Hơn 3.500 Tỷ Đồng Từ Tôm Hùm Mỗi Năm
Khoảng 43.000 lồng bè tôm hùm do người dân canh tác từ Quảng Bình đến Bình Thuận, trung bình mỗi năm đạt doanh thu hơn 3.500 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục Thủy sản cho biết, nghề nuôi tôm hùm bằng lồng ở Việt Nam bắt đầu phát triển từ năm 2000, phân bố từ Quảng Bình đến Bình Thuận nhưng tập trung chủ yếu ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận.
Theo ông Điền, sản lượng trung bình hàng năm đạt gần 1.400 tấn, chủ yếu là tôm hùm bông và tôm hùm xanh mang lại nguồn thu hơn 3.500 tỷ đồng mỗi năm. Hiện cả nước có khoảng 43.000 lồng, tập trung nhiều nhất ở Phú Yên và Khánh Hòa.
Nghề nuôi tôm hùm đang phát triển mạnh mang lại thu nhập cho người dân vùng duyên hải miền Trung, nhưng nhiều năm qua vẫn gặp khó trước tình trạng khan hiếm con giống.
TS Võ Văn Nhã, Chuyên gia Viện Nghiên cứu nuôi trồng III, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thống kê, trung bình mỗi năm cả nước khai thác khoảng 7,5-9 triệu con tôm hùm giống tự nhiên nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu người nuôi. Mỗi vụ nuôi người dân phải tranh nhau mua với giá đến 350.000 đồng một con.
Theo TS Nhã, chưa có trung tâm nghiên cứu thủy sản nào trên thế giới cho sinh sản nhân tạo tôm hùm giống. Ông Phạm Khánh Ly, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III nghiên cứu cho tôm hùm sinh sản nhân tạo suốt hơn 20 năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa khả quan.
Trước tình hình khan hiếm, tỉnh Ninh Thuận đã có lệnh cấm đánh bắt tôm hùm giống trong 5 tháng (từ tháng 4 đến tháng 9) để tạo quãng thời gian cho tôm sinh sản.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết bộ đang tổ chức nghiên cứu cho sinh sản nhân tạo tôm hùm giống, đồng thời nhập khẩu nguồn tôm giống đảm bảo chất lượng ở các nước để cung ứng cho nhu cầu người nuôi tại Việt Nam.
Bộ cũng đang xem xét sắp tới ban hành quy định hạn chế đánh bắt một vài tháng trong năm để bảo vệ nguồn tôm hùm giống ngoài tự nhiên, áp dụng mô hình quản lý cộng đồng tránh gây tổn hại đến loài này.
"Để đảm bảo quyền lợi cho người nuôi, cần sớm thành lập Hiệp hội tôm hùm liên kết tạo đầu mối quản lý nhà nước, liên kết các nhà khoa học, đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu cho tôm hùm thì người dân mới có thể làm giàu bền vững từ nghề này", ông Tám khẳng định.
Related news
Lý do năm nay nông dân trồng xoài nghịch vụ năng suất thấp, bị ảnh hưởng thời tiết, kèm theo diễn biến sâu bệnh phức tạp làm cho nhiều nhà vườn xử lý ra hoa không đạt như mọi năm.
Đang thu hoạch 3,5 công chôm chôm bán cho thương lái, ông Trần Hữu Nghìn ở ấp Bình Hòa 1, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) cho biết: “Chôm chôm mùa nghịch bắt đầu từ tháng 10 – 11 (âm lịch) và được bán giá cao gấp nhiều lần so với chính vụ.
Bà Phạm Nhung, đại diện Chương trình Hạt cho cuộc sống của Úc (N4L) chia sẻ kinh nghiệm trong việc quảng bá lợi ích về mặt sức khỏe của hạt điều nói riêng và các loại hạt nói chung tới người tiêu dùng nước này: Dùng logo thể hiện nội dung mỗi ngày một nắm hạt có lợi cho sức khỏe để khuyến khích người tiêu dùng ăn hạt hằng ngày, logo này được sử dụng trên tất cả các ấn phẩm của N4L, các phương tiện truyền thông, các bài PR, các bao bì hạt...
Tính đến trung tuần tháng 11/2014 mặt hàng tôm vẫn duy trì được nhịp độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2013 với mức tăng chung tới 32,9%, đạt giá trị 3,51 tỷ USD, chiếm trên 50% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đến nửa đầu tháng 11 năm 2014.
Vì vậy, Cty CP TCty Giống cây trồng Thái Bình đã xin mua lại NM để chế biến gạo chất lượng cao, cung ứng ra thị trường. Việc mua lại NM giúp Cty hoàn thiện chuỗi đầu tư SX từ giống- chiến biến và cung ứng gạo đến tay người tiêu dùng.