Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Huyện Điện Biên sẵn sàng sản xuất vụ mùa

Huyện Điện Biên sẵn sàng sản xuất vụ mùa
Publish date: Wednesday. June 17th, 2015

Trên cánh đồng Mường Thanh, rộn rã tiếng người, tiếng máy khẩn trương để kịp khung thời vụ sản xuất lúa vụ mùa năm 2015. Ông Lò Văn Ba, xã Thanh An (huyện Điện Biên) cho biết: Vụ đông xuân năm nay được mùa. Hơn nữa, quãng thời gian giữa 2 vụ đông xuân và vụ mùa rất ngắn nên chúng tôi phải xuống đồng cày sớm để làm dập rạ nếu không đến khi gieo lúa vụ mùa gốc rạ cũ vẫn còn gây ảnh hưởng năng suất.

Tại xã Thanh Xương, sau những ngày mưa liên tiếp, bà con nông dân đã đồng loạt ra đồng củng cố bờ thửa, nạo vét kênh mương, tiến hành làm đất. Ông Nguyễn Văn Toàn, xã Thanh Xương cho biết: Những cơn mưa nặng hạt đầu mùa vừa qua đã giúp cho những thửa ruộng mới thu hoạch có đầy nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm đất. Hôm nay, trời nắng ráo, tôi huy động nhân lực của gia đình ra đồng để làm đất, tu sửa lại bờ ruộng, chuẩn bị sản xuất lúa vụ mùa. Hiện 100% diện tích ruộng của gia đình đều được cày bừa bằng máy nên tiến độ làm đất rất nhanh, chỉ mất 2 – 3 ngày toàn bộ diện tích đã được máy phay xong. Vụ mùa năm nay, tôi gieo cấy 6.000m2 lúa. Để tiếp tục thắng lợi như vụ đông xuân vừa rồi, tôi sẽ tuân thủ nghiêm lịch thời vụ, cơ cấu giống và tiến hành sản xuất theo quy trình kỹ thuật mà cán bộ khuyến nông huyện đã tập huấn cách đây mấy hôm.

Cũng như xã Thanh Xương, hầu hết các xã vùng lòng chảo huyện Điện Biên đều đang tích cực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho gieo cấy vụ mùa. Ông Trần Công Kha, Chủ tịch UBND xã Noong Hẹt cho biết: Vụ lúa mùa năm nay, toàn xã gieo cấy 392ha. Hiện UBND xã đang chỉ đạo các thôn, bản, đội vận động bà con tranh thủ thời tiết thuận lợi, làm đất chuẩn bị sản xuất vụ mùa. Do vừa kết thúc vụ đông xuân, gốc rạ vẫn còn tươi nên công đoạn làm đất phải đảm bảo kỹ lưỡng, sạch cỏ dại, mặt ruộng phải được là phẳng, có rãnh thoát nước xung quanh, không để ruộng mấp mô, đọng nước. Những mảnh ruộng có diện tích lớn cần tạo rãnh nhằm thuận tiện cho việc tưới tiêu, chăm sóc và thu gom ốc bươu vàng. Cán bộ khuyến nông xã tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất vụ mùa cho từng bản, thôn, đội; thông báo khung thời vụ, cơ cấu giống để bà con chủ động trong công tác chuẩn bị giống, bảo quản, xử lý hạt giống và tiến hành gieo cấy đúng khung thời vụ.

Ông Phạm Văn Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thông huyện Điện Biên cho biết: Vụ mùa năm nay, toàn huyện gieo cấy 6.338,4ha lúa. Trong đó, 10 xã vùng lòng chảo gieo cấy 4.100,8ha và 15 xã vùng ngoài là 2.237,6ha. Từ kết quả thắng lợi vụ đông xuân 2014 – 2015, phòng chỉ đạo các xã yêu cầu bà con tuân thủ quy trình kỹ thuật xuống giống và cơ cấu giống của vụ mùa. Cơ cấu giống cụ thể như sau: Giống lúa lai nghi hương 2308, nhị ưu 838 chiếm 5%; IR64 (10 – 15%); các giống lúa thơm: bắc thơm số 7, tẻ thơm T10, HT1 (55 – 60%); các giống nếp: N97, IR352 (10%); còn lại là các loại giống khác.

Theo chỉ đạo của UBND huyện, vụ mùa năm 2015 chủ yếu gieo trà chính vụ từ 25 – 30/6 tại các chân ruộng 1 vụ; còn các chân ruộng không kịp làm đất để gieo cấy đúng khung thời vụ cần gieo cấy kết thúc trước ngày 5/7 và trên các chân ruộng 2 vụ cần sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng ngắn để đảm bảo gieo theo lịch thời vụ. Thời gian gieo mạ từ 15 – 20/6, thời gian cấy từ 10 – 15/7.

Để nông dân nắm vững quy trình sản xuất, khung thời vụ vụ mùa, Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Điện Biên đã tổ chức tập huấn cho 100% cán bộ khuyến nông các xã trên địa bàn huyện. Bà Đặng Thị Hồng, Trạm trưởng Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Điện Biên cho biết: Nội dung tập huấn tập trung vào quy trình kỹ thuật sản xuất lúa vụ mùa như: Vệ sinh đồng ruộng, thời vụ gieo trồng, cơ cấu giống, kỹ thuật chăm sóc, cách sử dụng phân bón cho từng thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây lúa; phòng trừ sâu bệnh cho lúa… Có thể nói, bà con nông dân huyện Điện Biên đang chuẩn bị điều kiện tốt nhất để sản xuất lúa vụ mùa năm 2015.


Related news

Nuôi chim bồ câu vốn ít, hiệu quả cao Nuôi chim bồ câu vốn ít, hiệu quả cao

Với 200 cặp chim bồ câu sinh sản, mỗi năm gia đình chị Nguyễn Thị Kim, xóm Đèo Khê, xã Tân Kim (Phú Bình) thu nhập được khoảng 80 triệu đồng từ bán chim bồ câu thương phẩm.

Wednesday. November 25th, 2015
Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi phức tạp Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi phức tạp

Nhằm kịp thời ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, ngành thú y tỉnh Vĩnh Long đã và đang kiểm tra tại các hộ, cơ sở chăn nuôi, các điểm kinh doanh thức ăn chăn nuôi trong toàn tỉnh.

Wednesday. November 25th, 2015
Thức ăn ngoại chi phối thị trường - Bài 1 Thức ăn ngoại chi phối thị trường - Bài 1

Khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đạt thỏa thuận, những ai quan tâm đều hiểu rằng hội nhập đang ngấp nghé ở sân nhà. Nếu TPP có hiệu lực (dự kiến cuối năm 2017 hoặc đầu 2018), thuế nhập khẩu các mặt hàng chăn nuôi sẽ dần trở về 0%.

Wednesday. November 25th, 2015
Đề nghị hỗ trợ 20.000 liều vắc xin lở mồm long móng Đề nghị hỗ trợ 20.000 liều vắc xin lở mồm long móng

UBND tỉnh Phú Yên vừa có văn bản gửi Bộ NN-PTNT đề nghị bộ này hỗ trợ cho tỉnh 20.000 liều vắc xin lở mồm long móng (LMLM) tuýp O, A và 20.000 lít thuốc sát trùng Benkocide để phòng và chống dịch LMLM đang xảy ra trên địa bàn.

Wednesday. November 25th, 2015
Xây dựng 5 xã an toàn dịch bệnh Xây dựng 5 xã an toàn dịch bệnh

Bình Dương thực hiện đề án “Thí điểm xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với gia súc và gia cầm, giai đoạn 2015 - 2020” với mục tiêu xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với cúm gia cầm tại các huyện của 5 tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh.

Wednesday. November 25th, 2015