Được mùa lúa hè thu
Năng suất tăng
Hè thu năm nay gia đình bà Phạm Thị Lan ở xã Đại Cường (huyện Đại Lộc) canh tác 4 sào lúa bằng loại giống trung ngày OM4900, bà vừa thu hoạch số diện tích này và rất vui vì ruộng lúa nào cũng cho năng suất cao. Bà Lan hồ hởi: “Từ đầu đến cuối vụ tuy chuột và các loại sâu bệnh có phát sinh nhiều đợt nhưng nhờ chủ động phòng trừ nên 4 sào lúa của tôi không bị gây hại nặng.
Theo ước tính, mùa này bình quân 1 sào sẽ thu được 330kg lúa khô, tăng 30kg so với hè thu 2014”. Ông Hồ Ngọc Mẫn – Trưởng phòng NN&PTNT Đại Lộc cho biết, vụ hè thu 2015 nông dân trên địa bàn huyện gieo sạ 4.300ha lúa, tính đến thời điểm này nhà nông đã gặt được 1.500ha. Qua thống kê ban đầu cho thấy, năng suất lúa bình quân toàn huyện đạt khoảng 63 tạ/ha, tăng 2 tạ/ha so với cùng vụ sản xuất năm ngoái.
Nông dân phấn khởi vì lúa hè thu được mùa.
Những ngày này, có mặt trên nhiều cánh đồng của huyện Quế Sơn, đâu cũng thấy nông dân phấn khởi vì lúa trúng mùa. Theo ông Lê Hữu Châu – Phó phòng NN&PTNT Quế Sơn, trong tổng số 3.063ha lúa hè thu của địa phương, đến nay đã thu hoạch được 60% diện tích. “Nhờ đưa nhiều loại giống mới có chất lượng cao vào gieo trồng, chú trọng vấn đề đầu tư thâm canh và nguồn nước tưới không bị thiếu hụt như các năm trước nên vụ hè thu này Quế Sơn được mùa trên diện rộng. Qua khảo sát tại nhiều nơi, năng suất bình quân toàn huyện đạt 54 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha so với hè thu năm 2014” - ông Châu nói.
Hôm qua 3.9, ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, vụ hè thu năm nay nông dân trên địa bàn tỉnh gieo sạ tổng cộng 44.950ha lúa, đã thu hoạch được 12.000ha. Mặc dù nắng hạn xuất hiện nhiều đợt, rầy bọ bùng phát mạnh ở không ít nơi nhưng nhờ nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng chống hữu hiệu nên vụ này Quảng Nam cơ bản được mùa.
Ông Muộn nói: “Theo đánh giá sơ bộ của ngành nông nghiệp thì hè thu năm nay năng suất lúa bình quân toàn tỉnh đạt ít nhất 50,8 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha so với hè thu năm trước”.
Hối hả thu hoạch
Gần cuối tháng 8, mưa dông và gió mạnh liên tục xuất hiện khiến 5 sào lúa của bà Nguyễn Thị Phượng ở xã Duy Thành (huyện Duy Xuyên) bị ngã đổ nghiêm trọng. Lúa nằm rạp đất, máy gặt đập không thể thu hoạch nên mấy ngày nay vợ chồng bà Phượng và 2 đứa con trai lớn phải gặt bằng thủ công.
Bà Phượng nói: “Ngày mùa, ai cũng bận nên chẳng thuê được nhân công, vì vậy cả nhà tôi phải đánh vật với 5 sào lúa ngã. Ở vùng này, hễ mưa kéo dài trong vòng 3 tiếng đồng hồ là nước ngập trắng đồng. Nếu không khẩn trương thu hoạch, lỡ mưa lũ bất ngờ ập tới thì sẽ mất trắng hoàn toàn. Cách đây 2 năm, cũng vì quá chủ quan mà cả 5 sào lúa chín của tôi đều bị hư thối, hạt nẩy mầm ngay trên cây vì lũ ngâm suốt cả tuần”.
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam trưa hôm qua 3.9, ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, vụ hè thu 2015 nông dân trên địa bàn 14 xã, thị trấn của huyện sản xuất 3.800ha lúa.
Hơn 10 ngày nay, nhà nông đã tiến hành gặt được 1.900ha, số diện tích còn lại đang gấp rút thu hoạch. “Để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, những ngày qua ngành nông nghiệp huyện và chính quyền các địa phương đã tích cực vận động nông dân tập trung thu hoạch lúa hè thu theo phương thức xanh nhà hơn già đồng. Hiện nay, ngoài 54 chiếc máy gặt đập liên hợp, toàn huyện còn có gần 100 máy cắt lúa cầm tay. Với số lượng máy đó, chúng tôi dự tính đến ngày 12.9 sẽ thu hoạch xong 50% diện tích lúa còn lại” - ông Năm nói.
Những ngày qua, nông dân ở nhiều nơi của thị xã Điện Bàn cũng hối hả thu hoạch lúa hè thu. Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, trong tổng số 5.600ha lúa thì đến trưa 3.9 nông dân địa phương đã gặt được 1.500ha. Theo ông Chơi, với 222 máy gặt đập liên hợp và 70 máy cắt cầm tay hiện có thì trong vòng 10 ngày nữa Điện Bàn sẽ thu hoạch xong 4.100ha lúa còn lại.
Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sản xuất nông nghiệp, nhất là lĩnh vực trồng trọt. Vì thế, để tránh những thiệt hại do bão lũ gây ra vào thời điểm cuối vụ, các địa phương cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân khẩn trương thu hoạch các ruộng lúa hè thu đã chín được 80% trở lên. Bằng mọi giá, đến ngày 15.9 toàn tỉnh phải gặt xong toàn bộ 44.950ha lúa…
Related news
Công nghệ CAS hoạt động theo nguyên lý đông lạnh nhanh ở nhiệt độ thấp và năng lượng từ trường làm cho nước trong sản phẩm sẽ liên kết với nhau thành cụm nhỏ vài ba phân tử mà không đóng băng thành khối như lạnh đông thông thường, giúp giữ được chất lượng sản phẩm tươi nguyên như ban đầu.
Từ đầu mùa mưa năm 2015 đến nay, người dân tại nhiều huyện, thành phố trong tỉnh Lâm Đồng, như: Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà và TP Bảo Lộc… đang ồ ạt tìm mua các loại giống bơ ghép về trồng. Chính điều này đã khiến cho các loại giống bơ ghép đầu dòng “cháy” hàng và bị đẩy giá lên cao hơn so với các năm trước.
50 đại biểu nông dân tiêu biểu, xuất sắc đã được cử đi dự Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ IX.
Ngày 3.9, hơn 200 điển hình tiên tiến từ các tỉnh thành trong cả nước đã tề tựu về “điểm hẹn” khách sạn La Thành (Hà Nội). Chưa kịp giũ sạch bụi đường xa, một số đại biểu vẫn vui vẻ chia sẻ với PV Dân Việt.
Với nhiều cán bộ từ miền xuôi lên và đang công tác ở huyện miền núi huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) thì sâm cau được gọi là cây "nhớ vợ". Bởi lẽ theo họ, một khi đã uống sâm cau thì chỉ muốn về nhà "thăm" vợ.