Hoài Niệm Mùa Lúa Rẫy
Những ngày này trên các triền đồi thoai thoải của vùng đất Kon Pne (huyện Kbang- Gia Lai), những đám lúa rẫy đã vàng ươm. Mùa thu hoạch lúa rẫy về cũng là mùa lễ hội nên cả thung lũng Kon Pne đang được ướp bằng hương lúa mới và hương rượu cần ngọt thơm…
Lúa rẫy - linh hồn của cha ông
Khi buổi sáng Kon Pne còn đẫm sương, già Đinh Anhai ở làng Kon Ktonh (thôn 2) dẫn tôi và anh Đinh Ahun- Chủ tịch Hội Nông dân xã băng qua con suối Đăk Pne trong veo để đến đám lúa rẫy đến kỳ thu hoạch. Lúa rẫy của già Anhai không nhiều, chỉ một đám nhỏ nhưng già bảo: “Thế là đủ”.
Cũng theo già thì với bao thế hệ người Ba Na, từng hạt lúa rẫy và từng thân lúa rẫy chính là nơi nương náu của linh hồn cha ông, của tổ tiên mà con cháu đời đời không bao giờ được quên lãng. Cứ mỗi tháng 4 về, nhà nào không tỉa được lúa rẫy, dù chỉ một khoảnh nhỏ thì sẽ bị cha ông trách phạt. Những thủ tục như cúng tỉa hay ăn lúa mới nay cũng được bà con đổi mới nhiều, không còn cầu kỳ và mất thời gian như trước nữa.
Già Anhai đã trải qua 62 mùa lúa kể rằng: Cách đây chỉ chừng chục năm, mỗi lần làng cúng tỉa lúa hay ăn lúa mới là phải mổ heo, mổ gà rồi tập trung uống rượu ở nhà rông ròng rã cả tuần mới lên rẫy nhưng nay chỉ cần mổ gà, uống rượu một ngày là được lên rẫy. Lễ cúng lúa mới thì thường diễn ra vào cuối tháng 10 âm lịch. Mỗi nhà sẽ chọn ra những bông lúa chín nhất, đẹp nhất tuốt về, rang lên rồi bỏ vào cối giã thành bột.
Một con dúi cũng được chọn để nướng lên, cắt ra từng miếng nhỏ rồi cả làng đem tất cả lên nhà rông cúng Yang. Sau đó, dân làng quây quần bên nhau lấy thịt dúi chấm với bột lúa mới ăn ngon lành. Đặc biệt, rẫy lúa là nơi để bà con trồng xen hạt Cao, một loại hạt dùng để làm rượu cần ngon số một của đồng bào Ba Na.
Đám lúa rẫy cũng là nơi để những chàng trai đi bẫy chim, bẫy chuột. Già Anhai khoe rằng dù mắt không còn tinh lanh, chân không còn được khỏe nhưng mùa này già cũng bẫy được 50 con chuột và trên dưới 20 chú chim rừng.
Tuốt lúa rẫy…
Một điều vô cùng đặc biệt của đồng bào Ba Na khi thu hoạch lúa rẫy là họ sẽ dùng tay tuốt từng bông lúa bỏ vào gùi chứ tuyệt nhiên không dùng dao hay liềm để cắt lúa. Đó là một việc làm bất biến cho dù họ biết sẽ mất rất nhiều thời gian.
Già Anhai vừa hướng dẫn cho tôi cách tuốt lúa vừa nói: “Lúa rẫy phải dùng tay tuốt vì nếu dùng dao hay liềm cắt rồi về mới đập lấy hạt thì sẽ làm đau thân lúa, đau hạt lúa, linh hồn của cha ông cũng sẽ bị đau nên mùa sau sẽ không còn cho hạt nữa”. Việc dùng tay tuốt lúa sẽ làm rơi vãi hạt nhưng già Anhai bảo những hạt lúa ấy là đồng bào trả ơn cho đất vì đã có công nuôi dưỡng. Lúa rẫy sau khi gieo xuống sẽ không được chăm bón, bà con để mặc cho đất cho trời vì họ tin rằng đã có tổ tiên coi sóc.
Một điều vô cùng đặc biệt của đồng bào Ba Na khi thu hoạch lúa rẫy là họ sẽ dùng tay tuốt từng bông lúa bỏ vào gùi chứ tuyệt nhiên không dùng dao hay liềm để cắt lúa.
Anh Đinh Ahun đi theo già Anhai và cũng thành thạo tuốt từng bông lúa bỏ vào gùi. Dù còn khá trẻ nhưng anh bảo đã theo bố mẹ tuốt lúa rẫy từ năm mới lên 10 nên bây giờ với anh đây là một việc quá dễ dàng và nó làm anh thích thú.
Anh Đinh Ahun vừa thoăn thoắt tuốt từng bông lúa vừa nói: “Đồng bào mình nay nhà nào cũng trồng một vài sào lúa rẫy nhưng không còn ai phá rừng vì mỗi nhà đều đã có sẵn 2 - 3 đám nên giờ cứ luân canh trên đất có sẵn”. Là lớp con cháu, lại là cán bộ xã hẳn hoi nên anh Đinh Ahun rất hiểu từng thế hệ cha ông.
Anh không bao giờ phê phán việc trồng lúa rẫy, việc tuốt lúa bằng tay của đồng bào vì anh hiểu đó là tâm linh và cũng là nét văn hóa của dân tộc mình. Anh chỉ đi tuyên truyền bà con không được phá rừng làm rẫy, không nên du canh du cư… và bà con nơi đây đã biết làm theo lời cán bộ.
Sau khi đã tuốt hết lúa rẫy, đồng bào sẽ thu hoạch luôn hạt Cao để về ủ những ghè rượu cần thơm nồng chuẩn bị đón một năm mới sung túc hơn và thung lũng Kon Pne cứ thế nồng nàn hương mới…
Related news
Tỉnh Quảng Trị chuyển đổi hơn 2.500 ha đất trồng lúa vụ hè thu sang trồng màu để tránh hạn. Nông dân tỉnh Quảng Trị đang bước vào sản xuất vụ hè thu 2015 nhưng nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn đã cạn nước, không đủ cung cấp tưới.
Hiện có hơn 85% khoai lang của Vĩnh Long được xuất khẩu. Ngoài xuất khẩu khoai lang tươi sang Trung Quốc, các sản phẩm khoai lang chế biến cũng chào hàng tại Malaysia, Hồng kông, Thái Lan, Singapore…
Nói về hiệu quả kinh tế của cây măng tre Bát Độ, anh Khúc Khắc Hiệp, thôn Tam Hiệp, xã An Lập, huyện Sơn Động (Bắc Giang) cho biết: “Năm ngoái, với hai ha tre Bát Độ, tôi thu hoạch gần 40 tấn măng. Giá bình quân 7 nghìn đồng/kg, trừ chi phí còn hơn 200 triệu đồng".
Ngày 19.5, tại xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), Sở NN&PTNT phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ tổ chức hội nghị đầu bờ tham quan mô hình thâm canh cây điều, cây xoài và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về tưới tiết kiệm, nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả các loại cây trồng.
Nhóm nghiên cứu thuộc Tổng cục Thủy sản vừa đề xuất nâng hàm lượng nước trong sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh xuất khẩu lên mức tối đa là 84,1%, thay vì 83% như đã quy định trước đó tại nghị định cá tra.