẩm thu hoạch. Vì thế, việc cải tạo đồng ruộng kết hợp với dồn điền đổi thửa cho các xứ đồng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Kênh “đắp mền” chờ ruộng
Nhằm tạo điều kiện cho người dân các xứ đồng trên có thể thuận lợi sản xuất, năm 2012, UBND huyện Tư Nghĩa đã tiến hành kiên cố hóa hệ thống kênh NBm2A để cung cấp nước tưới cho hàng chục hecta hoa màu nơi đây. Tuy nhiên, do kênh NBm2A thấp hơn so với mặt ruộng nên kênh NBm2A chỉ có thể phát huy được tác dụng, nếu như việc cải tạo 36ha ruộng của các xứ đồng trên hoàn thành.
Trong khi kênh tiền tỷ phải “đắp mền” chờ, thì công trình cải tạo đồng ruộng với diện tích 36 ha dù đã bắt đầu thực hiện từ năm 2010, nhưng đến giờ vẫn mới chỉ cải tạo chưa đến 5ha. Lý giải về vấn đề này, ông Trương Văn Lệ - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm cho biết: “Đặt ý kiến của người dân lên trên hết.
Nên trước khi triển khai cải tạo, chúng tôi đều tổ chức họp dân để trưng cầu ý kiến. Tuy nhiên, bên cạnh những người đồng tình ủng hộ vẫn còn nhiều hộ dân kiên quyết phản đối vì lo sợ san ủi đất xong, ruộng sẽ bị ngập úng.
Dù chúng tôi đã hết lòng giải thích vai trò của cải tạo đồng ruộng, nhưng tại một số xứ đồng, chúng tôi vẫn chưa thể thống nhất được ý kiến”.
Ngoài lý do chưa nhận được sự đồng thuận của người dân, ông Lệ còn cho biết thêm: “Công tác cải tạo chậm tiến độ còn vì vướng phải hành lang đường bộ do nằm sát tỉnh lộ, đồng thời một số người dân đòi hỏi chi phí đền bù hoa màu quá cao, nên địa phương không có nguồn kinh phí để chi trả”.
Vậy là trong khi chờ đợi sự thống nhất của người dân, con kênh NBm2A chảy ngang qua các xứ đồng dù có nước dồi dào nhưng ruộng đồng nơi đây vẫn phải chịu cảnh triền miên trong “cơn khát”.
Là một trong những mục tiêu quan trọng trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, nhưng đến nay, do chưa nhận được sự đồng thuận của người dân nên xã Nghĩa Lâm vẫn chưa thể dồn điền, đổi thửa, sắp xếp lại ruộng đồng. Điều này đòi hỏi chính quyền địa phương phải nỗ lực hơn nữa mới đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Related news

Sinh năm 1983, đến nay anh Đào Trọng Hiệp, xã Thủ Sĩ (Tiên Lữ - Hưng Yên) đã là chủ một trang trại chuyên sản xuất lợn giống và nuôi lợn thịt, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho mọi người trong gia đình.

Trung tâm Giống Thủy sản An Giang vừa triển khai thành công dự án “Phát triển mô hình sản xuất giống lươn đồng bằng phương pháp sinh sản bán nhân tạo tại An Giang”, do Kỹ sư Triệu Thị Y Vanne làm chủ nhiệm. Tổng kinh phí thực hiện dự án trên 580 triệu đồng, trong đó ngân sách sự nghiệp khoa học hỗ trợ trên 408,6 triệu đồng.

Hơn tuần qua, giá lúa tại nhiều tỉnh ĐBSCL tăng thêm 300 - 400 đ/kg. Tuy nhiên, nhiều nông dân ở Vĩnh Long không vui, bởi phần lớn họ đã bán hết lúa từ trước đó.

Nhiều năm qua, phong trào nuôi cá lóc mùa lũ ở xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang thu được nhiều kết quả khả quan và được bà con nông dân vùng lũ nhân rộng. Mô hình này không cần diện tích rộng, người nuôi tận dụng thức ăn sẵn có trong mùa lũ, chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận cao. Đặc biệt, mô hình đã giải quyết công ăn việc làm lúc nông nhàn cho bà con vùng lũ.

Đó là Dự án “Hỗ trợ nâng cao chất lượng phát triển sản xuất lợn giống” tại xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, do Phòng NN – PTNT huyện triển khai từ năm 2009; giúp gần 200 hộ có con giống, kinh nghiệm nuôi lợn nái để bán giống cũng như phục vụ nhu cầu nuôi lợn thịt của gia đình. Đã có rất nhiều hộ thoát đói nghèo từ Dự án ý nghĩa này.