Hướng Hóa phát triển có hiệu quả cây thanh long ruột đỏ
Người đi đầu trong việc đưa cây thanh long ruột đỏ từ miền Nam về trồng thử nghiệm 0,5 ha tại Hướng Hóa là ông Lê Ngoạn ở thôn Tân Xuyên, xã Tân Hợp với hơn 390 gốc, được trồng từ năm 2010 đến nay đã cho thu hoạch ổn định với sản lượng gần 7 tấn quả/năm, trị giá hơn 230 triệu đồng. Theo ông Lê Ngoạn, thanh long ruột đỏ thích hợp với nhiều loại đất, trong đó thích hợp và phát triển tốt hơn cả là ở vùng đất đỏ ba dan. Đất phải được cày bừa kỹ trong mùa nắng, phơi đất, trừ cỏ dại. Trụ đúc cao khoảng 2,3- 2,5 m, trừ phần chôn xuống đất, trụ còn lại cao 1,6- 1,8 m (lưu ý trụ không quá cao cũng không quá thấp).
Sau khi chôn xong trụ thì đào âm quanh trụ sâu độ 10- 20 cm, đường kính 1,5 m, bón lót phân chuồng rồi phủ lớp đất mặt lên, sau đó đặt hom giống trồng. Nếu ở vùng đất thấp cần tạo mặt liếp, chiều cao mặt liếp so với mặt nước trong mương độ 40- 50 cm. Nếu bị ngập nước một vài tuần nhánh thanh long sẽ vàng, khi nước rút phải bón phân để cây phục hồi lại nhưng như vậy năng suất sẽ không cao. Nên trồng thanh long ở mật độ từ 700 - 1.000 trụ/ ha ứng với khoảng cách khoảng 3 m x 3 m. Bón lót trước lúc trồng 15-20 kg/gốc phân chuồng hoai mục và 0,5 kg phân lân. Mỗi năm tiến hành bón lót 1 lần. Thanh long là cây cần nhiều ánh nắng, nếu trồng dày cây thiếu ánh sáng sẽ cho quả nhỏ. Cây thanh long có thể trồng quanh năm, nhưng tốt nhất nên trồng vào mùa xuân và mùa thu. Sau trồng 1 năm, thanh long bắt đầu cho quả bói, trong giai đoạn kiến thiết cơ bản (1-2 năm), 100 cây bón đủ lượng phân urê 30 kg, phân NPK 20 kg, bón rải đều qua nhiều đợt. Cây thanh long ra hoa nhiều đợt trong năm, kéo dài từ tháng 2 đến tháng 10. Sau khi ra hoa khoảng 1 tháng thì quả chín, tiến hành thu hoạch.
So với cây thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ dễ trồng hơn, ít sâu bệnh, thời gian ra hoa dài hơn và sớm hơn 2- 3 tháng, tỷ lệ đậu quả cao, giá bán trên thị trường cao gấp 1,5- 2 lần thanh long ruột trắng, khoảng từ 30- 40 ngàn đồng/kg. Đặc biệt, thanh long ruột đỏ được người tiêu dùng ưa chuộng nên bán rất chạy, hiện sản phẩm không đủ đáp ứng cho nhu cầu của người dân trong vùng. Từ thành công trồng cây thanh long ruột đỏ ở Hướng Hóa, năm 2013, ông Lê Ngoạn đã xây dựng thành một đề tài khoa học về thử nghiệm cây thanh long ruột đỏ trên cát tại xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong cho kết quả thành công. Hiện ông đang tiến hành nhân rộng mô hình cây thanh long ruột đỏ trên địa bàn toàn tỉnh trên cơ sở nhu cầu phát triển của người dân.
Thanh long ruột đỏ là loại cây trồng lâu năm, có tuổi thọ bình quân khoảng trên 20 năm. Chi phí ban đầu không nhiều lắm, khoảng trên dưới 100 triệu đồng/ha gồm chi phí đúc trụ, mua giống và vật tư phân bón nên việc mở rộng diện tích cây thanh long ruột đỏ là không khó. Ở Hướng Hóa, từ thành công của mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ của ông Ngoạn, hiện nay, nhiều hộ gia đình ở xã Tân Hợp, Tân Long đã cải tạo diện tích vườn tạp không hiệu quả sang trồng loại cây này với tổng diện tích là 3 ha. Hiện tại, nhu cầu tiêu thụ thanh long ruột đỏ trên thị trường trong và ngoài tỉnh khá mạnh và ổn định. Do đó, trong thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện chỉ đạo xây dựng nhân rộng mô hình cây thanh long ruột đỏ trên địa bàn các xã có điều kiện về đất đai chưa canh tác hoặc thực hiện cải tạo vườn tạp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo nguồn thu nhập cao và ổn định cho nông dân. Huyện cũng sẽ tập trung tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân trồng cây thanh long ruột đỏ để không chỉ cho năng suất sản lượng cao mà còn tạo ra sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng.
Tuy nhiên, đây là loại cây trồng mới nên việc phát triển ở huyện Hướng Hóa cần phải có sự chỉ đạo đúng hướng theo quy hoạch đất đai, cần có định hướng và phát triển dần dần nhu cầu phát triển của thị trường và có sự hỗ trợ của huyện về tạo điều kiện vay vốn và các biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; không nên phát triển ồ ạt dễ dẫn đến sản phẩm khó tiêu thụ. Huyện cũng cần tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm thanh long ruột đỏ, tạo sự liên kết trong sản xuất để ổn định đầu ra sản phẩm, nâng thu nhập cho người dân và đảm bảo phát triển sản xuất bền vững.
Related news
Được sự quan tâm và tạo điều kiện của UBND xã Hải Lệ (Thị xã Quảng Trị) và tư vấn, sự giúp đỡ của Sở NN & PTNT tỉnh, năm 2004, gia đình chị Nguyễn Thị Nhi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp quy mô 150 con lợn nái nội và 1.000 con lợn thịt hậu bị, hàng năm đưa ra thị trường gần 200 tấn lợn thịt và hơn 700 lợn giống.
Là người tiên phong trong việc chọn vùng đất nhiễm phèn (Thạnh Tân, Tân Phước, Tiền Giang) để phát triển thanh long ruột đỏ, lúc đầu từng bị cho là “dở hơi” nhưng giờ đây anh Đoàn Văn Sang đã có thể thuyết phục được mọi người về quyết định táo bạo của mình khi mà hiệu quả mang lại hơn cả sự mong đợi
Minh Côi là một trong những xã có diện tích nuôi thủy sản lớn của huyện Hạ Hòa (Phú Thọ). Trong gần 10 năm trở lại đây phong trào nuôi thủy sản ở Minh Côi đã phát triển mạnh mẽ. Trước đây chỉ có một số hộ dân nuôi cá phục vụ đời sống, đến nay toàn xã đã có 230 hộ nuôi thủy sản theo hướng kinh doanh với tổng diện tích 68,87ha, phân bố ở 7 khu hành chính.
Ông Lê Văn Sử, Giám đốc sở nn&ptnt, cho biết, để “gỡ rối” cho nghề nuôi tôm ở Cà Mau trong tình hình khó khăn như hiện nay, Sở đã triển khai nhiều mô hình sản xuất mang tính bền vững và đang phát huy hiệu quả.
Sau hơn 7 tháng thả nuôi, đến nay mô hình nuôi cá nước ngọt của hộ ông Bùi Tá Lợi ở xã Nghĩa Kỳ và hộ ông Nguyễn Điều ở xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) đã đem lại kết quả. Đây là mô hình được kỳ vọng sẽ giải quyết cho nhiều diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả trong sản xuất của địa phương.