Hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngư dân bám biển, vươn khơi
Là người đi biển lâu năm, anh Phạm Văn Tuyên ngư dân xã Hải Chính (Hải Hậu) luôn cảm nhận: Dù mỗi chuyến xa khơi là một hành trình gian khổ với đầy rẫy hiểm nguy rình rập nhưng việc ngày đêm lênh đênh bám biển sản xuất là khát vọng phải thực hiện bởi những nguồn lợi từ biển đem lại cuộc sống ấm no, sung túc cho ngư dân. Từ đó, anh Tuyên luôn mơ ước được sở hữu một chiếc tàu lớn, an toàn, chuyên khai thác hải sản ở các vùng biển xa.
Ngay khi Chính phủ có chủ trương thí điểm hỗ trợ ngư dân "Chuyển đổi tàu đánh cá từ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép" nhằm hỗ trợ ngư dân tăng hiệu quả lao động, an toàn khi khai thác xa bờ kết hợp với bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, anh đã sớm tiếp cận và trở thành hộ đầu tiên của tỉnh được tiếp nhận tàu vỏ thép với chính sách ưu đãi trả dần vốn đầu tư trong thời gian 5 năm. Thay vì sử dụng tàu công suất nhỏ chỉ 10 đến 15 ngày đã phải vào bờ tiếp nhiên liệu, việc mạnh dạn tiếp cận chủ trương hỗ trợ của Nhà nước, đầu tư thuyền công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, an toàn đã giúp anh vươn ra khơi xa với những chuyến đi dài ngày. Bình quân mỗi chuyến vươn khơi, tàu của anh trở về với hàng chục tấn hải sản, thu lãi vài trăm triệu đồng.
Nỗ lực bám biển, vươn khơi bằng tàu lớn không chỉ riêng có ở anh Tuyên mà các ngư dân có kinh nghiệm làm nghề lâu năm, tự có tiềm lực hoặc có cơ hội tiếp cận sự hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi đều mạnh dạn đầu tư thuyền công suất lớn, nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên biển. Đến nay, trong tổng số 1.942 tàu, thuyền đánh cá, toàn tỉnh đã có 335 chiếc tàu công suất trên 90CV, 94 tàu từ 50-90CV, 202 tàu 20-50CV, 1.311 tàu dưới 20CV. Để tránh giảm những tổn thất do hoạt động đơn lẻ, nâng tối đa hiệu quả khai thác hải sản, anh Tuyên và các chủ thuyền trên địa bàn đã cùng nhau liên kết, thành lập các tổ, đội, hiệp hội, khai thác thế mạnh chung sức chống chọi thiên nhiên, tìm kiếm ngư trường, đồng loạt khai thác khi phát hiện ngư trường có sản lượng lớn và điều phối để các tư thương không ép giá khi tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, toàn tỉnh đã thành lập được 41 đoàn, tổ, đội khai thác thủy sản với 1.185 tàu và 3.187 lao động, chiếm 61,24% tổng số tàu; trong đó huyện Giao Thủy có 28 tổ, đội, huyện Hải Hậu 10 tổ, đội, huyện Nghĩa Hưng 2 tổ, đội và huyện Trực Ninh 1 tổ, đội. Cũng nhờ chung sức, tạo nên sức mạnh liên kết, nhiều ngư dân thuyền công suất nhỏ trong tỉnh đã đủ năng lực khai thác tại ngư trường vùng Vịnh Bắc Bộ. Các tàu có công suất trên 90CV khai thác tại các ngư trường tuyến khơi như Bạch Long Vĩ, Hòn Mê - Hòn Mắt; một số tàu đã di chuyển ngư trường khai thác ở các vùng biển Nha Trang, Vũng Tàu.
Tiêu biểu trong số cá nhân, doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ hải sản của tỉnh phải kể đến các ông Nguyễn Hùng Vương, Nguyễn Văn Cửu, những người đã đạt danh hiệu “Doanh nhân vì chất lượng cuộc sống” năm 2014, đồng thời hai doanh nghiệp của các ông là: Cty TNHH một thành viên Hải sản Hùng Vương và doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Cửu Dung cũng đạt giải thưởng "Thương hiệu vàng thực phẩm Việt Nam" năm 2014 Bộ Y tế phối hợp với Bộ NN và PTNT, Bộ Công thương xét thưởng vào cuối tháng 4-2015. Cty TNHH một thành viên Hải sản Hùng Vương, đội 14, xã Giao Nhân (Giao Thủy) là một trong những doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy, hải sản đạt tiêu chuẩn ATTP có uy tín trong tỉnh và toàn quốc.
Các sản phẩm chủ yếu của Cty là chả cá, sứa ướp muối, sứa ăn liền, chế biến cá mai khô, các sản phẩm được chế biến từ cá biển… được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Nga, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a… DNTN Cửu Dung, xã Giao Xuân (Giao Thủy) là một trong những cơ sở nuôi trồng, sản xuất giống, chế biến và xuất khẩu thủy, hải sản có uy tín trong nước nói chung và khu vực tỉnh ta nói riêng. Năm 2005, huyện Giao Thủy ủy quyền và hỗ trợ pháp lý cho DNTN Cửu Dung xây dựng nhãn hiệu ngao Giao Thủy.
Để khẳng định thương hiệu ngao sạch Giao Thủy, doanh nghiệp chỉ thu mua sản phẩm ở vùng nước nuôi được kiểm soát và được phép thu của các cơ quan quản lý Nhà nước, luôn chấp hành đầy đủ các yêu cầu về đảm bảo ATVSTP trong mọi công đoạn chế biến. Liên tục từ năm 2004 đến nay, vùng nuôi ngao ở Giao Thủy đạt tiêu chuẩn ATTP, được công nhận an toàn cấp độ B, đủ tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu sang thị trường EU. Từ nhiều năm nay, DNTN Cửu Dung là nhà cung cấp lớn về sản phẩm ngao sạch thương phẩm của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam sang thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Nga, Thái Lan...
Để tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho ngư dân yên tâm bám biển, cùng với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, viễn thông và cơ sở nghề cá như cảng cá, khu tránh trú bão cho tàu, thuyền, nuôi trồng thủy sản, du lịch biển. Mới đây, dự án đầu tư khu neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão cửa Ninh Cơ (Nghĩa Hưng) đã hoàn thành xong âu thuyền 1 có khả năng chứa 250 tàu cá dưới 90CV, đang triển khai âu thuyền 2 cho tàu đánh bắt xa bờ có công suất từ 400CV-1.000CV.
Các ngành chức năng, các địa phương cũng hướng dẫn ngư dân tiến hành tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản trên các vùng biển ven bờ và vùng lộng; vùng biển khơi; dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng phù hợp với từng nghề, từng ngư trường, nhằm nâng cao hiệu quả và thu nhập. Để tạo điều kiện cho các ngư dân đầu tư sắm tàu, mua máy lớn, nâng cấp, cải hoán tàu cá để đánh bắt xa khơi, hiện nay tỉnh đang tập trung chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ về hỗ trợ các chủ tàu được đóng mới tàu cá vỏ thép; Quyết định số 1024/QĐ-BNN-TCTS ngày 7-5-2012 của Bộ NN và PTNT về việc phê duyệt tàu cá lắp và hướng dẫn cách sử dụng, bảo quản thiết bị kết nối vệ tinh MOVIMAR cho các tàu cá góp phần hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý nghề cá hiện đại, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH ngành Thủy sản.
Nhằm giúp ngư dân hoạt động khai thác hải sản hiệu quả và an toàn, các huyện có biển đều chủ động lựa chọn và duy trì hoạt động của đội tàu xung kích thường trực tại các điểm xung yếu, sẵn sàng trực tiếp tham gia phối hợp TKCN, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển khi có áp thấp nhiệt đới, bão và lốc. BĐBP tỉnh luôn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên biển vừa bảo vệ chủ quyền vừa kết hợp bảo vệ an toàn các hoạt động thăm dò dầu khí tại Vịnh Bắc Bộ, đồng thời làm chỗ dựa tin cậy cho ngư dân bám biển sản xuất.
Related news
Những tháng đầu năm 2015, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, xen lẫn những cơn mưa trái mùa làm cho việc quản lý môi trường ao nuôi tôm trở lên khó khăn hơn, tạo điều kiện cho dịch bệnh trên tôm bùng phát, gây thiệt hại cho người nuôi.
Để kiểm soát tốt dịch bệnh trên nuôi thủy sản, chủ yếu là các vùng nuôi tôm nước mặn, lợ giảm thiệt hại cho người nuôi tôm và giảm thiểu tồn dư kháng sinh trong sản phẩm thủy sản, trong vụ tôm 2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường công tác thú y thủy sản.
Thời gian qua, các ngành chức năng và các địa phương trên toàn tỉnh Quảng Bình đã tích cực khuyến cáo, hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) vào sản xuất, đặc biệt là sử dụng chế phẩm sinh học một cách rộng rãi trong nuôi tôm như: EM, Probiotic, Prebiotic... nhằm xử lý môi trường ao nuôi thay thế việc xử lý bằng hóa chất; các loại chế phẩm sinh học bổ sung men đường ruột để hỗ trợ tiêu hóa giảm hệ số thức ăn, nâng cao sức đề kháng phòng trừ dịch bệnh.
Cá sông Đà từ lâu đã trở thành nhu cầu thưởng thức ẩm thực của người dân trong và ngoài tỉnh. Chưa được chính thức công nhận, nhưng cá sông Đà trong tâm thức của nhiều người đã là thương hiệu. Thương hiệu bởi được nuôi dưỡng và phát triển ở vùng hồ đặc thù, lưu vực lớn tập hợp trên một trăm loài cá, là vùng nước sạch chưa bị tàn phá bởi ô nhiễm môi trường.
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, đến nay đã có hơn 100ha tôm nuôi tại các huyện Đông Hòa, Tuy An và TX Sông Cầu bị chết do dịch bệnh và thời tiết nắng nóng.