Hội Nông Dân Tỉnh Đưa Nguồn Vốn Ưu Đãi Tới Hội Viên, Nông Dân
Với nhiều hoạt động thiết thực giúp hội viên nông dân vươn lên phát triển kinh tế, nổi bật là hoạt động ủy thác cho vay vốn, Hội Nông dân tỉnh đã trở thành “cầu nối” quan trọng đưa nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Từ đó góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Nông dân chiếm trên 80% dân số của tỉnh, song trình độ dân trí chưa đồng đều, nhất là tập quán canh tác lạc hậu, sản xuất chủ yếu theo phương pháp truyền thống nên năng suất thấp, chậm tiếp cận cơ chế kinh tế thị trường… khiến tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao.
Xác định cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là một trong những chương trình công tác trọng tâm, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội (CSXH) tỉnh tạo điều kiện thuận lợi giúp hội viên tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để phát triển sản xuất.
Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền tới hội viên nông dân chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, đặc biệt là nội dung chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, như: cho vay hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm gắn với tuyên truyền, vận động hội viên tham gia vay vốn phát triển mở rộng sản xuất bằng nhiều hình thức thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, câu lạc bộ nhóm nông dân cùng sở thích.
Chú trọng tuyên truyền kịp thời cơ chế chính sách mới về tín dụng ưu đãi của Chính phủ tới hội viên nông dân, như: quy định về nâng mức cho vay tối đa; giảm lãi suất cho vay đối với một số chương trình tín dụng chính sách; cho vay hỗ trợ lãi suất đối với hộ nghèo thuộc huyện nghèo…
Công tác tuyên truyền được phổ biến tới từng thôn, bản. Riêng trong năm 2014, Hội đã tổ chức hơn 2.730 buổi tuyên truyền lồng ghép các buổi sinh hoạt chi hội thu hút trên 112.000 lượt hội viên tham gia.
Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh nhận ủy thác 11 chương trình tín dụng với Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ 493.334 triệu đồng. Tính đến cuối tháng 10/2014, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh quản lý 662 tổ tiết kiệm - vay vốn với hơn 30.000 thành viên.
Trong đó có một số đơn vị có dư nợ lớn, tăng trưởng cao, như: Hội Nông dân huyện Điện Biên quản lý 157 tổ tiết kiệm - vay vốn, với 5.607 hộ vay, tổng dư nợ gần 130 tỷ đồng; Hội Nông dân huyện Tuần Giáo quản lý 69 tổ tiết kiệm – vay vốn với 2.746 hộ vay, tổng dư nợ hơn 63,6 tỷ đồng; Hội Nông dân huyện Tủa Chùa quản lý 76 tổ tiết kiệm – vay vốn với 2.698 hộ vay, tổng dư nợ gần 54,5 tỷ đồng…
Đa số cán bộ tổ tiết kiệm - vay vốn đều là trưởng thôn (bản) kiêm nhiệm, có kinh nghiệm, trách nhiệm trong hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách nên quá trình phối hợp khá nhịp nhàng, hiệu quả. Đối tượng vay vốn được tổ chức họp bình xét công khai và được lưu giữ hồ sơ, sổ sách theo quy định của ngân hàng CSXH từ biên bản họp, danh sách các hộ đề nghị vay vốn, thông báo kết quả cho vay, hợp đồng ủy nhiệm; bảng kê thu lãi đến việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc các hộ vay vốn thực hiện hợp đồng, sử dụng đồng vốn đúng mục đích.
Ngoài ra, Hội đã phối hợp với ngân hàng CSXH tổ chức 10 lớp tập huấn nghiệp vụ ủy thác cho 450 lượt cán bộ; kết hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức 424 lớp tập huấn chuyển giao KHKT thu hút hơn 12.000 lượt hội viên, nông dân tham gia.
Ông Lò Văn Cương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Qua kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác cho vay đối với từng cấp hội tại 8 huyện, thị xã, thành phố và 21 cơ sở có dư nợ ủy thác với ngân hàng; đánh giá hiệu quả các chương trình tín dụng, hiệu quả từ các mô hình được vay vốn cho thấy, các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, đem lại hiệu quả kinh tế, đặc biệt đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, mở rộng các loại hình kinh doanh dịch vụ, góp phần xóa đói giảm nghèo; nhiều hội viên nông dân thoát nghèo trở thành hộ khá, giàu.
Việc sử dụng nguồn vốn ủy thác hiệu quả góp phần thúc đẩy phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải thiện đời sống vật chất cho hội viên, nông dân.
Thông qua chương trình ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, công tác Hội và phong trào nông dân ngày càng vững mạnh, thu hút hội viên tham gia sinh hoạt. Đến nay, toàn tỉnh có 130/130 cơ sở hội có hội viên sinh hoạt tại 1.767 chi hội với 75.244 hội viên; vị thế, vai trò của Hội ngày càng được khẳng định, nhất là tham gia công tác tổ chức thực hiện các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Nguồn bài viết: http://www.baodienbienphu.com.vn/kinh-t%E1%BA%BF/h%E1%BB%99i-n%C3%B4ng-d%C3%A2n-t%E1%BB%89nh-%C4%91%C6%B0-ngu%E1%BB%93n-v%E1%BB%91n-%C6%B0u-%C4%91%C3%A3i-t%E1%BB%9Bi-h%E1%BB%99i-vi%C3%AAn-n%C3%B4ng-d%C3%A2n
Related news
Khoảng 1 tháng nay, trong khi giá trứng gà bán ra từ các trang trại liên tục giảm mạnh thì trên thị trường mặt hàng này vẫn giữ giá ở mức cao. Sự bất hợp lý trong phân phối, tiêu thụ sản phẩm đang làm nản lòng người dân trong đầu tư tái đàn gia cầm.
UBND tỉnh An Giang vừa phê duyệt kinh phí hỗ trợ dự án “Xây dựng mô hình lai tạo và nuôi dưỡng bò lai hướng thịt tại An Giang”, do Thạc sĩ Phí Như Liễu, Trung tâm Nghiên cứu và Huấn luyện chăn nuôi gia súc lớn (Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) làm chủ nhiệm; phối hợp Trung tâm Công nghệ sinh học (Sở Khoa học và Công nghệ An Giang) thực hiện. Tổng kinh phí gần 847 triệu đồng, trong đó ngân sách sự nghiệp khoa học công nghệ hỗ trợ gần 664,8 triệu đồng, còn lại do hộ nông dân tham gia đối ứng.
Nhờ chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh nên từ đầu năm đến nay chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp được duy trì ổn định, các loại dịch bệnh mặc dù có xuất hiện nhưng đã được ngăn chặn và khống chế kịp thời, không để bùng phát trên diện rộng.
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn – Trường đại học An Giang phối hợp UBND xã Vĩnh Phước (Tri Tôn - An Giang) tổ chức hội thảo “kết nối nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa mùa nổi và khảo sát tiềm năng phát triển du lịch”. Qua đó, các doanh nghiệp thống nhất kế hoạch hợp tác với nông dân tiêu thụ sản phẩm lúa mùa nổi, các sản phẩm rau màu sản xuất trên nền diện tích lúa mùa nổi với giá ổn định; hình thành điểm du lịch lúa mùa nổi gắn với khung cảnh đồng quê xưa. Đồng thời, tiến tới xây dựng nhãn hiệu hàng hóa gạo lúa mùa nổi…
"Trồng rau ăn lá an toàn theo hướng VietGap" đang là mô hình sản xuất mà người dân các quận ngoại thành TP. Hồ Chí Minh nói chung, và nông dân các phường Hiệp Thành, P Thới An và phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 nói riêng đang triển khai với qui mô rộng, đã và đang cho thu hoạch với kết quả khả quan. Với xu thế hội nhập hiện nay, để được ổn định về giá cả sản phẩm nông nghiệp cũng như ổn định thu nhập từ cây rau, thì sản phẩm: rau sạch phải đạt chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì thế, sản xuất rau theo hướng VietGap là điều kiện bắt buộc hiện nay nếu như sản phẩm muốn tồn tại trên thị trường.