Hướng Phát Triển Mới Của Mô Hình Nuôi Cá Trắm Đen Bổ Sung Thức Ăn Công Nghiệp
Thực hiện chương trình khuyến ngư năm 2013, Chi cục Thuỷ sản Ninh Bình đã triển khai xây dựng mô hình nuôi cá trắm đen bổ sung thức ăn công nghiệp với quy mô 9.000 m2 tại các hộ thuộc huyện Gia Viễn. Sau 8 tháng triển khai, mô hình đã hoàn thành và cho kết quả khả quan, mở ra hướng phát triển mới trong chăn nuôi thuỷ sản nước ngọt.
Trong những năm gần đây, nhiều hộ ở các địa phương trong tỉnh đưa vào phát triển mô hình nuôi cá trắm đen với nhiều hình thức khác nhau như nuôi thả ao, nuôi lồng... cho hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, việc thực hiện nuôi thả cá trắm đen theo phương pháp truyền thống là cho ăn ốc và nguồn thức ăn tự nhiên nên cá lớn chậm, dễ gây ô nhiễm môi trường nguồn nước. Trong khi nguồn thức ăn tự nhiên ngày càng hạn hẹp và chi phí đầu tư khá cao. Do đó, để nuôi cá trắm đen đạt hiệu quả bền vững cần áp dụng các tiến bộ về khoa học để đổi mới phương pháp nuôi, đặc biệt là nguồn thức ăn cho cá.
Trên cơ sở đó, Chi cục Thuỷ sản đã chọn giải pháp nuôi cá trắm đen có sử dụng thức ăn công nghiệp thay thế một phần thức ăn tươi sống nhằm thay đổi tập tính của loài cá trắm đen từ một loài ưa thích ăn ốc, thức ăn tự nhiên sang ăn thức ăn công nghiệp, qua đó chủ động nguồn thức ăn cho cá, giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất và nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích nuôi.
Mô hình nuôi cá trắm đen bổ sung thức ăn công nghiệp đã chọn 2 hộ (hộ ông Đinh Văn Bốn và hộ Nguyễn Văn Ngọc) thuộc xã Gia Phương, huyện Gia Viễn có đầy đủ các điều kiện về năng lực tài chính, kỹ thuật, có diện tích ao nuôi lớn và cam kết tuân thủ theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật phụ trách để triển khai thực hiện mô hình.
Sau khi thực hiện tốt công tác chuẩn bị ao nuôi như rút nước, dọn sạch cỏ rác, vớt bùn bẩn, vệ sinh ao nuôi bằng vôi bột, giữa tháng 4-1013, Chi cục Thuỷ sản đã hướng dẫn các hộ tham gia mô hình thả 7.200 con cá giống trên diện tích 9.000 m2 ao nuôi. Để dần thay đổi thói quen, tập quán về thức ăn của cá trắm đen, các hộ đã thực hiện theo đúng quy trình hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ phụ trách.
Theo đó, thức ăn chính cho cá vẫn là ốc và bổ sung thêm thức ăn công nghiệp. ở giai đoạn đầu sử dụng ốc làm thức ăn chính cho cá, ngày cho ăn 2 lần với tỷ lệ thức ăn 10-12% trọng lượng cá trong ao. Khi cá đạt trọng lượng từ 0,4-1,6 kg bổ sung thêm thức ăn công nghiệp cho cá với tỷ lệ 2-5% trọng lượng cá.
Bên cạnh đó, các hộ cũng thực hiện tốt công tác quản lý môi trường ao nuôi (thường xuyên kiểm tra bờ, cống, lưới chắn; theo dõi diễn biến màu nước, độ sâu của nước để bổ sung kịp thời, ….) và theo dõi sinh trưởng của cá.
Do điều kiện vùng nuôi chủ động nguồn nước ra vào, đồng thời quản lý môi trường ao nuôi tốt nên trong suốt thời gian nuôi, yếu tố môi trường nước luôn được duy trì ổn định phù hợp cho cá sinh trưởng, phát triển thuận lợi ở cả 2 ao nuôi. Công tác phòng bệnh luôn được quan tâm và áp dụng chặt chẽ các biện pháp theo hướng dẫn kỹ thuật nên trong quá trình nuôi không xảy ra dịch bệnh.
Sau thời gian 8 tháng, nuôi theo hình thức bổ sung thêm thức ăn công nghiệp cho thấy cá lớn nhanh, chất lượng cá thương phẩm tốt. Sản lượng mô hình đạt gần 9,5 tấn, năng suất đạt 10,54 tấn/ha, sau khi trừ chi phí lãi thu được trên 330 triệu đồng/ha. Thành công của mô hình tạo ra một hướng đi mới trong nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt.
Ông Đinh Văn Bốn, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn cho biết: Được Chi cục Thuỷ sản lựa chọn tham gia mô hình nuôi cá trắm đen bổ sung thêm thức ăn công nghiệp, tôi được hỗ trợ con giống, thức ăn công nghiệp, kỹ thuật nuôi thả cá trắm đen. Với diện tích ao nuôi 5.000m2, tôi đã thả 4.000 con giống và thực hiện đầy đủ các biện pháp, quy trình kỹ thuật của cán bộ phụ trách. Sau gần 8 tháng, tỷ lệ sống của cá ước đạt 82%, sản lượng cá thu hoạch đạt 5,3 tấn, ước tính trừ chi phí gia đình tôi thu lãi trên 146 triệu đồng.
Như vậy, so với cách nuôi truyền thống, phương pháp mới cho hiệu quả cao. Từ kết quả này, trong năm 2014, gia đình tôi dự định nhân rộng gấp đôi mô hình.
Theo ông Tạ Văn Giáp, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản: Mô hình nuôi cá trắm đen bổ sung thức ăn công nghiệp tại xã Gia Phương là một trong những mô hình mà Chi cục đã triển khai khá tốt trong năm 2013. Mô hình đã thực hiện đúng tiến độ, thực hiện hỗ trợ đúng định mức đã phê duyệt và đã đạt được hiệu quả cao, năng suất ước đạt trên 10 tấn/ha, vượt chỉ tiêu so với định mức ban đầu đề ra. Việc bổ sung thức ăn công nghiệp để thay thế thức ăn tươi sống trong từng giai đoạn sinh trưởng của cá đã giảm ô nhiễm môi trường nguồn nước ao nuôi và chi phí công lao động.
Trên cơ sở kết quả nghiệm thu mô hình nuôi cá trắm đen bổ sung thức ăn công nghiệp ở xã Gia Phương (Gia Viễn), trong thời gian tới Chi cục Thuỷ sản tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để bà con nông dân trong tỉnh nắm bắt kỹ thuật nuôi, để nhanh chóng nhân rộng mô hình ra các địa phương…
Đồng thời tham mưu, đề nghị với UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp & PTNT tiếp tục hỗ trợ kinh phí để triển khai mô hình trong những năm tiếp theo.
Related news
Những năm gần đây, mức độ thiệt hại mùa màng do chuột trên địa bàn tỉnh Nam Định ngày càng gia tăng do đàn chuột phát triển rất nhanh về số lượng. Ngoài việc gây hại đối với sản xuất nông nghiệp, kho tàng, chuột còn là đối tượng trung gian lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho cộng đồng.
Ngày 31/3, tại khóm Soài Côn, phường 2, thị xã Vĩnh Châu đã tổ chức lễ thành lập Hợp tác xã hành tím Vĩnh Châu. Đây là Hợp tác xã hành tím được thành lập đầu tiên trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu. Dự lễ có đại diện Ban Quản lý Dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng, đại diện các Sở ngành, Ủy ban thị xã Vĩnh Châu và những nông dân tham gia hợp tác xã.
Năm nay, khô hạn khắc nghiệt hơn hẳn mọi năm khiến sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn. Vừa qua, hàng trăm hécta mía ở xã Gia Canh, huyện Định Quán (Đồng Nai) cùng một vài nơi khác cháy rụi khiến nông dân càng bất an, lo lắng.
Vụ xoài năm nay, nhiều chủ vườn đang lao đao khi giống xoài canh nông chủ lực của Cam Lâm (Khánh Hòa) đang bị sâu bệnh gây hại trên 70% tổng diện tích…
Lên kế hoạch ngay từ đầu vụ, chọn giống phù hợp, quản lý cỏ dại kịp thời và triệt để, áp dụng các biện pháp bảo vệ thực vật đúng cách là bốn kỹ năng giúp người trồng ngô (bắp) có vụ mùa bội thu.