Chặng nước rút của 26 xã về đích nông thôn mới 2015
Nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 52 và không còn xã dưới 8 tiêu chí, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở ở Hà Tĩnh đang khẩn trương vào cuộc, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Nhiều xã “nợ” tiêu chí
Chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa là kết thúc năm 2015 nhưng tiến độ thực hiện các tiêu chí của 26 xã đăng ký đạt chuẩn năm 2015 đang rất thấp. Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh tại thời điểm 27/8, mới có 14 xã đạt từ 11-13 tiêu chí và còn đến 12 xã dưới 10 tiêu chí. Một số tiêu chí chưa đạt như: thu nhập, cơ sở vật chất văn hóa (26/26 xã); giao thông, môi trường (25/26 xã).
Theo ông Trần Huy Oánh - Phó chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh, 22 xã có khả năng đạt chuẩn cao và 4 xã (Thường Nga, Phúc Trạch, Kỳ Bắc, Cẩm Nam) nếu không nỗ lực, có giải pháp đột phá thì khó đạt chuẩn trong năm 2015. Hầu hết các địa phương đang còn “nợ” các tiêu chí, đòi hỏi nguồn lực lớn như: giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa…
Xã Xuân Thành (Nghi Xuân) tập trung đôn đốc, chỉ đạo hoàn thành các tuyến đường giao thông
Lãnh đạo UBND xã Phúc Trạch (Hương Khê) cho biết, địa phương hiện còn 11 tiêu chí chưa đạt, trong đó, khó khăn nhất là tiêu chí thủy lợi (kiên cố 2,2 km kênh mương), trường học (xây mới nhà 2 tầng) và cơ sở vật chất văn hóa còn nhiều hạng mục chưa đảm bảo.
Tương tự, xã Kỳ Bắc (Kỳ Anh) còn 11 tiêu chí chưa đạt chuẩn, trong đó, khó khăn nhất là giao thông (xây dựng 240m đường trục xã, 4,06 km đường trục chính nội đồng); trường học (xây mới 6 phòng học, trang thiết bị trường tiểu học); cơ sở vật chất văn hóa (trụ sở UBND xã, 3/6 nhà văn hóa thôn đang xây dựng); y tế (xây mới 8 phòng, sửa chữa các phòng xuống cấp, mua sắm trang thiết bị).
Một tiêu chí cốt lõi trong xây dựng NTM là thu nhập thì đến nay cả 26/26 xã đều chưa đạt chuẩn. Xã đạt mức cao nhất (Thái Yên - Đức Thọ) đạt khoảng 33 triệu đồng/người/năm và thấp nhất là xã Kỳ Bắc đạt 22 triệu đồng/người/năm.
Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc
Những ngày tháng 8, trên các miền quê của Hà Tĩnh, đặc biệt là ở các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM vào năm 2015 sôi nổi không khí thi đua lao động sản xuất từ đồng ruộng đến các trang trại, HTX, tổ hợp tác. Trên các trục đường chính của xã hay các ngõ xóm, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... từng tốp thợ chạy đua với thời gian để hoàn thiện những hạng mục cuối của công trình.
Tại cuộc họp bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện tiêu chí tại các xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2015, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban chỉ đạo NTM tỉnh Võ Kim Cự yêu cầu cả hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, kiên trì, trách nhiệm hơn; các huyện, sở, ngành theo từng lĩnh vực bổ sung chương trình, kế hoạch chi tiết theo tháng và tuần để kịp thời tháo gỡ vướng mắc tại cơ sở.
Để giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, tỉnh có chủ trương cho ứng trước nguồn 2016, khoảng 4-5 tỷ đồng/xã để bổ sung nguồn xây dựng hạ tầng, phát triển sản xuất. Đây thực sự là nguồn lực hết sức cần thiết, giải pháp tháo gỡ khó khăn hiệu quả cho các địa phương.
Cẩm Nam (Cẩm Xuyên) tập trung đôn đốc, chỉ đạo nhà thầu hoàn thành công trình nhà văn hóa xã trước 30/12/2015
Chủ tịch UBND xã Cẩm Nam - Nguyễn Văn Dương cho biết, là địa phương nằm trong nhóm cuối của 26 xã nên cấp ủy, chính quyền và toàn thể người dân Cẩm Nam phải có quyết tâm chính trị và sự nỗ lực rất lớn mới có thể “cán đích” đúng hạn.
Xác định được điều đó, địa phương đã tập trung huy động nguồn lực, đôn đốc các nhà thầu tranh thủ thời tiết nắng ráo hoàn thiện 200m đường trục xã, rãnh thoát nước. Đối với nhà văn hóa xã, trạm y tế đang thi công, phấn đấu đến cuối năm sẽ hoàn thành. Cùng với tập trung thi công các hạng mục hạ tầng, người dân 9/9 thôn tổ chức nhiều đợt ra quân làm vệ sinh môi trường, chỉnh trang vườn hộ đảm bảo tiêu chí môi trường, thu nhập.
Ích Hậu (Lộc Hà) là địa phương thực hiện đạt các tiêu chí cao nhất trong nhóm 26 xã (13/19 tiêu chí) và hiện còn 6 tiêu chí chưa đạt, trong đó, khó khăn nhất là tiêu chí trường học, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Xuân Quân cho biết: Xã đã phân công nhiệm vụ cho các cá nhân, tập thể phụ trách các tiêu chí phù hợp với chuyên môn, lĩnh vực công tác để phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm, tập trung huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ.
Cụ thể, đối với giao thông nông thôn - một trong những tiêu chí cần huy động sự đóng góp lớn của nhân dân và chỉ thực hiện được khi có sự đồng thuận của người dân, dự kiến, đến 30/10, xã sẽ hoàn thành việc nâng cấp, làm mới hơn 7 km đường trục thôn, ngõ xóm, đường trục chính nội đồng và trồng cây xanh, nạo vét lề đường với tổng kinh phí 14 tỷ đồng.
Để hoàn thành được tiêu chí khó này, xã thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia hưởng ứng với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Đối với xã Sơn Bằng (Hương Sơn), ngoài việc huy động nguồn lực và triển khai quyết liệt các giải pháp để hoàn thành các tiêu chí về hạ tầng trong năm 2015 thì địa phương cũng đang tập trung cao độ cho việc thực hiện tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất và thu nhập.
Theo Chủ tịch UBND xã Sơn Bằng - Phạm Kim Tuyến, đây là 2 tiêu chí cốt lõi, vì vậy, những năm qua, địa phương đã đầu tư nguồn lực cho hạ tầng sản xuất khá lớn với hơn 25 tỷ đồng xây dựng hệ thống kênh mương, đường giao thông nội đồng, trạm bơm.
Trong những tháng giữa năm 2015, Sơn Bằng tập trung chỉ đạo thành lập được 3 doanh nghiệp, 5 HTX, 7 tổ hợp tác và 23 mô hình sản xuất cho thu nhập từ 100-300 triệu đồng/năm.
Thời gian còn lại không nhiều, nhưng bằng sự quyết tâm cao của các địa phương và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những chính sách hỗ trợ kịp thời, các địa phương đang cùng dồn sức thực hiện mục tiêu đưa ít nhất 26 xã về đích NTM năm 2015.
Related news
Những ngày này chạy dọc tuyến kênh Cái Sắn về vùng trồng lúa vụ TĐ rộng lớn tiếp giáp 2 tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ, đến đâu cũng ngồn ngộn lúa...
Trên 10 năm hoạt động, Quỹ Khuyến nông Hà Nội chẳng khác gì một bệ đỡ vững chãi cho nông dân Thủ đô thỏa ước mơ làm giàu chính đáng…
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Đề án hỗ trợ phát triển SX và dịch vụ nông thôn phục vụ Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2020.
Phong Điền là huyện ngoại thành của TP.Cần Thơ với 7 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 6 xã và 1 thị trấn. Đây là đơn vị đầu tiên của TP. Cần Thơ thành lập BCĐ thực hiện Chương trình NTM cấp huyện.
Từ những thành tựu đạt được trong quá trình xây dựng NTM thời gian qua, ngày 10/10 tới đây xã Đông Thạnh chính thức trở thành xã NTM đầu tiên của huyện Châu Thành (Hậu Giang).