Hướng Hóa (Quảng Trị) Mất Mùa Cà Phê
Hiện nay cà phê là loại cây công nghiệp chủ lực ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị). Với diện tích gần 5.000 ha, trong đó có gần 4.500 ha đã cho thu hoạch đem lại giá trị kinh tế hàng năm trên 300 tỷ đồng. Nguồn thu nhập từ cây cà phê không chỉ xóa đói giảm nghèo mà giúp nhiều hộ gia đình trở thành triệu phú.
Để duy trì ổn định và phát triển diện tích cây cà phê trên địa bàn huyện, cùng với việc tập trung chỉ đạo các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động bà con nông dân chăm sóc, trồng mới cây cà phê, năm 2014 huyện Hướng Hóa đã hỗ trợ hơn 16.000 cây giống để tái canh diện tích cà phê đã già cỗi.
Ông Nguyễn Ngọc Khả, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hướng Hóa cho biết, niên vụ cà phê năm 2014 sản lượng cà phê ở Hướng Hóa ước thu khoảng 40 nghìn tấn quả tươi, giá đầu vụ 6.000 đồng/kg quả tươi và hiện nay giá đã lên 8.000 đồng/kg.
Mặc dù được giá nhưng cà phê của huyện Hướng Hóa năm nay lại mất mùa. Hiện nay nông dân trồng cà phê ở các xã Hướng Tân, Hướng Phùng, Pa Tầng, thị trấn Khe Sanh... đã cơ bản hoàn thành vụ thu hoạch cà phê với giá đầu vụ được thu mua ở mức cao hơn vụ trước. Tại thời điểm này giá cà phê tươi được các tiểu thương trên địa bàn thu mua ở mức 7.000 đến 8.000 đ/kg, tăng từ 3.000 đến 4.000 đ/kg so với cùng kỳ năm 2013.
Mặc dù được giá cao nhưng năm nay hầu hết các vườn cà phê ở Hướng Hóa đều bị mất mùa, năng suất giảm. Đến nay toàn huyện có tổng diện tích cà phê hơn 4.600 ha nhưng diện tích có thể cho thu hoạch chỉ khoảng 3.000 đến 3.500 ha.
Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của thời tiết, năm nay cà phê trổ bông đúng vào lúc hạn hán dẫn đến khô bông nên năng suất chỉ đạt khoảng 6 - 7 tấn quả tươi/ha, giảm hơn so với cùng kỳ năm ngoái từ 2 đến - 3 tấn quả tươi/ha. Thực tế đã cho thấy, tình trạng già cỗi đã tác động rất lớn đến năng suất và sản lượng của cà phê trên cùng một diện tích.
Theo chị Nguyễn Thị Thanh ở thị trấn Khe Sanh, cùng điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng nhưng cây cà phê dưới 5 - 10 tuổi cho năng suất bình quân 12 đến 15 tấn quả tươi/ha, trong khi đó trên 10 tuổi năng suất đã giảm hơn 1/2, chỉ còn 7 đến 8 tấn, cây càng già năng suất càng giảm.
Một bất lợi lớn nhất của cây cà phê lâu năm là rất nhạy cảm với thời tiết, khí hậu thay đổi thất thường, gặp nắng hạn là ít ra nụ, khi mưa xuống tỷ lệ bung hoa rất thấp. Ngoài ra khi cây già còn dễ mắc bệnh rụng lá, bệnh rỉ sắt, suất đầu tư thâm canh cũng đòi hỏi lớn hơn.
Khác với mọi năm, vào mùa thu hoạch cà phê nhưng tại thị trấn Khe Sanh không còn cảnh tấp nập của lực lượng lao động khắp nơi đổ về đây tham gia thu hái cà phê. Chị Nguyễn Thị Loan ở xã Hướng Tân cho biết mức đầu tư cho mỗi héc ta cà phê mỗi năm đã lên tới 40 triệu đồng, bao gồm phân bón, thuốc trừ sâu, công làm cỏ.
Trong khi toàn bộ sản lượng cà phê thu hoạch của gia đình bán được hơn 100 triệu đồng theo thời giá hiện nay. Không riêng gì ở Hướng Tân mà người trồng cà phê ở thị trấn Khe Sanh, Hướng Phùng, Ba Tầng đều mang tâm trạng lo lắng khi sản lượng cà phê giảm sút. Và đây không phải là lần đầu tiên người trồng cà phê ở Hướng Hóa phải gánh chịu tình cảnh lúc cà phê được mùa thì rớt giá và được giá thì mất mùa như năm nay.
Để cải tạo chất lượng vườn cây, ổn định năng suất và sản lượng, những năm qua, huyện Hướng Hóa đã triển khai chương trình tái canh cây cà phê trên địa bàn theo kiểu cuốn chiếu, vùng canh tác nào, hộ nông dân nào có diện tích già cỗi nhiều được ưu tiên tái canh trước.
Vấn đề được quan tâm hàng đầu là phải thay đổi giống khi thực hiện tái canh, vì vậy việc chọn giống cà phê thích hợp, có năng suất và chất lượng tốt để thay thế giống cartimor già cỗi là điều cần kíp nhất. Nhưng để giải quyết thực trạng khó khăn cho người trồng cà phê ở Hướng Hóa, duy trì diện tích, tiếp tục triển khai phương án tái canh cho những diện tích cây đã già cỗi cần phải có chính sách hỗ trợ người sản xuất đầu tư tái canh cây cà phê như chính sách khoanh nợ, hỗ trợ lãi suất, cho ứng trước cây giống, vật tư phân bón để đầu tư trở lại cho cây cà phê và thực hiện phương án tái canh những diện tích cây đã già cỗi.
Về lâu dài, cần có sự sắp xếp lại các cơ sở chế biến sao cho phù hợp với thực tế sản xuất, đổi mới, nâng cao chất lượng công nghệ để sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đồng chí Võ Thanh, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết thêm: “Hiện tại trên địa bàn huyện có tới 250 đại lý thu mua cà phê để nhập cho 18 cơ sở chế biến. Thực tế cho thấy, trước áp lực duy trì hoạt động sản xuất, các doanh nghiệp đã bất chấp chất lượng sản phẩm đầu vào, thu mua bằng được cho đủ số lượng, dẫn đến người dân ngâm quả trong nước để tăng trọng lượng, hái cả quả xanh không đủ tiêu chuẩn chế biến để bán khi cà phê được giá trên thị trường.
Và hậu quả để lại là vô cùng to lớn, đây chính là nguyên nhân làm thương hiệu cà phê Hướng Hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng...”. Thực tế này càng tạo thêm áp lực trong sản xuất, kinh doanh cây cà phê ở Hướng Hóa, tạo ra những lực cản mới trong quá trình đưa cà phê Hướng Hóa tìm được chỗ đứng vững vàng trên thương trường.
Related news
Thời điểm năm 2010 và 2011, khi dịch bệnh “tai xanh” hoành hành trên đàn heo, anh Trần Đình Hiển (ấp 9, xã An Linh, Phú Giáo, Bình Dương) lại thắng lớn với lợi nhuận gần 1 tỷ đồng từ trại heo của mình nhờ đàn heo không dính dịch bệnh “tai xanh”. Để có được kết quả này, anh Hiển đã áp dụng mô hình nuôi heo trại lạnh. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và là hướng đi bền vững cho người chăn nuôi heo trong bối cảnh dịch bệnh thường xuyên hoành hành như hiện nay.
Thời gian qua, do thời tiết nắng mưa xen kẽ, đêm và sáng có sương mù, độ ẩm cao đã tạo điều kiện cho bệnh phấn trắng trên cây cao su phát triển.
Mô hình tôm - lúa (1 vụ tôm, 1 vụ lúa) đã khẳng định được tính hiệu quả cũng như tính thích nghi đối với khu vực ven biển ĐBSCL; tiềm năng mỗi năm có thể mở rộng SX lên 200.000 - 250.000 ha, sản lượng đạt khoảng 1 triệu tấn lúa hữu cơ, đặc sản và trên 100.000 tấn tôm sạch phục vụ nhu cầu chế biến XK.
Trong khi một số nhà máy sản xuất hạt điều xuất khẩu lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thiếu nguyên liệu, phải thường xuyên nhập khẩu thì nông dân trồng điều lại không dễ dàng tiêu thụ sản phẩm của mình. Nghịch lý trên tồn tại nhiều năm qua, một phần do thiếu sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ.
Thời gian qua, mặt hàng nhãn tiêu da bò chủ yếu xuất khẩu, việc tiêu thụ ở nội địa rất hạn chế do có ít người ăn. Theo nhiều tiểu thương thu mua nhãn tiêu da bò, giá nhãn tiêu giảm là do đầu ra trong xuất khẩu đang yếu, giá nhãn tiêu da bò giảm mạnh làm không ít nhà vườn ngán ngại đầu tư, chăm sóc vườn nhãn. Trong khi đó, hiện bệnh chổi rồng trên cây nhãn vẫn tiếp tục gây hại, làm giảm năng suất, sản lượng cho trái của nhiều vườn nhãn tại ĐBSCL.