Hiệu Quả Từ Nuôi Bò Sữa Ở Đông Kết (Hưng Yên)
Nằm ven sông Hồng, xã Đông Kết (Khoái Châu - Hưng Yên) có lợi thế về đồng cỏ ven triền đê và diện tích trồng chuối tương đối lớn (hơn 100 ha)… Đây chính là nguồn thức ăn dồi dào để phát triển đàn bò sữa. Trong thời gian qua, bò sữa đã trở thành con vật nuôi “xóa đói giảm nghèo”, mang lại cuộc sống no đủ cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã.
Đông Kết còn là một trong những xã chăn nuôi bò sữa sớm nhất của huyện Khoái Châu, được chọn là xã điểm xây dựng mô hình chăn nuôi bò sữa của huyện. Vào những năm 2007, khi phong trào chăn nuôi bò sữa trong tỉnh gặp nhiều khó khăn thì đàn bò của xã vẫn duy trì được số lượng lớn. Tính đến hết năm 2012, toàn xã có 118 con với 24 hộ nuôi, tăng 33 con so với năm 2011, trong đó có 100 con đang cho thu hoạch sữa. Tổng thu nhập từ bò sữa của xã năm 2012 là 7,2 tỷ đồng, chiếm 1/7 tổng giá trị thu nhập từ chăn nuôi gia súc, gia cầm đem lại.
Nhờ chăn nuôi bò sữa, thu nhập và đời sống của người nông dân địa phương được cải thiện rõ rệt. Theo các hộ chăn nuôi bò sữa, đầu ra cho sản phẩm sữa hiện nay khá ổn định. Sữa bò thu hoạch đến đâu đã có đại diện của Công ty CP sữa quốc tế IDP và Vinamilk về thu mua. Hơn nữa, bò sữa ít bị dịch bệnh hơn so với các vật nuôi khác nên người nông dân rất yên tâm sản xuất. Ông Đỗ Khắc Tịnh, thôn Đông Kết, một hộ gia đình đã có kinh nghiệm nuôi bò sữa lâu năm chia sẻ: “Năm 2004, tham gia đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện, gia đình tôi đã chuyển từ thâm canh lúa và rau màu sang nuôi bò sữa.
Mới đầu, gia đình tôi nhận nuôi 4 con bò giống. Theo dự án, người nuôi được UBND huyện hỗ trợ 4 triệu đồng/con và ngân hàng cho vay hỗ trợ 10 triệu đồng trong thời gian 3 năm. Ngoài ra, hộ nuôi bò còn được hỗ trợ hoàn toàn việc lấy tinh cho bò cái. Được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Qua nguồn thu từ nuôi bò sữa, thấy được hiệu quả kinh tế ngày càng cao, tôi đã quyết định đầu tư tăng số lượng bò. Đến nay gia đình tôi luôn có từ 8 - 10 con bò sữa, trung bình cho thu hoạch 17 - 20 kg sữa/con/ngày, với giá bán 12.600 đồng/kg, trừ chi phí cho lãi trên 300 triệu đồng/năm.
Nhờ áp dụng chặt chẽ quy trình chăn nuôi, đàn bò của gia đình tôi lúc nào cũng khỏe mạnh, cho sữa tốt. Ngoài ra gia đình tôi còn có ao thả cá và hầm biogas để tận dụng nguồn thức ăn dư thừa, xử lý chất thải từ chăn nuôi bò sữa”. Bằng kinh nghiệm nhiều năm của mình, ông Tịnh cho rằng chăn nuôi bò sữa vào thời điểm này là rất hiệu quả đối với nhà nông. Người nuôi cần chú ý tiêm phòng đầy đủ cho bò sữa, chọn giống tốt, cần theo dõi bò thường xuyên để kịp thời phát hiện, xử lý, chữa bệnh cho bò, trong thời gian thu hoạch sữa phải cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho bò.
Cũng là một hộ chăn nuôi bò sữa hiệu quả trong xã, anh Nguyễn Văn Rồng (sinh năm 1990) ở thôn Đông Kết cho biết: Đầu năm 2012, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, tôi bắt tay vào việc chăn nuôi bò sữa. Vốn đầu tư ban đầu khoảng 300 triệu đồng để mua 6 con bò và sửa sang chuồng trại, hiện cả 6 con đều đang cho thu sữa với sản lượng khoảng 140kg sữa/ngày, thu được khoảng 1,6 triệu đồng/ngày, trừ tất cả chi phí còn lãi từ 50% trở lên.
Anh Rồng cho biết thêm: Theo thông báo từ 01/04/2013 giá sữa sẽ được công ty thu mua tăng thêm 650 đồng/kg, đây chính là động lực khuyến khích người chăn nuôi nhân rộng đàn. Để bảo đảm nguồn thức ăn cho bò, gia đình tôi đã trồng 6 sào cỏ, chuối, ngô… Tuy vậy, để phát triển thêm số lượng bò, khó khăn lớn nhất vẫn là diện tích đất trồng cỏ. Niềm mong muốn của gia đình anh và cũng là mong muốn của các hộ chăn nuôi bò sữa là được hỗ trợ thêm về vốn và kĩ thuật chăn nuôi bò sữa. Cùng với việc chăn nuôi bò sữa, gia đình anh còn có 6 sào ao thả cá để tận dụng nguồn thức ăn thừa của bò.
Theo ông Đỗ Khắc Hội, Phó chủ tịch UBND xã Đông Kết cho biết: Trong thời gian tới, xã có định hướng khuyến khích người chăn nuôi mở rộng đàn bò, phát triển chăn nuôi xa khu dân cư để bảo đảm vệ sinh môi trường; ưu tiên cho các hộ chăn nuôi đấu thầu đất để trồng cỏ nuôi bò; khuyến khích người nuôi bò xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải trong chăn nuôi bò sữa… Bên cạnh đó, theo đề án của huyện, từ năm 2011 đến năm 2013 sẽ hỗ trợ mỗi con bò, bê sữa mua mới hoặc bê sữa cái mới được sinh ra nuôi đến khi được vắt sữa hỗ trợ với mức là 1,5 triệu đồng/con.
Năm 2014 mỗi con bê cái đẻ ra nuôi có chửa được vắt sữa hỗ trợ 700.000 đồng/con và hỗ trợ liều tinh bò sữa chất lượng cao trong 5 năm. Ngoài phần hỗ trợ của huyện, các công ty thu mua sữa cam kết tiêu thụ toàn bộ, ổn định, lâu dài nguồn nguyên liệu sữa tươi có trên địa bàn; hỗ trợ đầu tư hệ thống thiết bị thu gom, bảo quản, vận chuyển sữa tươi khép kín trên địa bàn và một số chính sách hỗ trợ về kỹ thuật khác như tập huấn kỹ thuật chăm sóc, vắt sữa và phòng trị bệnh cho đàn bò...
Với những lợi thế về nguồn thức ăn cùng với chính sách hỗ trợ của huyện và doanh nghiệp, nhất là giá sữa đang cao và có chiều hướng tiếp tục tăng như hiện nay, hy vọng nông dân xã Đông Kết sẽ được tiếp thêm sức để phát triển đàn bò sữa.
Related news
Ngày 11/8, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định về việc công bố hết dịch bệnh hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi tại Móng Cái.
Theo đánh giá của Bộ NN và PTNT, tình hình xuất khẩu khó khăn, giá nguyên liệu thấp cộng với dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất tôm nước lợ, đặc biệt tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Trước tình hình đó, Bộ trưởng NN và PTNT đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị giải quyết khó khăn đối với ngành hàng này.
Cư dân vùng sông nước xem cá vược như loài ngư tinh với bao huyền tích. Vượt qua những quan niệm lạc hậu, ngư dân đầm phá Tam Giang (Thừa Thiên Huế) đã mạnh dạn “mang” loài cá này vào nuôi thương phẩm để trở thành một đặc sản giá trị.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) Tiền Giang vừa có văn bản hướng dẫn UBND huyện Tân Phú Đông về việc khai thác sò huyết giống tự nhiên trên khu vực cồn Ngang thuộc xã Phú Tân.
Ngay sau vụ việc 14 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn Đồng Nai bị Chi cục Thú y tỉnh kiểm tra, phát hiện vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Chi cục Thú y TP.Hồ Chí Minh đã kiểm tra các cơ sở giết mổ. Trong 222 mẫu xét nghiệm, cơ quan chức năng phát hiện có 31 mẫu dương tính với chất cấm, trong đó có 20 mẫu được cho là có nguồn gốc từ Đồng Nai.