Hồ tiêu Phú Quốc được công nhận là sản phẩm hàng Việt Nam tiêu biểu

Hồ tiêu Phú Quốc được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận là sản phẩm hàng Việt Nam tiêu biểu năm 2014.
Theo đó, đến cuối năm 2015, huyện Phú Quốc có kế hoạch chuyên canh hồ tiêu lên 500 ha và năm 2020 là 1.000 ha, phấn đấu năng suất đạt từ 3 tấn/ha trở lên, với sản phẩm hàng hóa sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, phục vụ tiêu dùng trong nước, xuất khẩu.
Đồng thời, phát triển cây tiêu theo hướng đạt chuẩn GlobalGap, theo quy trình trồng tiêu hiệu quả, bền vững, chất lượng và thân thiện với môi trường, chuyển giao cho nông dân ứng dụng vào vườn tiêu.
Huyện tập trung đầu tư công tác khuyến nông, nhất là hướng dẫn kỹ thuật trồng tiêu cho nông dân theo quy trình giảm thiểu các mối nguy hại liên quan đến việc sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe người sản xuất và cộng đồng…
Năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể hồ tiêu Phú Quốc, không những khẳng định giá trị truyền thống, chất lượng hồ tiêu nơi đảo ngọc này mà còn là điều kiện thuận lợi đưa thương hiệu đặc sản hồ tiêu ra thị trường thế giới với sức cạnh tranh cao về giá cả, chất lượng của sản phẩm.
Related news

Họ đã từng háo hức làm bằng được nông sản sạch theo các quy trình GlobalGAP (chuẩn toàn cầu), VietGAP (chuẩn Việt Nam) để xin cấp giấy chứng nhận. Sau 1 năm chứng nhận hết hạn, tính toán lại số tiền bỏ ra làm GAP cao hơn nhiều so với tiền lời, nông dân lặng lẽ rút lui.

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Gia Lai sâu bệnh hại hồ tiêu bùng phát khá mạnh, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Trong khi đó, do tiêu được giá khiến bà con ồ ạt mở rộng diện tích, càng làm cho dịch bệnh lây lan nhanh và khó kiểm soát. Để giúp nông dân khắc phục tình trạng này, Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã xây dựng và chuyển giao mô hình phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM trên cây hồ tiêu, bước đầu thu được kết quả khả quan.

Nhằm góp phần bảo vệ môi trường nông thôn và nâng cao nhận thức người dân, thời gian qua một số địa phương trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã triển khai thực hiện nhiều điểm thu gom rác thải, vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Tuy mới triển khai trong thời gian ngắn, nhưng mô hình này đã góp phần làm giảm lượng rác thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng ruộng.

Thời điểm này, bà con nông dân các thôn Thanh Thủy, Đồng Giành, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đang bước vào cuối vụ thu hoạch hoa nhài. Năm nay, thời tiết mưa nhiều, năng suất hoa nhài giảm nhưng được giá nên bà con rất phấn khởi.

Khi nước lũ tràn đồng thì gia đình anh Lê Văn Nghiệp ở ấp Tân Thành B – xã Long Tân (Sóc Trăng) đã mua 60 cái dớn về đánh bắt cá. Vì gia đình ít đất sản xuất nên anh Nghiệp tranh thủ con nước về đánh bắt thủy sản để có thêm thu nhập, chờ khi nước rút mới gieo sạ vụ lúa đông xuân.