Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Ong Mật Ở Bá Thước Ở Thanh Hóa

Nghề nuôi ong lấy mật ở Bá Thước (Thanh Hóa) có từ lâu, nhưng người dân chỉ nuôi tự phát, nhỏ lẻ, sản phẩm mật ong chỉ phục vụ nhu cầu của gia đình là chính. Nhưng nay, nghề này đang ngày càng phát triển, nhất là từ khi có sự hỗ trợ về vốn và kỹ thuật của Dự án “Quản lý lưu vực đầu nguồn có sự tham gia của cộng đồng” do Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam tài trợ.
Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi ong mật của gia đình ông Quách Văn Thắng, một trong những hộ nuôi ong thành công ở thôn Ri, xã Lương Nội. Ông Thắng, cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chỉ nuôi 1 - 2 đàn để lấy mật phục vụ gia đình. Tuy nhiên, từ năm 2009 được Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam hỗ trợ về vốn và kỹ thuật thông qua Dự án “Quản lý lưu vực đầu nguồn có sự tham gia của cộng đồng”, gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác trong xã đã từng bước mở rộng quy mô đàn ong. Đến nay, gia đình tôi đã có 36 đàn ong. Trung bình mỗi năm thu từ 130 - 150 lít mật, trừ chi phí cho thu nhập 20 - 30 triệu đồng”. Khi hỏi về cách nuôi ong mật, ông Thắng cho hay: Chỉ cần có giống, có kỹ thuật và vườn cây ăn quả là đàn ong phát triển mạnh. Sau Tết âm lịch khi thời tiết ấm áp thì phải chuẩn bị cho đàn ong xây tổ, san đàn. Để nâng cao sản lượng và chất lượng mật ong, mỗi năm phải di chuyển đàn ong đến những vườn cây khác có nhiều hoa, việc di chuyển phải trong đêm để đàn ong không bị phân tán...
Một thực tế cho thấy, nghề nuôi ong phù hợp với sức khỏe của mọi lứa tuổi, mọi giới, thêm nữa đây là nghề không cần nhiều vốn đầu tư, khả năng cho thu nhập khá nên đã thu hút sự tham gia của nhiều hộ dân. Hiện nay, trên địa bàn huyện Bá Thước, ngoài hộ ông Thắng còn có nhiều gia đình nuôi ong mật với số lượng lớn như gia đình các ông Đỗ Duy Nghĩa, Lê Văn Đúc, ở xã Tân Lập có 30 đàn; ông Hà Văn Hiếu, bà Lương Thị Lan, ở xã Ban Công duy trì từ 20 đến 30 đàn. Đặc biệt, gia đình ông Vũ Văn Đặn, ở thôn Xuân Lập, xã Tân Lập có trên 30 đàn ong, mỗi năm thu trên 130 lít mật. Ông Đặn cho biết: “Từ khi phát triển nghề nuôi ong lấy mật, kinh tế gia đình được cải thiện rõ rệt. Hiện nay, thu nhập bình quân từ nuôi ong của gia đình đạt hơn 20 triệu đồng/năm”.
Có thể thấy, ngoài lợi ích kinh tế, nghề nuôi ong lấy mật ở Bá Thước còn góp phần tạo việc làm cho người dân lúc nông nhàn. Bên cạnh đó, việc nuôi ong còn giúp thụ phấn cho cây trồng, góp phần tăng năng suất, chất lượng mùa màng, bảo vệ tính đa dạng sinh học của các loài thực vật và bảo vệ môi trường sinh thái. Nhằm giúp người dân nâng cao lợi ích từ nghề nuôi ong lấy mật, đồng thời bảo đảm tính bền vững của mô hình, Dự án “Quản lý lưu vực đầu nguồn có sự tham gia của cộng đồng” cùng với chính quyền địa phương đã thành lập tổ hợp tác ong đầu nguồn tại xã Tân Lập với mục tiêu kinh doanh chính là mật ong và tư vấn kỹ thuật nuôi ong cho các hộ gia đình trên địa bàn huyện Bá Thước. Tin rằng đây sẽ là hướng đi hiệu quả mang lại nguồn thu nhập cho người dân địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo trong thời gian tới.
Related news

Tôi được lãnh đạo Báo NTNN giao trọng trách viết cho chuyên mục “1001 cách làm ăn”. Mỗi tuần 1 bài. Mỗi bài là một vấn đề mà bà con đang cần để áp dụng tìm tòi để các vấn đề nêu ra đáp ứng được yêu cầu của nhân dân.

Tận dụng diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen ở xã Định Thành (Thoại Sơn) và Cô Tô (Tri Tôn)- An Giang phát triển gần chục năm, đem lại nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, những vụ gần đây, do dịch bệnh, giá cả bấp bênh, bà con không còn “mặn” với loại cây thủy sinh này.

Tiếp nối nghề truyền thống của cha ông, anh Ngô Văn Nhợi (xã Hải Tân, huyện Hải Hậu, Nam Định) đã phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Bất chấp sự vận động, khuyến cáo của ngành nông nghiệp, từ đầu năm đến nay nhiều người hộ dân ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh tiếp tục đổ xô lên liếp trên đất lúa để trồng cây cam sành.

“Cánh đồng tôm” là tên mà người dân Cà Mau thường gọi cho mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến. Tuy là mô hình mới nhưng năng suất khá cao, có rất nhiều nông dân thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.