Hỗ Trợ Nông Dân Sản Xuất Rau An Toàn

Xuân Thới Thượng là một trong những xã điểm về xây dựng nông thôn mới (NTM) của TP.HCM. Những năm qua, Hội Nông dân xã đã có nhiều chương trình hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất.
Trong đó nổi bật là mô hình kinh tế hợp tác, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Vận động chuyển đổi cây trồng
Với diện tích tự nhiên trên 1.800ha, Xuân Thới Thượng là một trong những xã có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn nhất của huyện Hóc Môn. Đây cũng là một trong những xã điểm được thành phố chọn thực hiện thí điểm Chương trình xây dựng NTM. Triển khai chương trình này, từ đầu năm 2009, Hội Nông dân xã đã vận động nông dân chuyển đổi 100ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau sạch.
Để thực hiện hiệu quả, Hội Nông dân xã đã phối hợp cùng Trạm bảo vệ thực vật, Trạm khuyến nông, Chi cục phát triển nông thôn, Trung tâm tư vấn hỗ trợ nông nghiệp xây dựng mô hình sản xuất rau sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP. Các đơn vị đã vận động nông dân thực hiện các nội dung như: Bỏ mẫu giống cũ năng suất kém, không để giống qua nhiều vụ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, quản lý đầu vào các loại phân bón, ghi sổ nhật ký đồng ruộng...
Bà Cao Thị Hòa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thới Thượng cho biết, hội phối hợp các cơ quan chức năng cũng thường xuyên mở các lớp tập huấn cho gần 500 nông dân các nội dung về vệ sinh an toàn thực phẩm, thử nghiệm giống mới có năng suất cao, thả ong ký sinh để giảm bớt thuốc trừ sâu, dùng phân ủ hạn chế mầm bệnh, thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, không gây ô nhiễm môi trường… Những hoạt động này góp phần tăng thu nhập cho người dân, xây dựng ý thức làm ăn tập thể.
Bên cạnh đó, Hội cũng tổ chức cho xã viên HTX cùng nông dân tham quan mô hình sản xuất rau tại Đà Lạt, khu công nghệ cao ở Củ Chi để có thêm kiến thức về sản xuất rau sạch. Với những nỗ lực đó, việc sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn xã đã không ngừng phát triển.
Tạo thu nhập ổn định
Một trong những mô hình khá thành công mà Hội Nông dân xã đã hỗ trợ gầy dựng được từ năm 2009 là mô hình HTX Ngã Ba Giồng trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ về lĩnh vực nông nghiệp, có nhiệm vụ liên kết, hỗ trợ nông dân trong sản xuất, tiêu thụ rau.
"Đầu ra sản phẩm đã được HTX bao tiêu hết, mình cứ làm theo hướng dẫn, chỉ đạo của HTX là yên tâm gối cao đầu mà ngủ”.
Anh Vũ Văn Hưng -xã viên HTX Ngã Ba Giồng
Đến nay, Hội Nông dân kết hợp các ngành chức năng tập huấn cấp giấy chứng nhận cho 200 hộ của HTX về sản xuất rau an toàn, trong đó có gần 60 hộ đạt tiêu chuẩn VietGAP. Cũng nhờ đó, đến nay tại xã có 112ha được công nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Trong đó có 19ha sản xuất rau, củ, quả, với năng suất bình quân đạt từ 28 – 30 tấn/ha; 40ha rau ăn lá năng suất đạt từ 24 – 26 tấn/ha.
Tại đây cũng xây dựng được vùng nguyên liệu như rau ăn lá thường xuyên với diện tích từ 20 – 45ha cho mỗi vụ, nâng tổng diện tích rau củ quả của toàn xã lên trên 100ha, sản lượng bình quân trên 2.700 tấn. Với diện tích rau ăn lá 40ha, nhưng diện tích sản xuất quay vòng lên đến gần 400ha, đạt sản lượng gần 9.000 tấn, trong đó rau theo tiêu chuẩn VietGAP đạt trên 1.300 tấn.
Để giải quyết đầu ra cho sản phẩm, hiện nay HTX Ngã Ba Giồng đứng ra bao tiêu sản phẩm cho nông dân, với sản lượng mỗi ngày từ 3 – 3,7 tấn đưa vào các siêu thị và 3 – 4 tấn vào 19 điểm tiêu thụ ở các trường học, công ty, xí nghiệp. HTX này còn phối hợp với Hội Nông dân đưa 7 tổ hợp tác tiêu thụ sản phẩm xuống đồng để thu mua cho bà con nông dân.
“Cũng nhờ nỗ lực trong sản xuất cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm nên hiện nay đời sống xã viên khá ổn định, bà con yên tâm sản xuất. Sản phẩm rau của HTX đều đạt tiêu chuẩn VietGAP và vào được hệ thống siêu thị Co.opmart nên giá cả ổn định. Hiện HTX cũng liên hệ với 2 đơn vị khác để đưa thêm sản phẩm rau sạch của HTX vào hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố” - ông Trần Văn Hợt - Chủ nhiệm HTX Ngã Ba Giồng cho biết.
Related news

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình Nguyễn Hoàng Lâm cho biết, nuôi thuỷ sản vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Do đó, việc phát triển diện tích tôm công nghiệp trên địa bàn huyện hiện nay là một tín hiệu đáng mừng. Ðiều đó thể hiện sự chuyển biến tích cực trong cách thức tổ chức sản xuất của người dân. Tuy nhiên, điều đáng lo là hạ tầng phục vụ nghề nuôi không phát triển theo kịp sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ.

Hiện nay, nghề sản xuất, ương nuôi cá rô phi giống trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh. Trước xu thế đẩy mạnh nghề nuôi cá rô phi thương phẩm theo hướng không chỉ phục vụ cho người tiêu dùng nội địa, mà còn hướng tới thị trường xuất khẩu, chắc chắn nghề sản xuất cá rô phi giống sẽ tiếp tục được mở rộng.

Xã Phú Long, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre đã được quy hoạch là vùng ngọt hóa. Do các công trình thủy lợi chưa khép kín hoàn toàn nên còn ảnh hưởng xâm nhập mặn (khoảng tháng 4 - 6 hàng năm), độ mặn tối đa 8%o, nên một số người dân đào ao nuôi tôm nước lợ.

Hầu như năm nào, các hộ nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện Tiên Yên cũng đều phải đối mặt với dịch bệnh trên tôm nuôi. Đơn cử, tháng 7-2014, trên 200 hộ nuôi tôm với diện tích trên 350ha ở xã Hải Lạng và Đông Ngũ đã bị chết do dịch bệnh. Ngoài những nguyên nhân khách quan do thời tiết, khí hậu còn có nguyên nhân chủ quan từ phía các chủ đầm trong việc vệ sinh môi trường khu vực nuôi trồng thuỷ sản chưa tốt.

Từ 2 ha giống cỏ hỗ trợ trồng khảo nghiệm để nhân rộng mô hình trong phát triển chăn nuôi bò, đến nay 2 giống cỏ voi VA06 và cỏ hàng chông đã được người chăn nuôi chấp nhận đưa vào trồng khá phổ biến, góp phần giải quyết nguồn thức ăn xanh tại chỗ cho đàn bò của địa phương.